Chuyện trực Tết của những bác sĩ trong khoa Cấp cứu

2 năm trước 278

Trắng đêm giành sự sống cho bệnh nhân

Khoa Cấp cứu được xem là nơi “đầu sóng, ngọn gió”, càng vào những ngày nghỉ lễ Tết, ở đây lại càng căng thẳng với những ca bệnh nặng phải hồi sức tích cực, ngưng tim, ngưng thở, phẫu thuật… Đặc biệt là vào thời điểm Tết năm nay, khi dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, các bác sĩ phải mặc đồ bảo bộ kín mít để cấp cứu cho bệnh nhân, trong đó có cả bệnh nhân COVID-19.

Chú thích ảnhĐiều dưỡng Hồ Thị Ngọc Len kể, từ khi theo nghề đến nay, hầu như chưa khi nào chị có một cái Tết trọn vẹn bên gia đình.

Đồng hồ điểm gần 12 giờ đêm, một bệnh nhi được người nhà đưa vào khoa Cấp cứu Bệnh viện An Bình (Quận 5) trong tình trạng khó thở vì bị suyễn, viêm phế quản. Lúc này, êkip trực lại tất bật, mỗi người một việc để hồi sức cấp cứu cho bệnh nhi. Sau một thời gian liên tục hồi sức, cuối cùng bệnh nhi cũng qua cơn nguy hiểm và lúc này đồng hồ cũng đã điểm hơn 12 giờ đêm.

Kết thúc ca cấp cứu “xuyên năm”, chị Hồ Thị Ngọc Len, điều dưỡng trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện An Bình mở điện thoại lên xem thì thấy cuộc gọi nhỡ của bố và rất nhiều tin nhắn chúc mừng năm mới của người thân. Theo chị Len, đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp cấp cứu “xuyên năm” của những y, bác sĩ làm việc tại khoa Cấp cứu ở các bệnh viện trong đêm giao thừa.

Chú thích ảnhKể từ khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay, các y bác sĩ phải cấp cứu cho bệnh nhân trong những bộ đồ bảo hộ.

“Thường thì trước 12 giờ, tôi sẽ gọi điện thoại về chúc Tết bố mẹ ở quê, nhưng hôm nào tôi không gọi là bố mẹ biết tôi đang cấp cứu cho bệnh nhân. Gia đình tôi cũng đã quen với việc tôi trực trong đêm Giao thừa. Có nhiều lúc nhận được tin nhắn của mọi người, mở ra xem chưa kịp trả lời thì lại có một ca cấp cứu mới”, điều dưỡng Len tâm sự.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện An Bình cho biết, khoa Cấp cứu vào những ngày thường vốn đã vất vả thì trong những ngày Tết lại càng vất vả hơn; vì đa số bệnh nhân đến cấp cứu thường bị nặng hoặc rất nặng với đủ các loại bệnh, từ tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, ngộ độc thực phẩm, ẩu đả… Không những thế, trong những ngày Tết, có nhiều bệnh nhân phải vào viện cấp cứu trong tình trạng say rượu la hét, chửi bới nhân viên y tế; đặc biệt có hôm cấp cứu gặp “dân anh chị” đến gây áp lực cho nhân viên y tế, thậm chí còn đuổi đánh cả y, bác sĩ và điều dưỡng chỉ vì lo cho tình trạng người nhà của họ.

Còn bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Quốc Hùng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, vào những ngày thường, khoa Cấp cứu tiếp nhận khoảng 100 trường hợp nhưng bệnh nặng không nhiều, còn vào ngày Tết, số lượt cấp cứu tuy ít hơn nhưng tỷ lệ bệnh nhân nặng thì tăng.

Chú thích ảnhBác sĩ Đỗ Quốc Hùng khám cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại khu vực cách ly của khoa Cấp cứu.

Theo bác sĩ Hùng, tâm lý bệnh nhân không ai muốn đi đến bệnh viện trong những ngày Tết, đặc biệt vào thời khắc thiêng liêng của đêm Giao thừa, nhưng có những tình huống bệnh nặng, bắt buộc họ phải vào bệnh viện cấp cứu.

“Những bệnh nhân nhập viện cấp cứu trong ngày Tết thường trong tình trạng “ranh giới giữa sự sống và cái chết” rất gần nhau, vì vậy bác sĩ phải thức trắng đêm, từng giây từng phút giành giật sự sống cho bệnh nhân. Giúp bệnh nhân thoát khỏi tay “tử thần” trở về với gia đình trong năm mới, đó là niềm an ủi và hạnh phúc của chúng tôi trong những ngày trực Tết”, bác sĩ Hùng tâm sự.

Hy sinh niềm vui riêng

Trong suốt 14 năm gắn bó với nghề, điều dưỡng Hồ Thị Ngọc Len cũng có cả chục năm trực trong đêm Giao thừa và đón Tết trong bệnh viện. Mỗi một năm trực Tết đều để lại trong chị nhiều cảm xúc vui, buồn khác nhau, nhưng có lẽ đêm trực 30 Tết cách đây 3 năm là đêm trực mà chị không bao giờ quên.

