Giáo sư Martin Makary (trái) - Ảnh chụp màn hình
Trong một bài viết trên tờ Wall Street Journal ngày 20-2, giáo sư Makary chỉ ra các dấu hiệu cho thấy dịch COVID-19 sắp sửa tới hồi kết tại Mỹ - quốc gia hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới.
Vị giáo sư thuộc Đại học Johns Hopkins chỉ ra việc số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Mỹ đã giảm 77%, kể từ tháng 1-2021 đến nay.
"Với quỹ đạo như hiện tại, tôi nghĩ dịch sẽ hết trước cuối tháng 4, cho phép người Mỹ trở lại cuộc sống bình thường", ông Makary nêu dự đoán. Một trong những lý do được ông Makary đưa ra là sự xuất hiện của vắc xin (vaccine) ngừa COVID-19 và các nỗ lực đẩy nhanh tiêm chủng của Chính phủ Mỹ.
Cũng theo ông Makary, mặc dù có hơn 28,7 triệu ca nhiễm, đã có gần 19 triệu ca khỏi bệnh, đồng nghĩa đã có 19 triệu người có kháng thể COVID-19 ở Mỹ.
Ông Makary khẳng định số người có kháng thể nhờ khỏi bệnh và được tiêm vắc xin sẽ góp phần đáng kể vào việc tạo ra miễn dịch cộng đồng ở Mỹ ngay trong mùa xuân năm nay. "Khi chuỗi lây nhiễm bị cắt đứt ở nhiều nơi, virus sẽ khó lây lan hơn nữa, kể cả các chủng mới".
Một số chuyên gia về bệnh truyền nhiễm và Nhà Trắng tỏ ra kém lạc quan hơn giáo sư Makary, theo đài Fox News. Những người này dự đoán chí ít phải đến hết tháng 12 năm nay Mỹ mới đạt được miễn dịch cộng đồng.
Giáo sư Marty Makary là một chuyên gia về sức khỏe công cộng và có tiếng nói đáng kể trong cộng đồng bác sĩ, chuyên gia y tế Mỹ, theo Đại học Johns Hopkins. Ngoài việc giảng dạy, ông còn được bầu làm Viện sĩ Viện y khoa quốc gia Mỹ.
Ông có hơn 250 bài báo khoa học và đã từng viết nhiều bài cho các báo lớn ở Mỹ như Wall Street Journal, USA Today hay dành nhiều sự quan tâm đến bệnh ung thư và các cách thức sáng tạo để giúp nhiều người được tiếp cận hệ thống y tế.
Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm phân xưởng sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 của hãng Pfizer tại TP Kalamazoo, bang Michigan ngày 19-2 vừa qua - Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, Mỹ có thể đẩy nhanh tốc độ đạt miễn dịch cộng đồng nếu làm theo khuyến nghị của một nghiên cứu mới được công bố.
Báo New York Times ngày 20-2 trích dẫn nghiên cứu khẳng định những người đã từng mắc COVID-19 và khỏi bệnh vẫn cần tiêm vắc xin. Tuy nhiên, họ chỉ cần tiêm 1 liều vắc xin thay vì 2 liều như người bình thường. Lý do là những người này đã có sẵn kháng thể trong người.
"Nghiên cứu cho thấy nhóm này chỉ cần tiêm 1 liều là đủ để tăng cường sức mạnh kháng thể có trong người, đủ sức để tiêu diệt virus corona chủng mới, kể cả các biến thể siêu lây nhiễm", New York Times trích nghiên cứu nhấn mạnh.
Mỹ chỉ ghi nhận gần 2.000 ca nhiễm mới
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 tối 21-2 (giờ Việt Nam), toàn thế giới có hơn 111.735.223 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó 2.473.853 người đã tử vong. Số người nhiễm đã phục hồi trên toàn cầu đến nay là hơn 86.904.436 người, trong khi số người đang điều trị là hơn 22.299.997 ca.
Số ca nhiễm mới ở Mỹ trong ngày 20-2 chỉ còn 1.922 ca nhưng với 28.706.473 ca nhiễm và 509.875 ca tử vong, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh trên thế giới.
Đứng thứ hai là Ấn Độ với 10.991.651 ca mắc, trong đó có 156.339 ca không qua khỏi. Tiếp theo là Brazil với 10.139.148 ca mắc và 246.006 ca tử vong.