Chàng trai Mông thử nghiệm nơi bản làng đáng sống

3 năm trước 963
Chàng trai Mông thử nghiệm nơi bản làng đáng sống - Ảnh 1.

Chàng thanh niên Mông Hờ A Dì nổi danh đi lên từ bản làng từ nuôi dê, nuôi dúi nay mở rộng mô hình thử nghiệm trồng chanh không hạt trên “đỉnh Mù” - Ảnh: NAM TRẦN

"Thanh niên muốn khởi nghiệp cần có ý tưởng, rồi có vốn, có kiến thức về những thứ mình làm, kết hợp với đam mê. Phải đi đến cùng chứ không phải làm vài hôm rồi bỏ.

HỜ A DÌ

Từ di sản quốc gia đặc biệt đồi Mâm Xôi, phóng tầm mắt về mấy đỉnh núi phía xa, bản làng Tà Chí Lừ (La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) hiện ra trong màn sương mờ. Nơi đó có chàng thanh niên người Mông Hờ A Dì nổi danh đi lên từ bản làng.

Bản làng đáng sống

"Bản làng mình rất đáng để sống, đi làm ở ngoài kiếm lương cao hơn. Nhưng tuổi trẻ ai cũng mong muốn về quê làm điều gì đó, dù không kiếm được nhiều tiền nhưng là của riêng mình nơi mảnh đất này" - A Dì, 28 tuổi, nhắc đi nhắc lại đó chỉ là ý nghĩ riêng mình.

Tốt nghiệp Học viện Quản lý giáo dục, A Dì từng nuôi ước mơ đem cái chữ về bản làng nhưng rất khó kiếm được công việc đúng chuyên ngành. Ra trường, Dì bươn chải làm thuê cho một công ty tổ chức sự kiện. Năm 2016, anh quyết định quay về khởi nghiệp từ chính nơi mình sinh ra.

Với 10 triệu đồng tích cóp làm vốn lận lưng, Dì bắt đầu với năm con dê, là vật nuôi mà bao đời nay cha mẹ anh gắn bó, họ buộc cái dây vào chúng rồi dắt đi hết ngọn núi này đến ngọn núi kia. Nhưng A Dì chọn cách khác, quyết tâm đầu tư trang trại để dê có nơi ăn, chốn nghỉ. "Không làm được đâu", cha mẹ A Dì lắc đầu trước ý nghĩ "điên rồ" của cậu con trai, nhưng anh quả quyết: "Cứ để con làm đã".

Trang trại nuôi dê cách nhà chừng 3km, ngày nắng đi được xe máy, chứ ngày mưa thì Dì phải cuốc bộ mới đến được. Suốt một năm đầu tiên, chàng trai người Mông ăn ngủ, làm bạn với dê. Từ năm con dê ban đầu, đến nay sau bốn năm trang trại của Hờ A Dì nuôi đến 60 con dê, năm nào cũng xuất bán từ 20 - 30 con, thu về 40 - 50 triệu đồng.

Nuôi dê thành công rồi, A Dì không dừng lại. Nhìn thấy những cây cỏ voi mọc đầy quanh nhà, quanh nương mà trâu chỉ ăn được đọt non, bỏ đọt già rất phí, A Dì nghĩ: "Người dân ai cũng bỏ hoang thế này, có biện pháp gì để tránh lãng phí?". Nghĩ là làm, anh đưa con dúi về nuôi thử. Tiện lợi là nuôi dúi chỉ mất tiền giống, về sau cứ việc thả tre, thả cỏ coi hoặc một chút thức ăn tự nhiên khác thôi, vậy mà dúi sống khỏe re. Mỗi lần xuất bán cho khách du lịch với giá 500.000 đồng/kg.

"Nổi danh" nhờ chanh không hạt

Từ nhà A Dì tăng bo qua một quả đồi nữa mới đến được đồi chanh. "Bỏ xe đây thôi, chanh của mình dưới này", Dì dẫn chúng tôi băng qua một con đường mòn cỏ bít lấp lối. Người Mông bao đời nay quen sống trên rẻo cao, cha mẹ rồi đến đời A Dì cũng thế. Những tưởng đồi càng cao nước dẫn về càng khó, ấy vậy mà chàng trai người Mông mày mò áp dụng hệ thống dẫn nước bán tự động, chỉ cần bật công tắc, nước tự động chảy về tưới tắm cho chanh.

