Suốt những năm tháng học ở quê, Thúy Diễm thường tìm một công việc để làm kiếm tiền ngoài giờ học trên trường - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Dò tìm danh sách gồm hàng trăm tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi ấn tượng với thành tích học tập đạt loại giỏi suốt 12 năm của Thúy Diễm nên quyết định tìm đến tận nhà.
Nghèo hơn chữ "nghèo"
Sau một hồi lần mò băng qua nhiều mương dừa ngập ngụa trong sình lầy, Thúy Diễm chỉ tay về phía ngôi nhà đang bị tháo dỡ nằm cạnh sông Chợ Xếp (ấp Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) rồi nói: "Đó, ngôi nhà gắn với tuổi thơ của em đó. Giờ đã bị sập không thể ở được nữa. Cô chú mạnh thường quân đã gom góp cho gia đình em được một khoản tiền để cất nhà mới rồi".
Bà Phan Thị Tuyết Mai - 43 tuổi, mẹ của Thúy Diễm - cho biết hai vợ chồng quen biết nhau qua mai mối. Bà cùng chồng là ông Nguyễn Văn Sơn (53 tuổi) đều không có nghề nghiệp ổn định và đồng cảm với nhau có lẽ cũng vì chữ "nghèo" nên đủ duyên để đến được với nhau và ở với nhau đến tận bây giờ.
Ra ở riêng, hai vợ chồng được bên ngoại cho một công đất để cất nhà. Qua gần 20 mùa mưa nắng đi qua, ngôi nhà lá chất chứa nhiều kỷ niệm đã nhiều lần được giặm vá thêm vài lớp lá dừa nước. "Cứ cột kèo nào mối mọt thì tui lại thay cột mới để ở tạm. Tiền kiếm được chỉ đủ đắp đổi qua ngày và lo cho con học chứ không dư dả được đồng nào", chị Mai nói.
Hằng ngày, chị Mai đi bộ đến xưởng kẹo gần nhà để gói kẹo, mỗi ngày kiếm dăm chục ngàn. Còn ông Sơn cũng thường quá giang xe đồng nghiệp mỗi khi có ai đó kêu móc mương, dọn vườn...
Ngày nào có công việc để làm, cả hai vợ chồng cũng tạm kiếm được vài trăm ngàn. Nhưng hầu như tháng nào số ngày đi làm cũng ít hơn ngày thất nghiệp nên cuộc sống của ba người cứ thiếu trước hụt sau.
Công việc bấp bênh, cộng thêm khoản tiền nợ lúc hai vợ chồng khởi nghiệp với nghề nuôi gà nhưng thất bại đang từng ngày đè nặng lên giấc mơ của con cái.
Trong thư gửi đến chương trình "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ, Thúy Diễm viết: "Hiện nay em đã đậu vào ngành công nghệ thực phẩm của Trường đại học Nông Lâm TP.HCM. Tuy nhiên em vẫn cảm thấy lo lắng về chi phí học tập và ăn ở nơi thành phố đầy thứ đắt đỏ ấy. Em sợ rằng gia đình sẽ không thể lo được cho em và tương lai của em sẽ dừng lại ở đấy chỉ vì không đủ tiền học và ăn ở".
Học thay phần mẹ cha
Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, Thúy Diễm đón xe đò về quê thăm mẹ. Bởi sau khi Thúy Diễm nhập học, do phải vay mượn một khoản tiền trên 60 triệu đồng nên ông Sơn phải rời quê lên Đắk Lắk để hái cà phê mướn kiếm tiền trả nợ, chỉ còn bà Mai ở nhà để thu xếp việc nhà xong xuôi cũng sẽ cùng cha đi làm nên em tranh thủ về gặp mẹ.
Cả cha và mẹ Thúy Diễm đều học không qua lớp 4, chỉ đủ để đọc viết lõm bõm nên họ chỉ có một mong ước duy nhất là "con học hết cấp III để bằng bạn bằng bè".
Nhưng với bản tính ham học, Thúy Diễm không muốn mình chỉ dừng lại ở đó. Xác định được hoàn cảnh gia đình không đủ khả năng, ngay những năm cấp III Thúy Diễm đã xin được đi làm phụ tại các quán ăn, quán cà phê gần nhà. Cứ rảnh được giờ nào, Thúy Diễm lại xin vào làm để kiếm tiền học.
Dù không có thời gian nghỉ ngơi và càng không có thời gian cho những buổi đi chơi cùng bè bạn nhưng Thúy Diễm lại có thành tích học đáng nể. Suốt 12 năm, Thúy Diễm đều đạt danh hiệu học sinh giỏi và luôn nằm trong top 3 của lớp.
Thương hoàn cảnh cô học trò nghèo hiếu học, một vài thầy cô Trường THPT Lê Anh Xuân (huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) đã cho Thúy Diễm học thêm miễn phí.
Khi biết mình đậu đại học, cảm xúc đầu tiên của Thúy Diễm không phải là vui mừng mà là lo lắng. Thúy Diễm lo mình không thuyết phục được cha mẹ cho mình tiếp tục đi học, lo khi đi học rồi không có tiền để đóng học phí, lo không trụ nổi mấy năm trời nơi đất khách quê người...
"Hồi đầu tui cũng chỉ nghĩ cho con bé học hết lớp 12 rồi đi làm. Nhưng thấy con ham học, phận làm cha mẹ không lo được cho con tui cũng tủi lắm. Nhưng biết làm sao bây giờ khi gia đình quá nghèo. Rồi thấy con buồn bã tui cầm lòng không đặng, cũng bấm bụng đi vay được 40 triệu để đóng học phí đầu năm cho con", bà Mai nói.
Dù đã giải quyết được khoản tiền trường ban đầu nhưng chặng đường phía trước của Thúy Diễm vẫn còn rất nhiều gian nan. Khi được hỏi sắp tới sẽ làm gì để tiếp tục được đến trường, ánh mắt Thúy Diễm tự tin rồi nói: "Em sẽ đi làm thêm để tự kiếm tiền đi học".
Thương cô học trò ăn cơm trắng chan nước dừa
Cô Huỳnh Thị Tuyết Ánh - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Thúy Diễm - cho biết dù làm chủ nhiệm trong một thời gian ngắn nhưng qua tìm hiểu, cô biết hoàn cảnh đặc biệt của học trò mình.
"Nghe các bạn khác kể lại, có những hôm nhà không có gì ăn, con bé phải chặt dừa chan cơm ăn cho qua bữa thấy mà thương. Thương học trò của mình lắm nhưng tôi không giúp được gì nhiều. Chỉ khi nào có học bổng hay suất quà của nhà tài trợ, tôi thường ưu ái dành cho Thúy Diễm một phần để bớt khó khăn", cô giáo kể.
Dù có hoàn cảnh khó khăn những cô học trò Nguyễn Thị Thúy Diễm luôn đạt học sinh giỏi và nằm trong top 3 của lớp - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Thúy Diễm bên ngôi nhà xập xệ của mình, nơi gắn với em suốt 18 năm qua - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Đồ họa: NGỌC THÀNH