Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức thế hệ mới

3 năm trước 337

Hạ tầng Internet Việt Nam ngày càng hoàn thiện

Theo số liệu tại báo cáo Internet, tài nguyên Internet 2021, có 660 hệ thống mạng sử dụng IP/ASN độc lập kết nối với nhau hình thành Internet Việt Nam (tăng 20% so với năm 2020), gồm: Các doanh nghiệp ISP - nhà cung cấp dịch vụ mạng (Viettel, VNPT, FPT, CMC, Mobifone, Netnam…); mạng của các cơ quan nhà nước, chính phủ; các doanh nghiệp nội dung CDN (mạng lưới máy chủ), trung tâm dữ liệu internet (IDC), ngân hàng, viện nghiên cứu, trường đại học… Các mạng trong nước kết nối với nhau thông qua các ISP và qua Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX).

Chú thích ảnhTrung tâm Internet Việt Nam công bố những chỉ số internet Việt Nam đến năm 2021.

Theo Trung tâm Internet Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó, định hướng phát triển hạ tầng số cần gắn liền với kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), công nghệ 5G, đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Để phát triển bền vững, đảm bảo an toàn hạ tầng số Việt Nam, việc phát triển hạ tầng, nền tảng Internet, nội dung trong nước là rất quan trọng.

Bên cạnh đó, một trong những giải pháp tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia là: Mở rộng kết nối Internet trong nước thông qua các kết nối trực tiếp ngang hàng, kết nối tới trạm trung chuyển Internet (IXP), tới trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX. Mở rộng kết nối Internet khu vực và quốc tế, đặc biệt là phát triển các tuyến cáp quang biển, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối khu vực. Chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (IPv6).

Tính đến tháng 11/2021, có 3 điểm VNIX tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và 1 điểm mở rộng tại VNPT thành phố Hồ Chí Minh. Tổng băng thông kết nối khoảng 400Gbps; 50 mạng thành viên kết nối, tăng trưởng mạng thành viên kết nối tăng 8,7% so với năm 2020. Việc tăng cường kết nối VNIX với vai trò trung lập góp phần phát triển hạ tầng số, thúc đẩy lưu lượng, băng thông kết nối trong nước, nội dung trong nước và góp phần đảm bảo hoạt động an toàn, liên tục của mạng Internet Việt Nam; từng bước đưa Việt nam trở thành Trung tâm kết nối khu vực.

Tại Việt Nam, hệ thống tên miền (DNS) quốc gia là một trong các hạ tầng thông tin quan trọng quốc gia, được xem là trái tim của mạng Internet Việt Nam. Hệ thống DNS quốc gia được triển khai áp dụng các tiêu chuẩn, công nghệ mới gồm DNSSEC, Anycast, IPv6… Bên cạnh việc ánh xạ tên miền thành địa chỉ IP và ngược lại, giúp kết nối và truy cập các dịch vụ trên mạng Internet. Hệ thống DNS còn là nền tảng để triển khai các giải pháp xác thực, bảo mật thư điện tử (SPF, DKIM, DMARC), giúp chặn lọc thư rác (spam mail) và thư giả mạo (phishing mail). Ngoài ra, năm 2021, VNNIC triển khai 3 cụm máy chủ tên miền gốc (DNS Root) tại Việt Nam, kết nối với VNIX, giúp hỗ trợ truy cập dịch vụ tên miền không phụ thuộc vào các máy chủ DNS gốc đặt tại nước ngoài và tăng tốc đọ truy vấn tên miền “.vn” nhanh gấp 5-10 lần.

Năm 2021 cũng chứng kiến sự gia tăng trong việc ứng dụng công nghệ xác thực định tuyến (RPKI) trên mạng Internet Việt Nam. RPKI là giải pháp công nghệ an toàn kết nối, định tuyến Internet, giúp xác thực thông tin, dữ liệu định tuyến, hạn chế tấn công định tuyến, tăng cường kết nối an toàn và chất lượng cho từng mạng IP, ASN đôc lập. Tính đến 30/11/2021 có 54 tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam triển khai công nghệ RPKI trong định tuyến các vùng địa chỉ trên Internet. Việc triển khai công nghệ RPKI là quan trọng giúp đảm bảo an toàn kết nối, định tuyến cho Internet Việt Nam. Công nghệ này sẽ tiếp tục được VNNIC thúc đẩy, tăng cường trong năm 2022.

100% các tỉnh thành có người dân sử dụng IPv6

Theo Giáo sư Latif Ladid, nhà sáng lập và là Chủ tịch diễn đàn IPv6: “Thế giới hiện đang trong quỹ đạo chuyển đổi sang địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 một cách nghiêm túc. Tỷ lệ ứng dụng IPv6 toàn cầu đến tháng 6/2021 đã đạt 44,7%. Việt Nam đã có chiến lược triển khai táo bạo IPv6 ngay từ đầu với sự chỉ đạo định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông và sự thúc đẩy của Trung tâm Internet Việt Nam.”

