Chuyên gia WB chỉ ra cách thức giúp Việt Nam trở thành cường quốc kỹ thuật số

3 năm trước 248

Trong bối cảnh Cách mạng kỹ thuật số chưa bao giờ chỉ là tạo ra những công nghệ đột phá và đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, tương lai sẽ không được quyết định bởi động lực đổi mới, sáng tạo mà là năng lực của quốc gia trong việc tận dụng tối đa các công nghệ kỹ thuật số do các nước khác phát triển, ông Jaques Morriset, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã chỉ ra các giải pháp giúp đưa quốc gia Đông Nam Á trở thành cường quốc kỹ thuật số.  

Chú thích ảnhTrải nghiệm các thiết bị sử dụng 5G của VNPT - Ngày 19/12/2020, VNPT chính thức công bố vùng phủ sóng VinaPhone 5G tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: TTXVN

Trước hết, ông Morriset cho rằng Việt Nam cần tạo điều kiện để các đơn vị trong nước áp dụng và thích ứng với những công nghệ kỹ thuật số toàn cầu mới. Theo ông, cho đến nay, Việt Nam đã làm việc này rất tốt. Ngày nay, Việt Nam được so sánh với các đối thủ ngang hàng và có tham vọng về phổ biến điện thoại di động và người dân cũng như doanh nghiệp của Việt Nam có khả năng kết nối tốt với Internet. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Việt Nam khá hiện đại, phủ khắp các tỉnh, thành và do các công ty viễn thông trong nước đầu tư. Việt Nam cũng là điểm đến của một số công ty công nghệ thông tin hàng đầu thế giới như Apple, Samsung, Intel,…  Điều này thể hiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam và tạo lập một nền tảng đặc biệt cho các doanh nghiệp và đơn vị phát triển trong nước - mô hình được Nhật Bản và Hàn Quốc áp dụng trong những năm 1970 và 1980, và gần đây là Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần đảm bảo sự phát triển của lực lượng lao động có kỹ năng kỹ thuật số, sự tham gia của khu vực tư nhân trong nước năng động và tích cực, cùng với khả năng tiếp cận thông tin tốt và an toàn. Chuyên gia kinh tế của WB cho rằng việc đảm bảo khả năng cung cấp lực lượng lao động có kỹ năng số là giải pháp trọng tâm vì có tới 1/3 số việc làm hiện có ở Việt Nam có nguy cơ bị mất trong khoảng 5 năm tới do số hóa. Mặc dù chuyển đổi kỹ thuật số sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, nhưng công việc này sẽ đòi hỏi nhiều kỹ năng mới. Có thể kỳ vọng thị trường lao động sẽ điều chỉnh dần dần do nhu cầu cao về lao động có kỹ năng sẽ làm tăng mức lương tương đối. Điều này sẽ khuyến khích người lao động và doanh nghiệp tăng đầu tư vào giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh rằng người lao động có thể không có thông tin hoặc nguồn lực tài chính để đầu tư vào con đường học vấn dài hơn. Với tốc độ hiện tại, Việt Nam có thể mất 25 năm để có số lượng sinh viên đăng ký vào các trường đại học như tại Thái Lan hiện nay. Ở các quốc gia thành công, chính phủ đã giải quyết thất bại này của thị trường bằng cách loại bỏ các trở ngại pháp lý đối với dịch chuyển lao động; cung cấp thông tin cho người lao động về các xu hướng và nhu cầu của thị trường lao động để họ biết khi ra quyết định; nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục kỹ thuật và dạy nghề; và hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động về tài chính khi học những kỹ năng mới.

Để giữ cho khu vực tư nhân năng động và có động lực áp dụng công nghệ mới, Việt Nam cần đảm bảo duy trì sự cạnh tranh khi một số thị trường gần như bị thống trị một cách tự nhiên bởi những doanh nghiệp hàng đầu về kỹ thuật số do nắm giữ bí quyết, có tác động ngoại lai mạng lưới và lợi thế về quy mô. Đã có sự tập trung như vậy trong thị trường băng thông rộng cố định và tăng mạnh trong truyền thông xã hội (với sự thống trị của Facebook) và các phân ngành kỹ thuật số khác, như thương mại điện tử, fintech, tài chính kỹ thuật số và quản lý dữ liệu. Do đó, Việt Nam cần có chính sách để giảm bớt các rào cản gia nhập và tăng cường các quy định pháp lý để tránh việc lạm dụng, mặt khác, các cơ quan chức năng cần hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nhỏ và có tài năng đang gặp khó khăn về tài chính bằng việc cung cấp cho họ nhiều phương án tài trợ như đã được thực hiện thành công ở một số quốc gia khác, trong đó có Singapore.

Ngoài ra, Việt Nam cần tạo điều kiện cho việc tiếp cận dữ liệu và thông tin.  Theo định nghĩa, đây là một hàng hóa công vì lợi ích của việc chia sẻ thông tin thường cao hơn chi phí thu thập thông tin đó. Việt Nam có thể nâng cao khả năng tiếp cận thông tin bằng cách liên thông cơ sở dữ liệu của các cấp, các ngành và thông qua sáng kiến dữ liệu mở - trong đó có việc chia sẻ dữ liệu công trực tuyến theo cách thân thiện với người dùng. Chính phủ cũng có thể khuyến khích khu vực tư nhân thu thập và chia sẻ dữ liệu vì các công cụ và nền tảng kỹ thuật số mới đã làm giảm sự độc quyền của Nhà nước. Tất cả những hoạt động này cũng nên tính đến quyền riêng tư và bảo mật của dữ liệu và người dùng dữ liệu.

Ông Morriset cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng triển khai các giải pháp trên để đưa đất nước tiến lên trên con đường hướng tới những mục tiêu kinh tế số đầy tham vọng. Về nguyên tắc, các giải pháp của chính phủ cần được xây dựng và thực hiện trong mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân và đảm bảo tính minh bạch tối đa nhằm tránh bị các thành phần nhà nước hoặc tư nhân lợi dụng.

Nguồn bài viết