Hệ thống cung ứng thực phẩm, hàng thiết yếu của TP.HCM đã trải qua giai đoạn khó khăn trong đợt dịch bùng phát lần 4 - Ảnh: N.BÌNH
Nhiều ý kiến, bài học đã được các doanh nghiệp, nhà bán lẻ chia sẻ tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa cho người dân trên địa bàn TP trong đợt dịch lần thứ 4, tổ chức chiều 12-11.
Đây cũng là kinh nghiệm để TP đảm bảo nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm cho 9,4 triệu người dân trên địa bàn TP trong mua sắm Tết sắp tới.
Ông Lê Trường Sơn, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, đơn vị trải qua nhiều sự việc chưa từng xảy ra trong lịch sử 25 năm từ khi mô hình bán lẻ hiện đại Co.opmart được đưa vào phục vụ. Dù có kế hoạch triển khai cũng như ban chỉ đạo phòng chống dịch, diễn biến thực tế cũng không ít lần đặt Saigon Co.op vào giai đoạn hết sức khó khăn.
Nhờ chủ động xây dựng các kịch bản, tìm nguồn cung thay thế dự trữ cho trường hợp nhà cung cấp chủ lực bị ảnh hưởng của dịch, đa dạng hóa mô hình hoạt động như tạo kênh mua chung, đưa hàng đến khu cách ly, phát triển thương mại trực tuyến..., nhà bán lẻ này vẫn duy trì được cung ứng hàng hóa cho người dân, cùng TP đảm bảo an ninh lương thực.
"Tuy nhiên, để chuẩn bị cho hàng hóa thị trường cuối năm, chúng tôi phải sẵn sàng các kịch bản ở cấp độ cao hơn để không bị động, bởi các biến chủng virus mới rất khó lường", ông Sơn nói.
Ông Lương Quang Thi, CEO ABA Cooltrans, cho rằng dịch vừa qua cũng bộc lộ các bất cập trong công tác dự trữ, bảo quản thực phẩm ở quy mô lớn. Vấn đề an ninh lương thực hiện nay không chỉ gạo mà còn có thịt, cá, rau xanh. Nhu cầu này rất lớn trong dịch bệnh, nhưng cũng từ đây mới thấy hệ thống bảo quản lạnh của TP còn rất hạn chế.
"TP cần nghĩ đến việc xây dựng thêm những hệ thống kho lạnh đủ lớn để giúp TP trữ hàng, có đủ thời gian xoay xở cho kế hoạch khác nếu rơi vào tình huống bất khả kháng", ông Thi đề xuất.
Chia sẻ tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng thừa nhận các biện pháp chống dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế, các chuỗi cung ứng không còn vận hành như trước.
Trong đó, nhiều vấn đề phát sinh cần phải giải quyết ngay như sản xuất, vận tải hàng hóa phải tuân thủ nhiều quy định khắt khe, chợ đầu mối và nhiều chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi phải dừng hoạt động, thói quen mua sắm của người tiêu dùng thay đổi đột ngột…
Theo phó chủ tịch UBND TP, tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Mặc dù đã cơ bản kiểm soát, TP phải thận trọng, từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế trong điều kiện an toàn. Các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng đòi hỏi phải được điều chỉnh phù hợp.
"Trước mắt, đề nghị các doanh nghiệp, hệ thống phân phối tập trung tăng tốc sản xuất, kích hoạt ngay từ bây giờ phương án cung ứng hàng hóa phục vụ Tết Nhâm Dần 2022, và kết nối chuỗi cung ứng bị đứt gãy đối với các tỉnh thành", bà Thắng lưu ý.
Phó chủ tịch TP cũng yêu cầu UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình, tránh bị động, bất ngờ trong ứng phó để triển khai các giải pháp cung ứng hàng hóa cho người dân phù hợp với diễn biến của dịch bệnh.
Từ đây đến Tết Nhâm Dần, cần nhanh chóng tổ chức hoạt động trở lại đối với các chợ truyền thống và chợ đầu mối còn lại trên địa bàn nhằm gia tăng nguồn cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm cho người dân.