Thanh My - cô gái mồ côi đầy nghị lực - Video: MẬU TRƯỜNG - HUỲNH VY - TRINH TRÀ
Thanh My tranh thủ dạy thêm online cho các em học sinh để kiếm thêm thu nhập trong thời gian giãn cách xã hội - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Trong căn nhà tình thương nằm bên đường Trần Nguyên Hãn, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, My ôm di ảnh ngoại thủ thỉ: Ngoại ơi, con đã làm được điều ngoại muốn. Nhưng sao ngoại nỡ bỏ con đi sớm vậy ngoại?
Tuy vất vả nhưng My chưa một lần đến lớp trễ hay nghỉ học, em là học sinh tiêu biểu của trường, nhiều năm liền là học sinh giỏi, xuất sắc.
Cô LÊ THỊ THỂ TẦN (giáo viên dạy vật lý Trường THPT Trần Hưng Đạo)
Ngoại ơi! Mẹ con đâu?
Ngoại tuy không ruột rà, máu mủ nhưng lại là người thân duy nhất của My. Hai bà cháu như có một sợi dây tình thương vô hình cứ quấn lấy nhau, nương tựa vào nhau để cùng vượt qua những năm tháng cơ cực. Ngoại - người mà Thanh My nhắc là bà Nguyễn Thị Phụng, người dân địa phương vẫn quen gọi là bà Bảy.
Bà Bảy có bốn người con gồm ba người con trai và một người con gái. 18 năm về trước, các con của bà cũng đã lớn khôn nên có cuộc sống riêng. Trong căn nhà gỗ lụp xụp, bà Bảy sống cô đơn một mình.
Lúc này, Thanh My cũng mới chào đời được 5 tháng. "Hồi đó bé My ngồi trong chiếc xe đẩy theo mẹ đi làm tiếp viên tại một quán nhậu ở gần cầu Chùa, thuộc TP Mỹ Tho. Hằng đêm, mỗi khi quán nhậu mở cửa thì mẹ bé My buộc chiếc xe nôi vào một góc nào đó ở quán để phục vụ bia.
Đến khi trong quán không còn khách thì hai mẹ con mới về phòng trọ. Con bé là kết quả của một mối tình không đầu, không đuôi nên cũng không biết ba là ai.
"Thương bé My còn quá nhỏ mà phải sớm hôm theo chân mẹ, chủ quán nhậu giới thiệu rồi gửi cho mẹ tui giữ. Vài tháng đầu mẹ bé My còn lui tới để thăm con nhưng rồi từ từ bặt vô âm tín. Bé My cũng trở thành trẻ mồ côi từ đó" - chị Phan Thị Kim Quyên (54 tuổi, con gái của bà Bảy) kể lại.
Chị Quyên kể tiếp, sau khi bị mẹ bỏ rơi, chính quyền địa phương đã phát loa thông báo tìm mẹ và người thân nhưng ngày tháng trôi qua, không ai nhận. Rồi bà Bảy nhận My làm cháu và chăm sóc như ruột thịt của mình dù các con của bà ái ngại, lo cho sức khỏe của mẹ mình không đảm bảo.
"Hồi đó, mỗi lần mình hỏi ngoại: "Mẹ con đâu?", ngoại chỉ nói cho qua chuyện rằng mẹ bận đi làm kiếm tiền. Khi nào rảnh mẹ sẽ về thăm. Mình cứ chờ, chờ hoài nhưng mãi không thấy", nước mắt chực trào, Thanh My nói.
Lên lớp 4, do cần phải có giấy tờ để xin học bổng, ngoại buộc phải ghi trong giấy tờ Thanh My là trẻ mồ côi. Nhưng trong suy nghĩ non nớt của một đứa bé chưa lên 10 tuổi, lại sống trong tình thương yêu vô bờ bến của ngoại, lúc đó My chỉ nghĩ rằng: Ngoại ghi như vậy là để được nhà trường cho học bổng, giảm học phí vì hoàn cảnh hai bà cháu quá nghèo.
Nhưng rồi càng ngày càng có nhiều lời đàm tiếu, nhỏ to bóng gió nói rằng hai bà cháu không ruột rà, máu mủ.
"Cho đến một hôm mình nghiêm túc hỏi ngoại về thân phận của mình, lúc đó ngoại cũng đã yếu rồi nên ngoại mới kể sự thật. Thoáng chốc, mọi thứ xung quanh như sụp đổ vì quanh mình còn ai để nương nhờ. Nhưng rồi mình lại thấy thương ngoại nhiều hơn và quyết tâm học thật giỏi để trả ơn ngoại", Thanh My gạt nước mắt kể.
Chạm tay vào được điều ước thứ nhất
Góc học tập của Thanh My được ngăn tạm bằng những tấm ván ép trong căn nhà lụp xụp của bà ngoại để lại. Gỡ bỏ hết những tấm giấy khen, bằng khen suốt 12 năm học tập, My dành không gian trang trọng nhất để treo tấm ảnh thời trẻ của ngoại.
