Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Nhật Bản, tháng 11-2021 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chuyến đi được kỳ vọng sẽ thể hiện đầy đủ hơn chính sách đối ngoại của chính quyền ông Kishida vừa qua mốc 6 tháng cầm quyền, và "bắc một cây cầu nối khoảng cách" đang xuất hiện giữa Nhật Bản với các đối tác Đông Nam Á về một số vấn đề quốc tế, theo báo The Japan Times. Ông Kishida dự kiến thăm Việt Nam trong 2 ngày 30-4 và 1-5.
Thúc đẩy hợp tác sau đại dịch
Hôm 28-4, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu thông báo ông Kishida sẽ dừng chân tại Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Ý và Anh, dự kiến kết thúc chuyến công du ngày 6-5. Ông Matsuno nói thủ tướng Nhật sẽ thảo luận nhiều vấn đề với các nhà lãnh đạo đối tác, bao gồm "tình hình khu vực và toàn cầu cũng như quan hệ song phương".
Cụ thể, những vấn đề đó là cuộc chiến ở Ukraine, tình hình ở biển Nhật Bản và Biển Đông, Bắc Triều Tiên và Myanmar. Ông Matsuno đặc biệt nhấn mạnh ông Kishida "sẽ nỗ lực thúc đẩy hơn nữa hợp tác với mỗi nước để hiện thực hóa tầm nhìn Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do".
Ở Indonesia, Việt Nam và Thái Lan, đứng đầu nghị trình của ông sẽ là hợp tác trong giai đoạn hậu COVID-19, theo báo Yomiuri Shimbun. Nhật Bản là nước cung cấp vắc xin COVID-19 lớn thứ ba thế giới, với hơn 30 triệu liều viện trợ, chủ yếu cho Đông Nam Á (Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Philippines…).
Sắp tới, Tokyo hy vọng ASEAN, nơi tiếp nhận gần 30 tỉ USD vốn đầu tư FDI từ Nhật Bản trong năm 2021, sẽ dần gỡ bỏ hạn chế đi lại với doanh nhân và người lao động Nhật.
Về hợp tác an ninh, với cả Thái Lan, Việt Nam và Indonesia, Nhật Bản đều muốn tăng cường hơn nữa, thông qua chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng. Việc xây dựng một khuôn khổ Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do, dựa trên trật tự và pháp luật cũng là lợi ích chung của Nhật Bản và ASEAN.
Trong bài phát biểu chính sách quan trọng trước Quốc hội Nhật Bản cuối năm 2021, ông Kishida đã nói ông muốn tăng thêm 6,8 tỉ USD cho ngân sách quốc phòng để tăng cường năng lực tấn công cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, một động thái từng gây chỉ trích là vi phạm hiến pháp thái bình của nước này.
Nhưng thậm chí cả trước khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, chính quyền ông Kishida đã tăng thêm 15% tổng chi tiêu quốc phòng cho tài khóa 2021-2022 so với năm trước, lên thành 53 tỉ USD, bao gồm tăng thêm kinh phí duy trì lính Mỹ đồn trú tại Nhật Bản.
Nguồn: Bộ Ngoại giao Việt Nam - Đồ họa: TUẤN ANH
Nhiệm vụ "không dễ dàng"
Có thể thấy Nhật Bản - một trong những nước châu Á tham gia cả quyết cùng phương Tây trong các lệnh cấm vận Nga vì cuộc chiến ở Ukraine - cũng sẽ muốn vận động các đối tác Đông Nam Á xích lại gần họ hơn trong quan điểm về vấn đề này, dù đó sẽ là một nhiệm vụ "không dễ dàng", theo bình luận của The Japan Times.
Báo Thái Lan Bangkok Post nói lập trường cứng rắn của Nhật Bản với Nga là "chưa từng có tiền lệ", do nước này đã duy trì một chính sách đối ngoại thận trọng và tương đối cân bằng kể từ sau Thế chiến II, cũng như suốt gần 10 năm dưới thời "sếp" cũ của ông Kishida, ông Abe.
Thực tế giữa các nước ASEAN cũng có quan điểm khác biệt về vấn đề Ukraine. Trong 10 nước, chỉ mình Singapore áp cấm vận với Nga.
Campuchia, Indonesia và Thái Lan đều thông báo với tư cách chủ nhà các hội nghị thượng đỉnh lớn - hội nghị của ASEAN (Campuchia), hội nghị G20 (Indonesia) và Diễn đàn hợp tác châu Á - Thái Bình Dương (APEC, Thái Lan) sẽ diễn ra trong năm nay, rằng họ vẫn sẽ mời Nga tham dự.
Ở châu Âu, ông Kishida dự kiến sẽ xác nhận lại lập trường của Nhật Bản trong vấn đề Ukraine. Cho tới nay, Nhật Bản đã tham gia đầy đủ mọi lệnh cấm vận mà châu Âu và Mỹ ban bố với Nga. Riêng ở Anh, ông Kishida sẽ trao đổi thêm về mong muốn của London gia nhập khối thương mại tự do khu vực CPTPP mà Nhật là thành viên chủ chốt và Việt Nam cũng có tham gia.
Nhóm "Tứ giác kim cương" (QUAD) gồm Nhật Bản, Mỹ, Úc và Ấn Độ dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Nhật Bản vào cuối tháng 5, trong khi nhóm G7 họp ở Đức vào cuối tháng 6. Ông Kishida được chờ đợi sẽ thông báo kết quả chuyến đi này cho các đồng minh của mình ở đó.
Chuyến công cán của ông Kishida diễn ra vào dịp tuần lễ vàng của Nhật, một kỳ nghỉ dài từ cuối tháng 4 tới đầu tháng 5, khi người Nhật thường dành thời gian cho gia đình và bạn bè. Đó là chỉ dấu cho thấy ông rất coi trọng chuyến đi này.
Ông Kishida, 64 tuổi, từng là ngoại trưởng Nhật giai đoạn 2012-2017 dưới thời cựu thủ tướng Abe Shinzo, được coi là người am hiểu chính sách đối ngoại nhất của chính quyền hiện tại. Ông cũng rất gắn bó với Đông Nam Á qua nhiều chuyến công du ở khu vực này.