Chuyện sinh viên tình nguyện chống dịch: Mong muốn nhất lúc này là sự đoàn kết

3 năm trước 419
 Mong muốn nhất lúc này là sự đoàn kết - Ảnh 1.

Đoàn sinh viên tình nguyện và cán bộ Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương thể hiện quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ trước khi lên đường vào TP.HCM chống dịch - Ảnh: HMTU

Tập trung nhiệm vụ, không tham gia ý kiến trên mạng

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 3-7, ông Phạm Mạnh Cường - giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương - cho biết đoàn công tác tình nguyện hơn 300 người của Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương là đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, triển khai nhiệm vụ theo sự phát động, phân công của bộ.

Tuy nhiên, liên quan những ồn ào trên mạng 1 - 2 ngày qua, ông muốn chia sẻ dưới góc độ cá nhân khi bản thân cũng đã từng trải qua áp lực.

Ông Cường khẳng định việc những sinh viên hay cán bộ của Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương xung kích vào TP.HCM dập dịch ngay sau khi Bộ Y tế phát động trước hết là điều đáng trân trọng, và cũng để thấy mọi người trong đoàn tình nguyện không hề có tâm lý nề hà. Tuy nhiên, có thể sau chặng đường dài từ Bắc vào Nam dẫn tới việc điều phối, triển khai công việc ban đầu có sự chệch choạc.

"Tôi rất biết ơn những sinh viên tình nguyện hay cán bộ y tế của trường, khi chứng kiến họ suốt từ đầu năm đến nay liên tục phải "chiến đấu" ở những điểm nóng, từ Hải Dương cho đến Bắc Ninh, Bắc Giang và giờ là TP.HCM.

Tôi cũng hiểu những áp lực của lãnh đạo ngành y tế tại TP.HCM đang phải đối mặt khi tình hình dịch bệnh diễn biến vẫn còn rất phức tạp, dịch lan ra rất nhiều điểm nên đòi hỏi tốc độ truy vết, tìm nguồn lây phải thật nhanh, chính xác. Thấy có sự chậm trễ thì bức xúc là điều dễ hiểu, bởi bản thân tôi cũng đã từng có những lúc rất căng thẳng bởi áp lực chống dịch", ông Cường chia sẻ.

Theo ông Cường, chuyện việc những sinh viên đòi hỏi đồ bảo hộ đạt chuẩn là bởi các em được thầy cô hướng dẫn, quán triệt trước khi làm nhiệm vụ để mục tiêu cuối cùng là giữ cho bản thân không mắc bệnh, đáp ứng được yêu cầu "chiến đấu" lâu dài.

"Những ồn ào về chuyện chống dịch là điều không ai mong muốn. Tôi nghĩ nhiệm vụ hàng đầu hiện nay là tập trung dập dịch nhanh nhất có thể", ông Cường nhận định.

 Mong muốn nhất lúc này là sự đoàn kết - Ảnh 2.

Sau khi Bộ Y tế phát động, ngay trong rạng sáng 1-7, đoàn xuất quân lên đường để vào TP.HCM hỗ trợ dập dịch - Ảnh: HMTU

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ Online, TS.BS Đinh Thị Diệu Hằng - hiệu trưởng Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương - nhấn mạnh đoàn triển khai nhiệm vụ chống dịch COVID-19 tại TP.HCM theo sự phân công của Bộ Y tế, dựa trên tinh thần xung kích của sinh viên và cán bộ.

"Trước những ý kiến trái chiều trên mạng, bản thân tôi đã quán triệt đến đoàn cần tập trung cao nhất cho nhiệm vụ dập dịch, không nên tham gia vào những ý kiến hay bình luận trên mạng, bởi mục tiêu của đoàn là hỗ trợ tốt nhất có thể cho TP.HCM dập dịch trong thời gian sớm nhất", bà Hằng chia sẻ. 

Trước đó vào tối 30-6, Trường đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương tổ chức lễ ra quân cho cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường tình nguyện lên đường "chi viện" đến TP.HCM chống dịch COVID-19. Có tổng cộng 319 cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia chống dịch tại TP.HCM, trong đó có nhiều sinh viên vừa trải qua thời gian hỗ trợ tại tỉnh Bắc Giang.

Mong muốn nhất lúc này là sự đoàn kết

 Mong muốn nhất lúc này là sự đoàn kết - Ảnh 3.

Lực lượng tình nguyện TP.HCM tham gia lấy mẫu cho người dân - ẢNH: Go Volunteer!

Anh Ngô Minh Hải - phó bí thư thường trực Thành đoàn, chủ tịch Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM - cho biết hiện nay trung bình 1 ngày Thành đoàn đang đưa khoảng 6.000 tình nguyện viên đến các điểm lấy mẫu, các chốt cách ly, phong tỏa… Trong đó có đông đảo sinh viên của ngành y thành phố. 

"Hiện nay có một số lượng cực kỳ lớn sinh viên đang hỗ trợ các hoạt động chống dịch ở TP, từ lực lượng sinh viên y khoa tham gia lấy mẫu, nhập liệu cho đến đội xe bán tải chuyên chở vật dụng đồ ăn, chuyên chở y bác sĩ đến khu lấy mẫu, lực lượng tài xế chạy xe cấp cứu, đội hình nấu ăn, ATM gạo, tủ lạnh cộng đồng, phiên chợ 0 đồng… 

Đồng thời còn có một lực lượng hậu cần khổng lồ tiếp nhận, vận chuyển thực phẩm, vật tư, thiết bị. Thành đoàn cũng luôn đảm bảo các tình nguyện viên được bảo hộ an toàn, có tài liệu tập huấn, nội quy", anh Hải thông tin thêm.

Anh Ngô Minh Hải chia sẻ rằng điều quan trọng nhất lúc này là tất cả cùng chung tay với các lực lượng y tế và chính quyền địa phương để làm tốt các hoạt động hỗ trợ chống dịch.

"Mong muốn của tôi là tất cả phải đoàn kết trong giờ phút này, không phân biệt lực lượng của ai, đơn vị nào, tất cả vì mục tiêu chung là đẩy lùi dịch bệnh.

Tinh thần tình nguyện sẽ luôn là điều trong sáng, tốt đẹp nhất mà không điều gì có thể dập tắt được. Tuổi trẻ thành phố mong muốn các bạn tình nguyện viên khắp nơi sẽ đồng hành với thanh niên để đẩy lùi dịch bệnh", anh Hải bày tỏ.

Anh Hải cũng chia sẻ thêm rằng hiện nay bất kỳ lực lượng nào tham gia hỗ trợ cũng đều phải tuân thủ điều động và quy định của lực lượng y tế và chính quyền địa phương đang phụ trách địa bàn.

 1h chiều phát động, 9h sáng có mặt ở TP.HCM‘Biệt đội’ chống dịch Hải Dương: 1h chiều phát động, 9h sáng có mặt ở TP.HCM

TTO - '13h nhận lời phát động của Bộ Y tế, chúng tôi lập tức tuyển quân. Chỉ sau 20 tiếng, 320 thành viên trong đó có 312 sinh viên và 8 giảng viên của nhà trường đã có mặt tại TP.HCM'.

Nguồn bài viết