Một trong những bước đi trong chiến lược đó là Chương trình Chuyển đổi IPv6 trong cơ quan nhà nước (IPv6 For Gov) giai đoạn 2021 - 2025 được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt theo Quyết định số 38/QĐ-BTTTT, ngày 14/1/2021.

Với vai trò chủ trì triển khai Chương trình IPv6 For Gov, Trung tâm Internet Việt Nam đã triển khai hàng loạt hoạt động đào tạo, tập huấn, thúc đẩy, hỗ trợ triển khai IPv6 cho các tỉnh thành phố, các Bộ, ngành. Năm 2021, Chương trình IPv6 For Gov tạo bước đột phá về ứng dụng IPv6 trong cơ quan nhà nước (58 tỉnh, thành phố, Bộ ngành ban hành và triển khai Kế hoạch IPv6 (tăng 57% so với 2020); 19 Bộ, ngành, địa phương có Cổng thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công hoạt động tốt với IPv6 (tăng 46% so với năm 2020).

Số liệu thống kê được đo qua công cụ đo tốc độ truy cập Internet Việt Nam (iSpeed by VNNIC) cho thấy thời điểm hiện tại, IPv6 đã phổ biến đến người dân 100% các tỉnh, thành phố. Một số địa phương có tỷ lệ ứng dụng IPv6 cao trên 60% như Sóc Trăng, Điện Biên, Hậu Giang…

Năm 2021, tổng thể tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Internet Việt Nam đạt 47% (nguồn APNIC), xếp thứ 8 trên thế giới tăng hai bậc so với năm 2020, cao gấp 1,7 lần trung bình toàn cầu; gấp 2,3 lần trung bình khối ASEAN. Việt Nam tiếp tục thuộc top các quốc gia có kết quả triển khai IPv6 cao nhất toàn cầu.

Tên miền quốc gia “.vn” gắn liền với các hoạt động kinh tế, xã hội

Theo báo cáo tài nguyên Internet, tên miền “.vn” với những giá trị tin cậy, tạo dựng niềm tin và trở thành lựa chọn hàng đầu cho các thương hiệu lớn tại Việt Nam (9/10 doanh nghiệp thuộc TOP Thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2021 do Tạp chí VnEconomy bình chọn) đều sử dụng tin miền “.vn”; 85% website với tên miền quốc gia “.vn” được đánh giá tin cậy hơn so với website tên miền quốc tế.

Điểm nổi bật trong hoạt động năm 2021 là Chương trình “Chuyển đổi mô hình kinh doanh trực tuyến hiệu quả, hiện diện tin cậy trên Internet với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia .vn” do VNNIC, Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TTTT) các tỉnh và các Nhà đăng ký tên miền “.vn” (NĐK) đã phối hợp triển khai.

Theo đó, chương trình đã được triển khai tại các tỉnh: Đồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long Lâm Đồng, Thái Nguyên, Lâm Đồng. Tại tỉnh Đồng Tháp, số lượng tên miền “.vn” đăng ký mới từ tháng 4/2021 tới hết tháng 11/2021 tăng trưởng 71% so với cùng kỳ năm 2020; con số tương tự tại Vĩnh Long từ tháng 5/2021 tới hết tháng 11/2021 tăng trưởng 75% so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến cuối năm 2021, tên miền quốc gia “.vn” đạt 544,261, tăng 5.2% so với thời điểm cuối năm 2020, nằm trong top 10 tên miền quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 45 toàn cầu. Mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2020 (2.3%) cho thấy sự phát triển liên tục, bền vững của tên miền “.vn”.

Trước nhu cầu cấp thiết về công cụ đo tốc độ mạng tin cậy tại Việt Nam, năm 2021, Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) đã chính thức công bố hệ thống đo tốc độ truy cập Internet Việt Nam i-Speed by VNNIC. Hệ thống gồm công cụ đo trên Website (https://speedtest.vn; https://i-speed.vn) và ứng dụng i-Speed cung cấp miễn phí cho cộng đồng trên thiết bị di động. Với hệ thống gồm 50 điểm đo đặt tại Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) và các ISP lớn, i-Speed là công cụ trung lập, phản ánh kết quả chính xác, khách quan tốc độ truy cập Internet. Hệ thống hiện có khoảng 270,000 người sử dụng, số mẫu đo hàng quý trung bình 1,5 triệu mẫu/quý.

Trong giai đoạn 21 năm vừa qua, sự tăng trưởng ngoạn mục của tài nguyên Internet Việt Nam, hoạt động an toàn, ổn định của hệ thống kỹ thuật hạ tầng Internet quan trọng quốc gia đã đồng hành, góp phần tạo động lực cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của Internet Việt Nam.

Nguồn bài viết