Chuyến đi của tuổi trẻ

2 năm trước 205
Chuyến đi của tuổi trẻ - Ảnh 1.

Hai vợ chồng Đông - Vân tại buổi lễ tuyên dương các lực lượng chống dịch của TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bác sĩ Lê Tấn Đông (28 tuổi) và nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Vân (26 tuổi) được đoàn y tế của Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu hay chọc vui là những người đi chống dịch hạnh phúc nhất vì có đôi có cặp.

Vợ chồng son đi chống dịch

Giữa tháng 8, khi TP.HCM đang ở giai đoạn cao điểm nhất của dịch bệnh, Đông và Vân đã cùng đăng ký tham gia đoàn chi viện cho thành phố. Cùng làm việc ở Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu nên sau khi kết hôn vào năm 2020, cả hai cũng hiếm khi có dịp đi xa cùng nhau. Chuyến đi với đoàn chi viện chống dịch là chuyến đi dài nhất, xa nhất của cả hai.

"Lúc nghe thông báo tuyển người đi vào TP.HCM, hai đứa cũng phân vân một chút thôi vì sợ gia đình lo lắng nhưng rồi cũng đồng lòng đăng ký. Là y bác sĩ thì việc cứu chữa, chăm sóc bệnh nhân cũng là trách nhiệm. Ở đâu cần mình thì mình có mặt", Đông kể lại. 

Thời điểm giữa tháng 8, việc đặt vé máy bay còn khó khăn nên chuyến đi vào TP.HCM của cả hai kéo dài hai ngày vì phải đi bằng xe khách. Vào đến nơi họ cũng chỉ có một ngày sắp xếp đồ đạc, nơi ăn ở để đến nhận nhiệm vụ tại khu cách ly 3B Lê Quý Đôn của quận Phú Nhuận.

60 ngày qua, mỗi ngày làm việc của Đông - Vân bắt đầu bằng chuyến xe đưa đón đi từ nơi ở được sắp xếp tại một khách sạn ở quận 1 đến khu cách ly. Công việc chăm sóc, điều trị cho các F0 của cả hai hối hả từ sáng đến chiều xen lẫn với những ca trực đêm. 

Đông mặc đồ bảo hộ trực tiếp thăm khám, làm xét nghiệm, đo nhiệt độ... cho bệnh nhân. Còn Vân thì làm các công tác vòng ngoài. "Trước lúc đi chúng tôi được dặn dò phải luôn bảo hộ an toàn để không bị rơi vào cảnh "chưa đánh đã gục". Cả hai vợ chồng và cả đội đều bảo hộ cẩn thận và không ai bị nhiễm virus trong lúc điều trị, chưa có ai phải bỏ ca làm nào", Đông tự hào.

Ca làm cuối cùng của Đông - Vân ở khu cách ly, cả hai tới trễ hơn một chút và cũng không làm công việc thăm khám, xét nghiệm bệnh nhân như thường ngày nữa. Họ cùng với đồng đội tự làm xét nghiệm cho nhau trước khi lên chuyến bay về nhà. 

"Được về nhà mừng lắm vì xa nhà đã lâu. Nhưng cũng lưu luyến vì đã gắn bó với nơi này suốt hai tháng. Khi nào thành phố thật sự trở lại bình thường, vợ chồng tôi sẽ quay lại thành phố, đi chơi thật nhiều nơi", Vân dự tính.

"Biệt đội" phản ứng nhanh

Ngày làm việc cuối cùng tại TP.HCM cũng là lần đầu tiên cả đoàn y bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu "tụ tập" cùng nhau kể từ ngày đầu tiên đặt chân đến đây. Đoàn đa phần là y bác sĩ, cán bộ trẻ. Vì trẻ nên đây có lẽ cũng là đoàn xông pha nhất khi mang theo cả xe cấp cứu vào để làm công tác cấp cứu bệnh nhân F0 tại quận Phú Nhuận. Hai tài xế của bệnh viện đã lái xe từ Nghệ An vào đến TP.HCM và chiến đấu không ngừng nghỉ suốt hai tháng qua.

