Tin em Dìu Dỉ Khanh đỗ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã lan rộng cả bản dân tộc Lô Lô nơi địa đầu Tổ quốc - Ảnh: Đồn biên phòng Lũng Cú
Những ngày qua, ngôi nhà của Dìu Dỉ Khanh dưới chân cột cờ Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang thường xuyên đón các chú bộ đội biên phòng và người dân đến thăm, tặng rất nhiều quần áo mới để Khanh sắp sửa vào đại học.
Trái ngọt của đơn vị
Khanh nhớ ngày trước bố mẹ làm lụng quần quật trên nương trên rẫy nhưng vẫn không đủ nuôi các con ăn học. "Hay mình chỉ học hết cấp 3 thôi, không đi học nữa, ở nhà đi làm giúp bố mẹ?" - Khanh trăn trở.
Biết đến hoàn cảnh khó khăn của gia đình Khanh, năm 2016 Đồn biên phòng Lũng Cú trực tiếp đỡ đầu giúp Khanh tiếp tục theo đuổi con đường học tập theo mô hình "Nâng bước em tới trường". Không chỉ hỗ trợ về mặt vật chất, cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng còn thường xuyên đến thăm, động viên gia đình Khanh.
Được các chú bộ đội biên phòng nâng đỡ, dìu dắt, Khanh như được tiếp thêm động lực, cố gắng phấn đấu, nỗ lực không ngừng. Suốt những năm qua, Khanh luôn ghi nhớ lời các chú dặn: "Bây giờ có chú bộ đội giúp đỡ, không phải lo về chi phí học tập nữa, cháu học được cứ cố gắng học, sau này kiếm cái nghề giúp đỡ gia đình".
Nhờ đó, suốt 3 năm THPT, Dìu Dỉ Khanh luôn đạt học lực giỏi. Mới đây, em vui mừng nhận thông báo trúng tuyển Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với số điểm 26,12.
"Nhận tin đỗ đại học em rất vui. Cảm ơn các chú đã tạo điều kiện để em có được môi trường học tập tốt nhất và đạt được kết quả như bây giờ, để em bước đến chinh phục ước mơ trở thành kỹ sư ôtô" - Khanh bày tỏ.
Trung tá Đỗ Đăng Nhiệm - đồn trưởng Đồn biên phòng Lũng Cú - chia sẻ, nghe tin Dìu Dỉ Khanh trúng tuyển vào trường đại học lớn ở Hà Nội, anh em cán bộ chiến sĩ ở đồn rất vui mừng trước kết quả của chàng trai dân tộc Lô Lô.
"Đây là "trái ngọt" của đơn vị trong suốt 5 năm thực hiện chương trình "Nâng bước em tới trường".
Đặc biệt thời gian cháu Khanh ở trường đại học, đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành với cháu bằng cách kết nối các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để sẻ chia cùng cháu giảm bớt gánh nặng chi phí học tập" - trung tá Nhiệm cho hay.
Em Thò Thị Dính và em Thò Thị Sứa được đồn biên phòng trực tiếp nuôi dưỡng tại đơn vị - Ảnh: NAM TRẦN
"Các chú thương con nhiều lắm"
Xuất phát từ tấm lòng san sẻ yêu thương, suốt 5 năm qua, Đồn biên phòng Lũng Cú trực tiếp đỡ đầu 1 học sinh, chăm sóc 8 em khác do Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đỡ đầu và nhận 3 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nuôi dưỡng tại đơn vị theo mô hình "Nâng bước em tới trường" và "Con nuôi đồn biên phòng".
Được các chú bộ đội trực tiếp nuôi dưỡng, ba chị em Thò Thị Dính, Thò Thị Sứa, Thò Mí Và đã học được tác phong của người lính nơi biên cương.
Sáng sớm, 5h thức dậy, những đứa trẻ nhanh chóng quét dọn phòng sạch sẽ, vệ sinh cá nhân xong là ngồi vào bàn ăn cơm rồi đi học. Đến chiều đi học về, chị em Dính lon ton vào bếp phụ các chú nhặt rau, quanh quẩn ở bếp.
Thượng úy Nguyễn Việt Đức, đội trưởng đội vũ trang - người thường xuyên dạy học cho các bé, chia sẻ ba chị em Dính có hoàn cảnh rất đặc biệt. Bố mất sớm, mẹ sang Trung Quốc kiếm việc làm rồi lấy chồng luôn ở đó, để lại ba đứa trẻ còn nhỏ dại cho người bà đã ngoài 80 tuổi.
"Đi tuần tra trên địa bàn, chúng tôi nắm được hoàn cảnh của gia đình nên vận động đưa cháu về đồn biên phòng chăm sóc. Mới đầu các cháu không chịu giao tiếp với bộ đội, chỉ trả lời bằng tiếng đồng bào Mông.
Chúng tôi phải thay nhau chăm sóc, trò chuyện với các cháu, đồng thời nhờ sự giúp đỡ của cô giáo thường xuyên đến động viên, thăm nom các cháu tại đồn" - thượng úy Đức chia sẻ.
Nay thì cả ba chị em Dính đều dạn dĩ hơn trước, tự tin chào hỏi và trò chuyện bằng tiếng phổ thông. Em trai của Dính là Thò Mí Và học rất giỏi nên được đồn biên phòng gửi đi học trường nội trú ở huyện.
"Con chưa biết làm gì nhưng muốn đi học để có tiền, để không khổ như cha mẹ. Các chú thương con nhiều lắm. Ở đây các chú cho con ăn đầy đủ, được ăn cơm với thịt, với rau, có thịt bò, thịt gà" - Sứa thật thà nói.
Thời gian qua, thực hiện chương trình "Nâng bước em tới trường" và "Con nuôi đồn biên phòng", các đơn vị bộ đội biên phòng trên các tuyến biên giới đã nhận đỡ đầu hàng ngàn em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Qua đó góp phần ươm những mầm xanh cho biên cương Tổ quốc, thắt chặt hơn tình đoàn kết quân dân thắm thiết.