Chuyên gia Cục Y tế dự phòng: Sẽ tiếp tục rút ngắn số ngày cách ly F1

2 năm trước 209
 Sẽ tiếp tục rút ngắn số ngày cách ly F1 - Ảnh 1.

Khi tỉ lệ tiêm chủng đạt cao như hiện nay, nhiều chuyên gia đề nghị giảm thời gian hoặc không cần cách ly F1 mà thay bằng theo dõi sức khỏe. Trong ảnh: tiêm chủng cho trẻ tại Thái Bình - Ảnh: L.ANH

Số ca nhiễm tăng cao đồng nghĩa với số người tiếp xúc gần với ca mắc (F1) cũng tăng lên nhanh chóng, nguy cơ ảnh hưởng đến nguồn lao động khi cứ F1 là cách ly 5 ngày.

F1, F0 chỉ có ý nghĩa khi truy vết

Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, ngày 2-3 tổng số ca mắc COVID-19 tại TP được xác định là 2.746 ca (tăng hơn 700 ca so với ngày 1-3) và 2.666 ca xét nghiệm nhanh nghi ngờ.

Tính đến hiện tại, số ca đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung là 673 ca và số ca cách ly tại nhà tăng lên trên 56.600 ca. Ở Hà Nội, số mắc mới còn "khủng" hơn khi những ngày gần đây liên tục trên 10.000 ca mới/ngày.

Với số lượng F0 như thế này, những người thuộc diện F1 dù có đánh giá đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế cũng rất lớn. Chị L., nhân viên hành chính ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, cho biết từ dịp nghỉ Tết Nguyên đán đến nay chị chưa quay trở lại làm việc. "Vì người nhà nhiễm lần lượt nên tôi là F1 trong suốt 15 ngày" - chị L. than.

Có rất nhiều doanh nghiệp đang bị thiếu lao động khi F0 và F1 tăng nhanh những ngày qua. Khổ nỗi tình trạng bệnh của 95% F0 hiện nay rất nhẹ, vẫn sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ bình thường, một số F0 cho biết họ còn… ăn nhiều hơn. Tuy nhiên vì quy định cách ly nên F0 và F1 đều phải ở nhà, dẫn đến doanh nghiệp thiếu nhân lực.

Ngay cả các bệnh viện ở Hà Nội và các tỉnh thành dịch nóng cũng đang trong tình trạng này, khi F0 hết triệu chứng, chỉ số virus ở mức không còn nguy cơ lây nhiễm thì kể cả xét nghiệm còn dương tính bệnh viện cũng khuyến khích đi làm.

ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh - phó trưởng bộ môn nhiễm Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch - cho rằng định nghĩa F1, F0 hiện nay không còn nhiều ý nghĩa khi số các ca nhiễm đang tăng cao, đặc biệt là sự xuất hiện của biến chủng Omicron.

"Các định nghĩa F1, F0 này chỉ có ý nghĩa đối với những người điều tra dịch tễ như trung tâm kiểm soát bệnh tật, nhà quản lý sử dụng để truy vết, tìm kiếm chuỗi lây, thống kê số liệu… Đối với những người tiếp xúc với người nhiễm, nên cho phép họ theo dõi sức khỏe, sinh hoạt, lao động sản xuất bình thường, không cần phải cách ly, nếu có triệu chứng test nhanh cho kết quả dương tính mới điều trị" - BS Vân Anh đề xuất.

Theo BS Vân Anh, điều này để tránh ảnh hưởng đến năng suất lao động, tốn kém thời gian, tiền bạc. Những trường hợp này chỉ nên chú ý mang khẩu trang để nếu lỡ có mang virus trong người thì không thể lây cho người khác. Trường hợp tiếp xúc gần với người bệnh COVID-19, như sinh sống trong cùng một nhà, khu vực dịch tễ thì mới nên cách ly.

F1 phải cách ly 5 ngày có hợp lý?

Đồng quan điểm trên, TS Phạm Hùng Vân - chủ tịch Hội Sinh học phân tử y khoa Việt Nam - cho biết định nghĩa F1, F0 hiện nay không còn ý nghĩa nữa. Tình hình nhiễm bệnh hiện tại đã khác so với thời điểm trước đó, chúng ta có tỉ lệ phủ vắc xin cao, do vậy nếu mắc bệnh thì tỉ lệ tử vong và chuyển nặng cũng rất thấp.

"Khi bỏ định nghĩa F0, F1 chúng ta nên coi bệnh COVID-19 như các bệnh truyền nhiễm thông thường khác. Khi nhiễm bệnh chỉ cần uống thuốc theo triệu chứng, nhập viện để điều trị nếu như chuyển nặng", TS Vân nói.

Theo TS Vân, các định nghĩa F0, F1 hiện chỉ có tác dụng cho người quản lý, các nhà điều tra dịch tễ. Tại một số nước không định nghĩa F0, F1.

Theo quy định hiện nay, nếu F1 không triệu chứng phải cách ly 5 ngày thì rất vô lý, chỉ khi nào tiếp xúc gần có triệu chứng, xét nghiệm dương tính mới cần cách ly để điều trị. Người dân vẫn cần tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đầy đủ.

 Sẽ tiếp tục rút ngắn số ngày cách ly F1 - Ảnh 2.