Với Thanh My, đây là nơi ấm áp nhất của căn nhà, bởi một điều đơn giản rằng: chỉ khi được nhìn thấy hình ảnh ngoại, trong lòng My lại có cảm giác được che chở, được sưởi ấm và là động lực để bạn bước tiếp trên con đường đầy chông gai phía trước.
Miên man trong những câu chuyện về ngoại, Thanh My xúc động nhớ lại những tháng ngày hai bà cháu đi nhặt rác để kiếm tiền mua gạo. "Nếu không về ở nhà ngoại, ngoại sẽ không phải sớm khuya đi lượm bọc mủ để kiếm tiền nuôi mình. Ngoại sẽ không phải vất vả trong những ngày tháng cuối đời như thế", My nói.
Hơn 10 năm về trước, tiểu thương ở các chợ tại TP Mỹ Tho không còn xa lạ với hình ảnh hai bà cháu sớm hôm bên nhau đẩy xe đi lượm lặt những thứ người khác bỏ đi để bán kiếm tiền.
Lên cấp II, do lịch học quá nhiều nên ngoại không cho My đi làm nữa để tập trung học hành. Thế nhưng, những lần nhìn thấy ngoại đau nhức nhưng không dám bỏ ra vài chục ngàn để mua thuốc, lòng My lại đau nhói.
Thế rồi My không chọn đi nhặt ve chai nữa mà chuyển qua đi làm thêm tại lò kẹo. Ngày nào được nghỉ học, My lại chạy đôn chạy đáo để bán hàng qua mạng, đi giao bánh tráng trộn, rạng sáng đi vào các lò làm thịt gà để phụ nhổ lông gà, lông vịt.
Kiếm đủ tiền, My lại chạy ra tiệm thuốc tây để mua thuốc cho ngoại. Với ngoại, dù có khó khăn đến cỡ nào thì ngoại vẫn ráng sức để lo được cho đứa cháu gái của mình an tâm học hành.
Hai bà cháu cứ bám víu nhau lây lất sống qua ngày nhưng suốt 12 năm đi học, My luôn đứng hạng nhất, nhì lớp và đạt loại giỏi đến xuất sắc về thành tích học tập. Duy nhất chỉ có năm lớp 11 My đạt loại khá.
Đó cũng là năm học My nếm trải cảm giác đau đớn nhất của cuộc đời khi ngoại rời xa My về thế giới bên kia. Thêm một lần nữa, Thanh My lại cảm thấy hụt hẫng và lần này thật sự đã không còn ai thân thích bên cạnh. Cô bé mới chớm bước vào đời đã lẻ bóng một mình.
Ngoại mất, cô học trò mồ côi cũng trơ trọi giữa đời. Nhưng với nghị lực phi thường, Thanh My đã thi đậu vào ngành y tế cộng đồng của Trường đại học Y dược TP.HCM. Ngày nhận kết quả, My chỉ thui thủi một mình. Niềm vui không biết chia sẻ cùng ai ngoài những lời thủ thỉ bên di ảnh ngoại.
"Con đã thi đậu vào ngành ngoại thích, rồi con sẽ ra trường để giúp chữa bệnh cho những bà cụ nhặt rác thường xuyên bị đau nhức như ngoại của con. Ngoại hãy yên nghỉ nhé!".
93 suất học bổng cho tân sinh viên 2 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre
Hôm nay 14-12, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh đoàn Bến Tre và Tiền Giang tổ chức lễ tuyên dương và trao học bổng "Tiếp sức đến trường" dành cho 93 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của hai tỉnh Bến Tre, Tiền Giang. Đây là điểm trao thứ tư chương trình học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2021 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ.
Mỗi suất học bổng có trị giá 10 triệu đồng và suất đặc biệt là 15 triệu đồng tiền mặt, tổng kinh phí học bổng cho Bến Tre và Tiền Giang hơn 970 triệu đồng do Câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Tiền Giang - Bến Tre, Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang tại TP.HCM và Câu lạc bộ Doanh nhân Bến Tre tại TP.HCM tài trợ (trong đó có 8 suất học bổng đặc biệt, trị giá 120 triệu đồng).
Ngoài ra, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam ủng hộ quà tặng cho tân sinh viên, Quỹ khuyến học Vinacam, Công ty CP Vinacam còn trao tặng 4 laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, còn thiếu thiết bị học tập.
Ngoài 93 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Bến Tre và Tiền Giang, chương trình "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ còn tổ chức trao theo các khu vực: miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long; các tỉnh thành phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Học bổng "Tiếp sức đến trường" năm 2021 có sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty CP phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Vinacam) và các câu lạc bộ "Nghĩa tình Quảng Trị", "Tiếp sức đến trường" Thừa Thiên Huế, "Tiếp sức đến trường" Quảng Nam - Đà Nẵng, "Nghĩa tình Phú Yên", "Tiếp sức đến trường" Tiền Giang - Bến Tre và Hội doanh nhân Tiền Giang - Bến Tre tại TP.HCM, Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt, Công ty CP ôtô Đô Thành, Ủy ban tương trợ người Việt Nam tại Đức, giáo sư Phan Lương Cầm - phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ...