Chuyến xe chở nặng tình người mùa dịch ở Tây Đô

3 năm trước 646
Chuyến xe chở nặng tình người mùa dịch ở Tây Đô - Ảnh 1.

Rau củ thu mua của nông dân xong được các bạn trẻ ở xứ Tây Đô gửi lại miễn phí cho bà con ăn chống dịch COVID-19 - Ảnh: TẤN ĐẠT

Chuyến xe yêu thương do Công đoàn ngành giáo dục và đào tạo TP Cần Thơ hoạt động hơn nửa tháng qua đã chẳng ngại đường sá xa xôi, dịch bệnh COVID-19 lăn bánh khắp 9 quận, huyện TP Cần Thơ thu gom rau củ quả giúp dân nghèo với giá cả "yêu thương".

Cứu ngặt cho dân trồng rẫy gặp bế tắc

Chị Nguyễn Thị Huỳnh Như (quận Thốt Nốt) cho biết do điều kiện khó khăn nên chồng chị mướn 5 công đất của người dân để trồng dưa leo, với mong muốn có thêm thu nhập sống đắp đổi qua ngày. 

Dưa leo đến ngày thu hoạch thì dịch bệnh COVID-19 bùng phát, các chợ truyền thống ở địa phương đóng cửa chống dịch, thương lái chẳng buồn đến hỏi mua nên gia đình chị Như đành bán rẻ với giá 2.000 - 2.500 đồng/kg dưa leo.

Chuyến xe yêu thương của các bạn trẻ ở xứ Tây Đô - Video: CHÍ CÔNG

"Dưa leo bán giá 2.500 đồng/kg là vợ chồng tui cụt vốn nặng, không đủ tiền trả cho nhân công và thuê đất" - chị Như than thở.

Trong lúc chị Như tuyệt vọng nhất vì không bán được dưa leo và con chị - bé Nguyễn Thị Lan Anh (gần 5 tháng tuổi) - bị bệnh tim không có tiền chạy chữa thuốc thang thì may mắn được Chuyến xe yêu thương của các bạn trẻ TP Cần Thơ đến mua hỗ trợ 6 tấn, với giá 6.000 đồng/kg dưa leo.

"36 triệu đồng bán dưa leo tui đóng viện phí cho con hết. Giờ bé cai máy thở nên cũng khả quan lắm. Nếu không có anh Hưng vận động giúp đỡ tiền và chuyến xe thu mua dưa leo, vợ chồng tui cũng hổng biết sao nữa" - chị Như bộc bạch.

"Gia đình chị Như biết chúng em xuống họ rất vui. Giờ chúng em cũng chở được hơn 3 tấn dưa leo. Mai, mốt nữa chúng em lại đến để thu mua dưa leo giúp gia đình chở về gửi lại miễn phí cho bà con trên này" - bạn Diệp Quan Bảo, bí thư chi đoàn khu vực 1 (phường An Phú), cho hay.

Bẻ bắp, cắt rau giúp dân, rồi gửi lại người cần

Dịch giã nên nông dân làm rẫy bây giờ rơi vào tình cảnh "3 không": không có thương lái đến mua, không kiếm ra nhân công thu hoạch rau củ và họ cũng không có tiền để tiếp tục tái đầu tư sản xuất mùa vụ mới.

Vì thế, bạn Nguyễn Tây Du, đoàn viên phường Xuân Khánh (TP Cần Thơ), cho rằng Chuyến xe yêu thương của các bạn đến đâu thì bà con nông dân cũng đều phấn khởi vui mừng.

Chuyến xe chở nặng tình người mùa dịch ở Tây Đô - Ảnh 3.

Các bạn trẻ hăng hái phụ tiếp các cô chú nông dân ở Thới Lai, TP Cần Thơ bẻ bắp - Ảnh: TẤN ĐẠT

Gắn kết hơn, yêu thương hơn, đi đâu bạn Tây Du và các bạn trẻ ở xứ Tây Đô cũng đều hăng hái phụ bà con cắt bẻ nông sản, người xách bao bẻ bắp ngoài đồng, người khuân vác dưa leo, người lại chèo xuồng đưa nông sản qua kênh.

"Tui mướn người đến bẻ bắp cũng chẳng có. Mình tui đâu thể bẻ hết chỗ này. Các bạn trẻ nhiệt tình bẻ giúp tui là tui vui lắm rồi. 4 triệu đồng/tấn bắp tui cũng vui, tui cũng ít vốn liếng xoay xở" - ông Đâu ở Thới Lai giãi bày.

Anh Phương Tấn Đạt, trưởng Ban điều hành “Chuyến xe yêu thương” ở TP Cần Thơ, thông tin Chuyến xe yêu thương thực hiện theo hình thức 3 tại chỗ: làm tại chỗ, ăn tại chỗ, ở tại chỗ nhằm bảo đảm an toàn.  

Những ai khi tham gia vào chuyến xe đều được tiêm vắc xin mũi 1 để đảm bảo sức khỏe chung cho cộng đồng.

Chuyến xe chở nặng tình người mùa dịch ở Tây Đô - Ảnh 4.

Hơn nửa tháng qua, các bạn trẻ TP Cần Thơ mua hỗ trợ nông sản của bà con địa phương khoảng 4 - 5 tấn rau củ/ngày - Ảnh: CHÍ CÔNG

Hiện có khoảng 30 bạn tình nguyện đăng ký tham gia và mỗi chuyến xe sẽ có 5 bạn trẻ đi theo thu gom 4-5 tấn rau củ/ngày để tặng người dân sống ở khu cách ly, học sinh - sinh viên khó khăn và những lao động nghèo ở địa bàn TP Cần Thơ ăn chống dịch.

Hiện nhóm đã hỗ trợ mua cho bà con hơn 40 tấn rau củ, với số tiền hơn 260 triệu đồng, chưa tính gạo mì và nhu yếu phẩm.

Người phụ nữ mang dép lê đi phát tiền giúp người về quêNgười phụ nữ mang dép lê đi phát tiền giúp người về quê

TTO - Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao và thán phục người phụ nữ mang dép lê, tay cầm xấp 500.000 đồng phát cho người đi đường về quê tránh dịch. Người đó là chị Trần Huệ, 41 tuổi, ở TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Nguồn bài viết