F0 cách ly nghiêm ngặt tại nhà trong cao điểm dịch tại TP.HCM, nhưng hiện nay có nhiều thay đổi về thời gian và điều kiện cách ly - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sẽ tiếp tục rút ngắn thời gian cách ly F1

Theo quy định của Bộ Y tế hiện nay, không chỉ người nhiễm COVID-19 phải cách ly, mà người tiếp xúc gần cũng phải đảm bảo thời gian cách ly, xét nghiệm, mặc dù nhiều người không hề có biểu hiện lây nhiễm. Trong đó, F1 tiêm đủ 3 liều vắc xin cách ly 5 ngày, F1 chưa tiêm đủ liều vắc xin cách ly 7 ngày. Sau khi xác nhận âm tính được dỡ bỏ cách ly.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay một số cơ quan, công ty không áp dụng cách ly cho F1 như quy định. Anh N.Hùng, công nhân tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho biết gia đình có người mắc COVID-19, cùng sinh hoạt chung nên anh là F1, nhưng anh không có triệu chứng nên vẫn đi làm bình thường.

"Tôi chú ý các biện pháp phòng tránh, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và không tiếp xúc với mọi người cùng làm việc. Hiện công ty không cho F1 nghỉ như trước bởi số lượng công nhân nghỉ do mắc COVID-19 đã rất nhiều, nếu F1 nghỉ nữa thì không còn ai làm việc", anh Hùng nói.

Chia sẻ về việc có cần phải thay đổi việc cách ly người tiếp xúc gần (F1) như quy định của Bộ Y tế hiện nay, trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết cục này cũng đang nghiên cứu, tiếp thu ý kiến chuyên gia để thay đổi một số biện pháp phòng dịch với người có nguy cơ lây nhiễm.

Theo vị này, trường hợp được xác định là F1 đã được Bộ Y tế quy định rõ, những người này tiếp xúc với người có mầm bệnh nên tất nhiên sẽ có nguy cơ lây nhiễm. Bởi vậy việc theo dõi, cách ly là cần thiết.

"Trước kia chúng ta muốn kiểm soát triệt để dịch bệnh, thời gian cách ly phải đủ dài để phát hiện những trường hợp đang ủ bệnh. Hiện nay thực hiện thích ứng an toàn với dịch bệnh, có những trường hợp phải chấp nhận những rủi ro, số ngày cách ly F1 đã rút ngắn từ 7 ngày xuống còn 5 ngày. Chúng tôi đang nghiên cứu, tiếp thu ý kiến để tiếp tục rút ngắn hơn", vị này cho hay.

Theo ông Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, hiện nay việc theo dõi những trường hợp tiếp xúc gần vẫn cần quy định các biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo không lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, có thể xem xét cách ly F1 sao cho hợp lý với tình trạng dịch bệnh hiện nay.

Theo ông Phu: "Đối với những trường hợp F1 đã tiêm vắc xin, có thể xem xét giảm thời gian cách ly hoặc không cách ly, chỉ theo dõi sức khỏe. Trường hợp F1 phải cách ly cần linh hoạt điều chỉnh phù hợp với từng công việc.

Ví dụ đối với những người đứng đầu cơ quan, người có nhiệm vụ làm việc không thay thế được cần linh hoạt không yêu cầu cách ly. Tuy nhiên những người này vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, tránh làm lây lan cho người khác. Ngoài ra, F0 nếu không có triệu chứng có thể chuyển qua làm việc từ xa".

Số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội có thể đạt đỉnh trong 2 tuần tới

Tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội diễn biến nóng lên theo từng ngày, số ca COVID-19 ngày sau luôn cao hơn ngày trước và đã vượt lên ngưỡng kỷ lục, với số ca F0 mới trong ngày trên 15.000 trường hợp.

Bà Trần Thị Nhị Hà - giám đốc Sở Y tế Hà Nội - cho biết thời gian tới số ca COVID-19 tiếp tục tăng, cần có sự điều tiết từ TP đến các địa phương, cũng như sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa nhằm hỗ trợ công tác điều trị cho F0 thể nặng (khoảng 5%) và bệnh nhi.

"Cùng với thực hiện nghiêm thông điệp 5K, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân không tự ý xét nghiệm, hoặc xét nghiệm tràn lan nhằm tránh lãng phí không cần thiết", bà Hà lưu ý.

Hiện Hà Nội đã phối hợp, huy động thêm cơ sở y tế của trung ương, bệnh viện trực thuộc bộ, ngành và các bệnh viện ngoài công lập để hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19.

"Theo tính toán về khả năng đáp ứng thu dung bệnh nhân, Sở Y tế khẳng định vẫn đang ở trạng thái chủ động, không quá tải. Hiện TP đang có 2.180 giường cho bệnh nhân tầng 2 và 3 nhưng mới sử dụng khoảng 1.000 giường", bà Hà nói.

Trước tình hình số ca COVID-19 tăng nhanh, TP Hà Nội hiện đang khẩn trương giải trình tự gene để đánh giá mức độ biến chủng Omicron. Đến nay chưa có kết quả về số ca nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng, nhưng lãnh đạo TP Hà Nội nhận định hiện biến chủng Omicron đang song hành với chủng Delta, bởi tốc độ lây lan COVID-19 rất nhanh.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết theo các chuyên gia, hai tuần tới số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội có thể đạt đỉnh và sau đó có thể sẽ giảm dần.

PHẠM TUẤN

 Người dân không cần trữ kit xét nghiệm COVID-19Thứ trưởng Bộ Y tế: Người dân không cần trữ kit xét nghiệm COVID-19

TTO - Trong một gia đình có thể dùng chung kit xét nghiệm nhanh COVID-19, 2-3 người có thể chung một bộ, 2-3 ngày xét nghiệm một lần. Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khuyến cáo.

Nguồn bài viết