Chàng trai mồ côi bố được tuyển thẳng đại học: Tưởng phải dừng lại!

1 năm trước 157
 Tưởng phải dừng lại! - Ảnh 1.

Tân sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội Trần Văn Linh - Ảnh: HÀ THANH

Trước thềm kỳ thi THPT quốc gia 2022, cậu học trò quê ở Nam Định đón nhận tin vui sớm hơn bạn bè đồng trang lứa khi được tuyển thẳng vào đại học.

"Khi có kết quả đỗ vào trường đăng trên cổng thông tin, trường thông báo nộp 23,3 triệu đồng tiền học phí. Tôi chững lại, không biết mình nên dừng lại hay bước tiếp? Lựa chọn học đại học hay học nghề?" - Trần Văn Linh, 18 tuổi, tân sinh viên Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội, nhớ lại.

Học đại học là con đường nhiều khó khăn nhưng cũng là con đường dễ hơn một chút để đến với thành công. Tôi quyết định chọn nó!

Tân sinh viên TRẦN VĂN LINH

Vào đời với số nợ lớn

Cùng với dòng thông tin trúng tuyển là thông báo đóng học phí đầu năm học, Linh không dám nói với mẹ.

Bố mất sớm, hoàn cảnh gia đình khó khăn, một mình bà Nguyễn Thị Lan (mẹ của Linh) chạy vạy ngược xuôi để nuôi hai anh em ăn học. Chiếc xe bán bánh tráng trộn bằng xe kéo của mẹ ở ngoài chợ chỉ cho thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng, đủ để trang trải chi phí sinh hoạt trong nhà.

Linh có một người anh trai nhưng phải nghỉ học từ sớm. Anh trai từng đi làm đỡ đần cho gia đình nhưng sau một tai nạn thì sức khỏe giảm sút, hiện tại đã đăng ký đi học nghề sửa chữa ô tô, chưa có thu nhập. 

"Đó thực sự là khoảng thời gian khủng hoảng nhất đối với tôi. Việc lựa chọn giữa tiếp tục hay dừng lại là vô cùng khó. Nếu tiếp tục học thì có một điều chắc chắn rằng gia đình sẽ không đủ tài chính để lo cho tôi học đại học. Nhưng nếu dừng lại, tôi sẽ phải từ bỏ ước mơ trở thành một kỹ sư phần mềm" - Linh trăn trở.

Lo lắng nhiều đến mức sức khỏe giảm sút, mẹ biết chuyện nên khuyên Linh tiếp tục con đường học vấn. "Con hãy cứ mạnh dạn theo đuổi ước mơ của mình, còn về tài chính thì mẹ có thể lo cho con được dù bao nhiêu tiền đi chăng nữa" - câu nói của mẹ đã chạm đến trái tim của Linh, thúc bạn một lần nữa cố gắng bước tiếp.

Ban đầu mẹ phải đi "vay nóng" ở ngoài. Khi Linh có giấy báo nhập học, mẹ mới thở phào nhẹ nhõm vì được vay vốn ngân hàng, có tiền để "đập qua trả nợ".

"Tôi quyết định bước tiếp với quyết tâm thay đổi hoàn cảnh gia đình và mẹ chính là động lực để tôi lựa chọn tiếp tục. Giờ vào đời với số nợ lớn, nhưng tôi tin khó khăn về tài chính có thể giải quyết sau này" - chàng tân sinh viên quả quyết.

Chỉ vào chiếc xe máy được mang từ quê lên, Linh thật thà kể những ngày đầu học ở Hà Nội, Linh không dám chạy xe trên đường, đến mức đèn tín hiệu chuyển sang màu xanh nhưng cũng không dám đi vì sợ.

Sau mấy tháng học tập, Linh đã quen dần với môi trường mới. Hằng ngày, bạn chạy xe đi học, học xong là đến cửa hàng làm thêm. Linh được trả công theo giờ, với 23.000 đồng/giờ, nếu làm ca đêm sẽ được nhận 30.000 đồng/giờ.

Khó khăn về tài chính với áp lực tiền trọ, tiền sinh hoạt phí đắt đỏ, nhưng Linh tự tin sẽ nhanh chóng giải quyết được điều đó bằng cách tìm kiếm, nộp hồ sơ đến các quỹ học bổng để được tiếp sức đến trường.

Áp lực là sức mạnh

Từ đứa trẻ nhút nhát, tự ti vì hay bị bạn bè trêu chọc "đứa không có bố, không được bố dạy", đến nay Linh đã phá bỏ vỏ bọc, trở nên cứng cáp hơn. Linh chọn con đường học vấn để chứng minh cho mọi người thấy, nỗ lực phấn đấu không ngừng để đạt được mục tiêu đề ra.

Suốt ba năm cấp 3, Trần Văn Linh xuất sắc đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi của trường và được chọn vào đội tuyển dự thi học sinh giỏi tin học cấp tỉnh. 

Đạt được học bổng hay được tuyển thẳng vào trường là "bước đệm thành công", nhờ đó giúp Linh tự tin hơn và phấn đấu nhiều hơn nữa. 

Ở trường đại học, chương trình đào tạo của trường 100% dạy bằng tiếng Anh, dù vốn tiếng Anh không được tốt nhưng bạn tin rằng ở một ngôi trường tạo ra được cho mình áp lực thì từ đó sẽ giúp mình học tiếng Anh, học thêm ngoại ngữ tốt hơn.

Mấy tháng qua, Linh tự học tiếng Anh, cùng với đó mục tiêu đề ra là cải thiện được khả năng giao tiếp của bản thân, phát triển kỹ năng mềm và rèn tự tin nói trước đám đông.

"Nhiều lúc tôi cũng thầm cảm ơn bản thân vì đã nỗ lực trong suốt thời gian qua, đã cố gắng không ngừng vượt qua giữa giai đoạn dừng lại hay bước tiếp. Đến bây giờ, cảm ơn bản thân đã lựa chọn tiếp tục" - tân sinh viên Trần Văn Linh nói.

Để đỡ đần gánh nặng cho mẹ, bên cạnh việc học, Linh cũng chủ động kiếm việc làm để có thể trang trải phần nào tiền học phí cho gia đình. Cậu học trò đã từng làm KOL cho một trang thương mại điện tử trong thời gian hè lớp 11 và làm thêm ở quán bán đá trong một thời gian ngắn.

"Chính việc tự mình trải nghiệm những công việc ngoài xã hội cũng giúp tôi phần nào hiểu hơn về những khó khăn vất vả của mẹ khi phải một mình nuôi hai anh em ăn học" - Linh bày tỏ.

 Tưởng phải dừng lại! - Ảnh 4.

20 mùa học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ - Đồ họa: NGỌC THÀNH

Làm công nhân may để kiếm tiền trước khi đỗ thủ khoa đại họcLàm công nhân may để kiếm tiền trước khi đỗ thủ khoa đại học

TTO - Trúng tuyển đại học, nhà không có tiền, Huyền không thể nhập học, cô quyết định xin đi làm công ty may. Một năm sau, cô xuất sắc đỗ thủ khoa ngành kế toán Học viện Ngân hàng với số điểm 28,05 khối A00.

Nguồn bài viết