Nhớ lại đêm Giao thừa năm đó, đôi mắt chị Len đỏ hoe và giọng nghèn nghẹn, chị kể: “Khoảng 9 giờ tối, tôi nhận được cuộc điện thoại của gia đình báo tin cậu con trai 10 tuổi bị đau bụng và khóc ở nhà. Lúc này, tôi rất sốt ruột vì cả hai vợ chồng đều phải trực Tết và trong nhà chỉ có bà nội đã lớn tuổi, cô con gái còn nhỏ. Trong khi đó, bệnh nhân nhập viện cấp cứu mỗi lúc một đông, lúc này tôi chỉ kịp dặn người nhà thuê xe đưa cậu con trai đến bệnh viện cấp cứu rồi tắt máy, quay lại tiếp tục công việc”.

Chú thích ảnhTết năm 2022 sẽ là một cái Tết đặc biệt và vất vả hơn đối với các y, bác sĩ làm việc tại khoa Cấp cứu Bệnh viện An Bình bởi bệnh viện không còn cấp cứu những ca bệnh thông thường như mọi năm mà chỉ tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19.

Cậu con trai được chở đến bệnh viện thì cũng là lúc chị đang phải cấp cứu cho một cụ bà bị ngưng tim. Trong lúc bóp bóng thở cho bệnh nhân, chị nhìn qua cửa kính phòng Cấp cứu thấy cậu con trai toàn thân toát mồ hôi, khuôn mặt tái mét, ôm bụng đau nằm lăn qua, lăn lại rồi nhìn về hướng chị đang cấp cứu bệnh nhân. Sau khi bệnh nhân qua cơn nguy hiểm, chị mới chạy đến bên giường con trai đang nằm cấp cứu nhưng cậu con trai vừa khóc vừa nói: “Mẹ không thương con”.

“Thật sự khi nghe những lời con nói như vậy, tôi rất buồn. Lúc đó tôi ôm con vào lòng và giải thích với con rằng, con chỉ bị đau bụng do ăn nhiều quá; còn bà thì đang bị bệnh rất nặng nên mẹ phải cứu bà trước. Đêm đó, cả hai mẹ con cùng đón Giao thừa trong bệnh viện”, điều dưỡng Hồ Thị Ngọc Len bùi ngùi nói.

Điều dưỡng Len cũng cho biết, cả hai vợ chồng chị đều làm trong ngành y nên cũng ít khi nào cả gia đình chị cùng nhau đón một cái Tết trọn vẹn. Có khi, chị đi làm ngày Mùng 1 Tết thì chồng chị trực ngày Mùng 2 Tết… nhưng đó là đặc thù của những người mang trong mình sứ mệnh chăm sóc sức khỏe của nhân dân nên cả chị và anh đều không câu nệ.

Còn bác sĩ Nguyễn Hữu Nhân Duyên, Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, từ lúc theo nghề đến nay, hầu như năm nào bác sĩ Duyên cũng đón Tết trong bệnh viện. “Y, bác sĩ làm việc trong khoa Cấp cứu thật sự rất sợ Tết vì những ngày này, bệnh nhân nặng nhập viện cấp cứu tăng. Sau mỗi ca trực, toàn cơ thể đều cảm thấy “đuối”, tôi chỉ muốn được đi ngủ; nhưng sau ca trực trở về nhà phải dẫn các con đi chơi, đi chúc Tết gia đình nên cũng không thể ngủ được. Thật sự, khi đi chơi với cả nhà, lúc nào tôi cũng muốn tìm một chỗ nào đó để ngả lưng ngủ một giấc cho đã”, bác sĩ Nhân Duyên tâm sự.

Bác sĩ Đỗ Quốc Hùng thì gần 30 năm trong nghề, nhưng hầu như năm nào bác sĩ Hùng cũng ăn Tết trong bệnh viện và chưa từng có một cái Tết trọn vẹn với gia đình. Bác sĩ Đỗ Quốc Hùng chia sẻ: “30 Tết là đêm Giao thừa, cũng là thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm mới và năm cũ, tâm lý chung của tất cả mọi người ai cũng muốn về sum họp, đoàn viên bên gia đình. Thế nhưng, những người làm ngành y vì nhiệm vụ, trách nhiệm của một người thầy thuốc phải hy sinh những hạnh phúc riêng của bản thân và hạnh phúc chung của gia đình để cố gắng làm tròn trách nhiệm trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân trong những ngày Tết”.

Theo bác sĩ Hùng, dù dịch bệnh không còn phức tạp, số ca mắc cũng đã giảm so với thời điểm đỉnh dịch tháng 7/2021, nhưng y bác sĩ tại khoa Cấp cứu vẫn luôn luôn sẵn sàng trong tâm thế ứng phó với dịch bệnh cả trong những ngày Tết.

Nguồn bài viết