"Khi đưa xe cấp cứu vào, chúng tôi cũng chưa biết sẽ làm gì nhưng rồi khi vào đến nơi thì phải thành lập một đội cấp cứu gồm hai lái xe và hai bác sĩ để làm công tác cấp cứu vì bệnh nhân quá nhiều" - bác sĩ Hồ Văn Lưu, trưởng đoàn, chia sẻ. 

Hai bác tài - anh Hoang (31 tuổi) và anh Trứ (49 tuổi) - được anh Lưu giới thiệu là những "tay lái lụa" đã len lỏi vào khắp các ngóc ngách của quận Phú Nhuận khi tiếp nhận các cuộc gọi cấp cứu. "Ở Nghệ An đường sá rộng rãi và không có chằng chịt như ở TP.HCM. 

Lúc mới vào, không quen đường sá chúng tôi chỉ còn một lựa chọn là đi theo Google Maps nên cũng gặp rất nhiều khó khăn. Giờ thì đã thạo đường sá ở đây lắm rồi", tài xế Nguyễn Văn Hoang kể lại.

Nói về hai tháng đã qua, đội trưởng đội phản ứng nhanh - bác sĩ Trần Hữu Kỳ (28 tuổi) sẽ không bao giờ quên được thời gian cả đội phải chạy 20-25 chuyến cấp cứu mỗi ngày. 

"Cả đội phải ở ngay tại khu cách ly 3B Lê Quý Đôn, nhận cuộc gọi cấp cứu là mặc đồ nhảy lên xe đi ngay. Có những ngày chưa tiếp nhận xong ca này đã nhận cuộc gọi ca khác. Trên xe lúc nào cũng có sẵn bốn bình oxy cấp cứu cho bệnh nhân khó thở", bác sĩ Kỳ cho biết. 

Với đội cấp cứu như đội anh Kỳ, điều khó khăn nhất khi đi cấp cứu bệnh nhân F0 ở TP.HCM là phải chuyển bệnh nhân trong tình trạng khó thở từ những con hẻm, hành lang nhỏ xíu vào xe cấp cứu. 

"Lúc cao điểm, người dân gọi cấp cứu rất nhiều. Tôi làm ở phòng cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu nhiều năm nay nhưng chưa bao giờ làm việc cường độ cao, tiếp nhận bệnh nhân như vậy", anh Kỳ nhớ lại.

Nhiệm vụ đã hoàn thành

Anh Hồ Văn Lưu, trưởng đoàn Bệnh viện Đa khoa Diễn Châu (Nghệ An), cho biết đoàn có 31 y bác sĩ đã được phân công đến hỗ trợ công tác điều trị tại quận Phú Nhuận.

"31 người được phân thành 5 nhóm làm công tác hỗ trợ cấp cứu, điều trị, chăm sóc F0 ở quận Phú Nhuận, trong đó có 3 khu cách ly F0 và Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 Phú Nhuận.

Khi chúng tôi vào thì quận Phú Nhuận bước vào giai đoạn bùng phát dịch căng thẳng nhất. Nhưng sau đó thì đây cũng là quận khống chế dịch rất nhanh chóng. Đến giờ bệnh nhân ở các khu cách ly, khu điều trị đều giảm xuống rất nhiều", anh Lưu chia sẻ.

Lực lượng chi viện lưu luyến rơi nước mắt ngày chia tay TP.HCMLực lượng chi viện lưu luyến rơi nước mắt ngày chia tay TP.HCM

TTO - Vừa mừng, vừa lưu luyến bởi sau nhiều tháng đằng đẵng, các y bác sĩ, tình nguyện viên cuối cùng cũng đã lên đường trở về nhà. Họ rời bệnh viện dã chiến, rời khu cách ly, tạm biệt thành phố với lời chúc: TP.HCM cố lên!

Nguồn bài viết