Anh Lê Văn Mạnh đi những đường chỉ đầu tiên cho bức chân chung của mình
Bằng thuật toán trên máy tính, anh chàng đã dùng cây đinh, sợi chỉ để tạo hình bức tranh độc đáo ở Việt Nam.
Bắt đầu tìm hiểu từ tháng 4-2020 qua những video trên mạng xã hội nước ngoài, anh Lê Văn Mạnh luôn đặt ra câu hỏi tại sao chỉ từ đinh và chỉ, những mối nối tưởng như đơn giản lại có thể làm ra chân dung hoàn chỉnh.
Anh bắt đầu tham khảo, tìm nhiều tài liệu về bộ môn nghệ thuật này. Tuy nhiên vì dòng tranh này chưa thực sự phổ biến trên thế giới, anh phải tự mày mò và tìm ra quy luật để thực hành.
"Giữa những cây đinh và sợi chỉ, chắc chắn chúng có mối liên hệ với nhau để có thể kết nối, tạo hình. Không dễ cân chỉnh, tìm được đường đi của sợi chỉ qua từng cây đinh mà phác họa ra được đường nét gương mặt như vậy. Mình tìm đến thuật toán bằng phần mềm autocad trên máy tính để tìm sự liên quan giữa vị trí của những cây đinh. Sau nhiều lần thử nghiệm, mình đã tìm ra được cách làm dòng tranh này", anh giải thích.
Trong 2 tháng đầu, anh Lê Văn Mạnh đã thử qua rất nhiều công thức cũng như cách làm tranh với nhiều loại chỉ. Từ những chân dung đơn giản đến phức tạp, kích thước nhỏ đến to, gương mặt có đường nét thô cứng đến mềm mại, anh đã quen dần với công việc tạo hình và sáng tạo thuần thục bộ môn nghệ thuật này.
Trước khi làm, đinh sẽ đóng xung quanh khung tranh theo thước vòng có sẵn để đảm bảo khoảng cách giữa chúng thật đều
Quy trình làm tranh được anh Mạnh "số hóa" và làm đơn giản các công đoạn từ chọn khung, đóng đinh đến đường chỉ đi sao cho thật phù hợp.
Sau khi chọn được chân dung cần làm, anh sử dụng phần mềm để phân tích mảng sáng tối, tương phản, rồi dùng thuật toán giải ra một chuỗi con số phù hợp.
"Tùy cách cảm nhận mỗi người mà màu sắc cân chỉnh trên máy tính sẽ khác, từ đó đưa ra chuỗi dãy số không giống nhau. Các kiểu khung tranh như hình tròn, hình trái tim, hình vuông sẽ quyết định đến bố cục, vị trí kết nối giữa từng cây đinh và sợi chỉ. Vì thế với những người bắt đầu, khung hình tròn là sự lựa chọn dễ dàng nhất", anh Mạnh chia sẻ.
Từ chuỗi dãy số đã giải ra, người làm chỉ cần di chuyển đường chỉ theo cho thật phù hợp với từng vị trí của cây đinh đó, trung bình số lượng đinh cho một bức tranh từ 200 - 400 chiếc, số lần cuốn chỉ qua đinh trên tranh khoảng 3.000 - 5.000 lần và phải mất 6 - 12 tiếng để hoàn thành một bức tranh chân dung đinh chỉ.
Đến nay, anh Mạnh đã làm khoảng 40 bức tranh chân dung các nhân vật. Anh nhận định người theo bộ môn này cần có sự kiên nhẫn và tập trung tối đa trong quá trình làm. "Nếu cuốn chỉ đi sai vị trí của đinh nhiều lần sẽ làm mất đi cái hồn và chiều sâu trong gương mặt nhân vật, đường chỉ sẽ làm rối mắt người xem và không giống với hình ảnh người thật", anh nói thêm.
Hiện tại, anh Mạnh đang mở lớp dạy làm tranh đinh chỉ miễn phí cho người có đam mê bắt đầu làm. Trong tương lai, anh sẽ tìm hiểu thêm cách làm tranh đinh chỉ màu và phối hợp một vài kỹ thuật khác mới lạ hơn.
Bức tranh họa hai gương mặt nổi tiếng, bên phải là chân dung của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, bên trái là diễn viên Daniel Radcliffe trong vai Harry Potter
Bản phác họa chân dung anh Nguyễn Ngọc Mạnh - người hùng sau vụ đỡ bé gái rơi từ tầng 12A ở chung cư Hà Nội
Gương mặt cô gái người Nga qua bàn tay khéo léo của anh Mạnh
Anh Mạnh sắp xếp lại thứ tự trưng bày tranh tại phòng tranh Ngọc Ánh ở Sài Gòn. Trên tay anh Mạnh là chân dung Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng
Anh Mạnh đóng loại đinh trang trí vào khung tranh, trung bình cần có 200 - 400 đinh
Chỉ được cuốn qua từng cây đinh theo thứ tự đã giải từ thuật toán. Trong quá trình làm tranh, chỉ sẽ được đi đường duy nhất và liên tục