Chuyển đổi số về đo lường trong hạ tầng chất lượng quốc gia

2 năm trước 185
Chú thích ảnhSản xuất các loại loa và tai nghe điện thoại di động tại nhà máy của Công ty TNHH Điện tử Foster (Bắc Ninh), tại Khu Công nghiệp Đô thị và Dịch vụ VSIP Bắc Ninh, xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh minh họa: Thống Nhất/TTXVN

Để việc đo lường thống nhất, chính xác và tin cậy trong phạm vi quốc gia, quốc tế cần thiết phải có hệ thống đo lường toàn cầu. Các yếu tố cơ bản để đạt điều này là đồng bộ quy định về pháp luật và tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực đo lường pháp định, đo lường khoa học và đo lường công nghiệp; sự công nhận, thừa nhận lẫn nhau đối với hệ thống chuẩn đo lường quốc gia; sự hài hòa đối với yêu cầu về năng lực các phòng thí nghiệm, hiệu chuẩn và các tổ chức công nhận, chứng nhận.

Việc thiết lập hệ thống đo lường toàn cầu phải có sự thỏa thuận của các nước trên thế giới. Do vậy, thỏa thuận cấp quốc tế đầu tiên về đo lường đã ra đời là công ước "mét" với 17 nước tham gia ký kết ngày 20/5/1875, tại Paris, Pháp. Đây cũng là bước đầu tiên tiến tới hệ đo lường đồng bộ trên toàn thế giới và nay là hệ đơn vị đo lường quốc tế SI. Ngày 20/5 trở thành Ngày Đo lường thế giới kể từ đó. 

Nhân ngày Đo lường thế giới 20/5, Tiến sĩ Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã nhấn mạnh vai trò của đo lường trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, ông cũng khẳng định vai trò của hạ tầng chất lượng quốc gia, tầm quan trọng của việc chuyển đổi số về đo lường trong hạ tầng chất lượng quốc gia đối với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như nền kinh tế số hiện nay với những nội dung được ông viết trong cuốn sách "Chuyển đổi số về đo lường trong hạ tầng chất lượng quốc gia" do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa xuất bản.

Phó Tổng cục trưởng Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Hà Minh Hiệp cho rằng: Thế giới đã và đang bước vào kỷ nguyên số đồng nghĩa với việc Việt Nam đã, đang và sẽ chứng kiến nhiều thay đổi to lớn, đó là sự chuyển đổi từ thế giới thực sang thế giới ảo, chuyển toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội lên môi trường số.

Để thích ứng với sự phát triển nhanh chóng trong kỷ nguyên số, hạ tầng chất lượng quốc gia cần có sự đầu tư nghiên cứu, phát triển đồng bộ cho việc chuyển đổi số. Hạ tầng chất lượng quốc gia có phạm vi rất rộng, không chỉ bao gồm chất lượng của các hạ tầng như: đường xá, bến cảng, mạng lưới điện...; mà còn đề cập hệ thống phần cứng và phần mềm cần thiết để đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ của một nền kinh tế, hệ thống này tập hợp nhiều dữ liệu khác nhau dựa trên các phép đo và thử nghiệm có độ chính xác cao nên có mối quan hệ chặt chẽ với hoạt động đo lường.

Thực hiện chuyển đổi số hạ tầng chất lượng quốc gia cũng song song với việc chuyển đổi số trong đo lường. Mục đích của chuyển đổi số trong đo lường là phát triển và phổ biến yêu cầu cơ bản của hoạt động đo lường liên quan đến số hóa và chuyển đổi số trong đo lường khoa học, công nghiệp và pháp định.

Tại Việt Nam, ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg về chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, trong đó vấn đề hạ tầng chất lượng quốc gia được chú trọng, phấn đấu đạt mục tiêu phát triển mạnh mẽ hạ tầng chất lượng quốc gia đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới.

Để hiểu rõ hơn về hạ tầng chất lượng quốc gia, về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, về đo lường trong hạ tầng chất lượng quốc gia đối với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như nền kinh tế số hiện nay, Tiến sĩ Hà Minh Hiệp đã xuất bản cuốn sách "Chuyển đổi số về đo lường trong hạ tầng chất lượng quốc gia" nhằm cung cấp cho các cơ quan thực thi và quản lý cũng như các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đang hoạt động trong các ngành về hạ tầng chất lượng quốc gia, đo lường nói riêng và bạn đọc nói chung hiểu rõ hơn hạ tầng chất lượng quốc gia cũng như tầm quan trọng của việc chuyển đổi số về đo lường trong hạ tầng chất lượng quốc gia.

Cuốn sách cũng đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn, trải nghiệm của cá nhân ông trong lĩnh vực đo lường, đồng thời, cuốn sách được tác giả biên soạn và tổng hợp từ các công trình nghiên cứu, tài liệu, báo chí trên thế giới về vai trò của đo lường trong hạ tầng chất lượng quốc gia đối với nền kinh tế số và Cách mạng công nghiệp 4.0.

Cuốn sách "Chuyển đổi số về đo lường trong hạ tầng chất lượng quốc gia" được chia làm 2 phần, trong đó, phần I về Hạ tầng chất lượng quốc gia; Phần II về Đo lường và chuyển đổi số về đo lường trong hạ tầng chất lượng quốc gia. Đặc biệt trong cuốn sách, Tiến sĩ Hà Minh Hiệp cũng trích dẫn tài liệu và kinh nghiệm thực tế về lĩnh vực đo lường của nước Đức - một trong những quốc gia hàng đầu trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển đổi số trong đo lường, phục vụ mục tiêu chuyển đổi số.

Sự xuất hiện của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với xu hướng số hóa hay công cuộc chuyển đổi số đang thực sự xuất hiện mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực bởi trọng tâm của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chính là chuyển đổi số, tích hợp của số hóa, kết nối hay siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Công nghệ số được ứng dụng trong tất cả lĩnh vực và ngành kinh tế, từ công nghiệp, nông nghiệp thông minh đến dịch vụ số; từ sản xuất, phân phối và lưu thông hàng hóa cho đến các hạ tầng hỗ trợ như giao thông vận tải, logistics và ngân hàng...

Đối với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nền kinh tế số, ngoài nền tảng kỹ thuật chủ yếu là mạng lưới hạ tầng mạng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin và Internet, hạ tầng chất lượng quốc gia cũng là một trong những thành phần không thể thiếu. Tuy nhiên, hiện nay vai trò của hạ tầng chất lượng quốc gia, trong đó đo lường là một yếu tố kỹ thuật chủ yếu, vẫn chưa được nhận thức đúng và đầy đủ để xây dựng các chính sách, chiến lược phát triển đồng bộ với các yếu tố nền tảng khác để đảm bảo cho sự thành công trong thực hiện và phát triển công nghiệp 4.0 và kinh tế số.

Nguồn bài viết