"Bản Tà Chí Lừ của mình dịch ra là chanh. Mình quyết tâm đưa cây chanh thử nghiệm để khách du lịch biết đến quả chanh của Tà Chí Lừ. Mình cứ làm đã, đi trước xem có thành công không", Hờ A Dì quả quyết.

Ngày mới đưa 300 gốc chanh không hạt về, không biết khí hậu có thích hợp hay không nhưng Dì vẫn mạnh dạn trồng thử. Trồng chanh phải mất công chăm sóc, thăm nom thường xuyên. Anh nói cũng may giờ dê, dúi, táo mèo khách đã quen mối nên cứ tự động xuất bán, thu theo mùa vụ, nhờ đó anh có thời gian chăm bẵm chanh nhiều hơn. Suốt hai năm đưa chanh không hạt vào thử nghiệm, nay 300 gốc chanh của A Dì đang cho quả bói trĩu cành. "Nhìn thấy những cây chanh trĩu quả, mình vui lắm", cậu trai bản hồ hởi hái mấy quả chanh nhờ phóng viên ăn thử.

Nhớ lại những ngày đầu, A Dì giãi bày đề xuất ý tưởng gì cũng bị phản đối. Như chuyện trồng táo mèo, người trong bản lắc đầu: "Sao mày lấy nương ngô trồng những cây này?". Ấy vậy mà bốn năm sau, người trong bản đều theo A Dì trồng táo mèo, cây này không cần nhiều công chăm sóc, bà con cứ đến vụ là thu hoạch.

Khó khăn nữa là về vốn. Dì bộc bạch: "Có ý tưởng hay ho nhưng phải có đồng vốn, mình chưa lập gia đình nên người ta không cho mình vay tiền". Ngày ấy anh phải mượn sổ đỏ của cha mẹ thế chấp vay vốn ngân hàng, rồi vay mượn thêm từ anh em, bạn bè để xoay vòng.

Có vốn rồi, chàng trai người Mông quyết thử nghiệm mô hình này đến mô hình khác, vừa làm vừa học thêm từ "thầy" Google, tham gia các câu lạc bộ làm kinh tế giỏi để học hỏi từ người đi trước. Sau bốn năm không chịu nhường bước trước khó khăn, đến nay Hờ A Dì "nổi danh" một vùng, từ "Dì dê", "Dì dúi" cho đến "Dì chanh". Đến khu di sản ruộng bậc thang Mâm Xôi, gọi anh bằng cái tên nào người ta cũng sẽ chỉ đến tận nhà.

Hiện tại A Dì đang học thêm tiếng Anh, mong muốn của anh là sắp tới sẽ kết hợp làm tour du lịch trải nghiệm. Nhờ vậy khách du lịch đến tham quan đồi Mâm Xôi sẽ được đến thăm đồi chanh không hạt, góp phần quảng bá văn hóa, đặc sản của bản làng.

"Phải làm, để người ta thấy, người ta làm theo"

Nhìn lại chặng đường bốn năm qua, Hờ A Dì bộc bạch rất khó để bắt người dân làm theo mình, cũng bởi bao đời nay người dân Tà Chí Lừ chỉ quen với nương ngô, nương lúa.

Do vậy, anh quyết tâm: "Phải làm, làm để chứng minh cho người ta nhìn thấy, cho người ta làm theo". Giờ đây cả bản làng đổi thay, thanh niên trai tráng, người dân trong vùng mạnh dạn phát triển kinh tế từ cây táo mèo, đồi thảo quả và cùng nhau làm du lịch đón du khách đến thăm thú "đỉnh Mù".

Chàng trai người Mông quyết tâm Chàng trai người Mông quyết tâm 'bắt cái tương lai' blouse trắng

TTO - Mỗi sáng sớm đi lâm sàng ở bệnh viện, chiều vào giảng đường, có hôm trực viện xuyên đêm, Giàng A Chính - chàng trai người Mông năm nào sợ phải bỏ học, nay tự tin bước đi trên con đường đã chọn.

Nguồn bài viết