Hoàng Nhân với các sản phẩm đồ gia dụng từ tre nứa quê hương - Ảnh: NVCC
Điều đặc biệt, hành trình khởi nghiệp của anh được ấp ủ từ khi còn là sinh viên ngành luật, Đại học Đà Lạt.
Hành trình đổi thay cây tre quê hương
Đang ngồi trên ghế nhà trường, chàng trai Nguyễn Lê Hoàng Nhân đã luôn trăn trở khi nhìn người dân quê mình quanh năm khai thác tre nứa để lấy măng. Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có nguồn tre nứa dồi dào và Lâm Đồng là vựa tre nứa lớn của cả nước. Vì vậy, anh không can tâm đứng nhìn nguồn tài nguyên quý giá ấy chỉ có giá trị thực phẩm đơn thuần.
Từ năm 3 đại học, anh bắt đầu hình thành ý tưởng tạo ra các sản phẩm từ tre nứa để thay thế các sản phẩm từ nhựa và bắt tay vào quá trình tìm hiểu, nghiên cứu.
Nhân chia sẻ: "Điều tôi mong muốn lớn nhất là hướng đến giá trị lợi ích lớn hơn cho cộng đồng, tạo việc làm cho người dân nông thôn vùng sâu, vùng xa, và hơn hết là khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu sẵn có từ địa phương và tạo ra giá trị kinh tế cho cây tre, cây nứa Việt Nam".
Nhân bắt đầu hành trình khởi nghiệp của mình từ nguồn vốn nhỏ là số tiền anh đi làm thêm phục vụ bàn, làm bảo vệ và tiền học bổng... rồi thành lập nên dự án Đà Lạt Bamboo để nghiêm túc thực hiện ý tưởng của mình.
Kinh nghiệm sản xuất, quản lý của Nhân lúc đó gần như là con số 0 tròn trĩnh nên anh phải vừa làm, vừa học hỏi và tìm hiểu. Nhân kể: "Từ tìm nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất, cách đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng đều có khó khăn riêng... nhưng cái mình nghĩ khó nhất chính là hiểu được cây tre.
Để làm được sản phẩm từ tre phải biết rõ từng cây tre đã đủ tuổi chưa, và mỗi cây tre phù hợp làm sản phẩm gì". Cứ thế, ban ngày đi học, tối về Nhân mày mò nghiên cứu sản phẩm. Những ngày được nghỉ học, Nhân lại tìm về các cánh rừng để tìm nguyên liệu sản xuất thử nghiệm và "hiểu về tre".
Máy móc để sản xuất những sản phẩm tre cũng không có sẵn, nên Nhân và các cộng sự của mình trong dự án phải tự chế tạo máy móc và cải tiến mất rất nhiều thời gian. Nhưng rồi những sản phẩm đầu tiên từ ý tưởng của anh đã thành hình. Từ ống hút tre, ly, cốc tre, bàn chải đánh răng thân tre, đến hộp ủ trà shan tuyết bằng tre... ra đời và được người dùng đón nhận.
Vượt khó, khởi nghiệp xanh
Từ ý tưởng thời sinh viên, nay Nhân có khoảng 20 lao động theo mùa vụ là người địa phương và xưởng sản xuất 1.500m2. Hiện tại Nhân là đơn vị sản xuất, các đơn vị khác sẽ lấy hàng và phân phối lại hoặc bán lẻ. Mỗi tháng xưởng xuất kho khoảng 50.000 ống hút tre, các sản phẩm khác khoảng 1.000 - 3.000 sản phẩm. Các sản phẩm ngày càng đa dạng với mức giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, tổng doanh thu của dự án đạt từ 300 - 500 triệu đồng mỗi tháng.
Nhân cho biết một sản phẩm bằng tre phải trải qua nhiều công đoạn từ khai thác nguyên liệu đến phơi khô, luộc qua nước muối, gia công tạo hình, hấp tiệt trùng...
Để tăng tuổi thọ của sản phẩm, phải chọn tre loại già trên 2 năm tuổi. Cách xử lý nguyên liệu cũng phải khéo léo để vừa giữ được màu tự nhiên mà không được sử dụng chất hóa học. Nhân đã sử dụng các loại tinh dầu thiên nhiên để hấp sản phẩm, nâng cao khả năng chống mốc.
Vì giá thành sản xuất cao hơn so với các sản phẩm nhựa nên việc đưa sản phẩm đến tay người dùng khá khó khăn. Nhân bảo rằng dù khó cũng phải tìm cách. Bản thân đã định hình rõ ngay từ đầu, để dự án này đi đến đích thì tuyệt đối không sử dụng chất hóa học trong quá trình sản xuất bởi đa số các sản phẩm là đồ gia dụng phục vụ trực tiếp cho con người.
Cơ sở của Nhân cũng hướng đến khai thác tre nứa theo mùa, không triệt hạ và kết hợp kêu gọi bà con trồng thêm tre nứa để duy trì nguồn nguyên liệu và bảo tồn. Hiện tại anh cũng đang nghiên cứu sản xuất thử nghiệm thêm các sản phẩm từ mo cau.
"Mình mong muốn qua dự án này sẽ giúp mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường, đó không phải là công việc của riêng ai, đặc biệt là mong muốn thế hệ trẻ không còn cái nhìn thờ ơ nữa" - Nhân bộc bạch.
Thời điểm dịch COVID-19 hoành hành đặt ra nhiều khó khăn trong khâu phân phối sản phẩm. Nhân biến thời gian này trở thành thời điểm vàng để tập trung nghiên cứu các sản phẩm mới. Đồng thời anh chuẩn bị các điều kiện cần thiết hướng đến xuất khẩu hàng sang thị trường châu Âu sau khi tình hình dịch bệnh được khống chế.
Chị Hồ Kiều Oanh, một khách hàng đã sử dụng sản phẩm từ tre nứa của dự án, cho biết: "Nhiều sản phẩm rất sáng tạo và đặc biệt. Mình thường chọn các sản phẩm từ tre nứa như bàn chải đánh răng bởi phải thay từ 3 - 4 tháng một lần, vừa tốt cho sức khỏe và bảo vệ môi trường. Các em nhỏ cũng có thể vẽ sáng tạo ngay trên những chiếc bàn chải này. Điều đặc biệt là mình muốn khích lệ tinh thần khởi nghiệp xanh của một chàng trai trẻ tuổi".
Đưa tre Việt vươn ra thế giới
Năm 2019 Nhân nhận được lời mời xuất khẩu sản phẩm sang Úc, từ đó đến nay, khoảng 2 container sản phẩm đã được chuyển đi. Hiện tại Nhân đã đưa được một số sản phẩm làm từ tre nứa đến Nhật Bản và Đức. Vượt qua nhiều tiêu chuẩn khắt khe, những mặt hàng từ tre nứa đang rất được chào đón bởi người dân các nước này đang hướng đến lối sống xanh và chú trọng đến sức khỏe.
"Trong tương lai xa hơn mình mong muốn đưa được nhiều hơn các sản phẩm này đến với bạn bè quốc tế, để khi họ cầm trên tay sản phẩm này sẽ nghĩ ngay đến Việt Nam" - Nhân nói.