Chung tay với 'Tủ quần áo xanh'

3 năm trước 239
Chung tay với Tủ quần áo xanh - Ảnh 1.

Nhóm bạn trẻ “Tủ quần áo xanh” là cầu nối thu gom quần áo cũ còn tốt - Ảnh: H.T.

"Tủ quần áo xanh" ra đời đã giải quyết được ba bài toán đặt ra tương ứng với ba đối tượng, góp phần lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng.

Giải quyết 3 bài toán

Tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, quyên góp quần áo cũ tặng bà con vùng cao, song một nhóm bạn trẻ ở Hà Nội nhận ra đây không phải là cách giải quyết tối ưu bởi có nhiều bộ quần áo không phù hợp với kiểu dáng, kích cỡ của bà con và không hướng đến đúng đối tượng cần thụ hưởng.

"Nhiều người không còn nhu cầu sử dụng quần áo nữa nhưng rất muốn nó được đến đúng đối tượng thụ hưởng, và phải thực sự hữu ích cho người nhận. Đó là lý do "Tủ quần áo xanh" ra đời, trở thành cầu nối thu gom quần áo cũ còn tốt và hữu ích để chuyển đến người cần" - chị Nguyễn Thị Nhung (28 tuổi), sáng lập dự án The Green Closet (Tủ quần áo xanh) ở Hà Nội, chia sẻ ý tưởng ra đời dự án.

Từ cuối năm 2019 bắt đầu từ một cuộc thi về đại sứ môi trường, Nhung cùng nhóm bạn học sinh sinh viên ở Hà Nội bắt tay vào hành động, triển khai dự án dài hơi mang tên "Tủ quần áo xanh" hướng đến giải quyết ba bài toán đặt ra tương ứng với ba đối tượng: người muốn quyên góp quần áo cũ, người theo đuổi lối sống tối giản bằng cách sử dụng đồ secondhand (đã qua sử dụng) để không tổn hại đến môi trường, và nhóm người dân đang gặp hoàn cảnh khó khăn.

Với đối tượng thứ nhất, "Tủ quần áo xanh" tổ chức các đợt thu gom quần áo với tiêu chí là quần áo còn sử dụng được, không bị vết ố bẩn, không bị rách, trang phục phải phù hợp thời tiết. Với đối tượng thứ hai, nhóm bạn trẻ chụp ảnh và đăng tải quần áo cũ trên các trang fanpage, Instagram để bán lại cho những ai cần sử dụng.

Lợi nhuận thu được sau khi bán quần áo cũ được trích ra để giải quyết bài toán cho đối tượng thứ ba là hỗ trợ người khó khăn, đồng bào ở vùng cao.

Không muốn tổn hại môi trường

Chạy dự án đúng thời điểm dịch COVID-19, Nhung cho biết ban đầu nhóm gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình quyên góp, vận chuyển quần áo. Chưa kể hầu hết mọi tâm điểm chú ý đều hướng đến vấn đề sống còn trong đại dịch mà dường như lãng quên vấn đề về môi trường.

Từ 8 triệu đồng, năm bạn trẻ tích cực tham gia các đầu việc như kêu gọi quyên góp, bán quần áo cũ, tổ chức thành công các chương trình về môi trường, tổ chức trò chơi hay phát động cuộc thi viết tìm hiểu về thời trang bền vững, chia sẻ hành trình sống xanh trong cộng đồng.

Đến nay, dự án "Tủ quần áo xanh" đã thu hút 20 thành viên là các bạn học sinh, sinh viên ở Hà Nội cùng tham gia.

Phạm Huyền Trang - 21 tuổi, điều phối dự án - cho biết đã nghe đến lối sống xanh rất lâu nhưng từ ngày tham gia dự án nhóm bạn trẻ mới khắt khe hơn với bản thân, dần dần thay đổi tủ quần áo, sử dụng quần áo secondhand và tích cực tái sử dụng đồ đạc để phù hợp với tinh thần sống xanh.

"Với những bạn có thói quen tái chế thường bị trêu là "đồng nát", còn mua đồ secondhand có thêm định kiến khác là nghèo và không có phong cách thời trang. Chúng mình muốn góp phần thay đổi lối suy nghĩ đó, bởi mặc đồ secondhand không có nghĩa chúng mình không có tiền, mà là không muốn tổn hại môi trường", Trang bày tỏ.

Thay đổi lối sống xanh từ câu chuyện của một người bạn, Nhung bộc bạch khi nhận ra mình là "nô lệ" của đồ đạc, cô quyết tâm thay đổi cách đối xử với đồ dùng, tái sử dụng hoặc chuyển nó đến người cần.

"Những bạn trẻ gen Z rất quan tâm đến môi trường, dễ dàng tiếp cận thông tin đại chúng và rất sáng tạo. Mình nghĩ một trong những cách giải quyết là tuổi trẻ đóng góp vào việc làm lan tỏa lối sống xanh đến cộng đồng; mỗi người hãy là một mắt xích, là đại sứ lan tỏa sống xanh" - Nhung chia sẻ.

Trước tình hình dịch bệnh, rất nhiều người phải ở nhà thực hiện giãn cách, do đó nhóm bạn lên ý tưởng kêu gọi chiến dịch "Thử thách online - 7 ngày sống xanh" trên mạng xã hội, kêu gọi cộng đồng cùng đóng góp ý tưởng vào bảo vệ môi trường, vừa giải tỏa những áp lực căng thẳng trong mùa dịch.

Nhóm bạn trẻ cho biết ai cũng có thể tham gia thử thách này, trong 7 ngày có thể lựa chọn tái chế 7 sản phẩm hoặc tái chế 1 sản phẩm nhưng sáng tạo kiểu cách, hình thức khác nhau. Qua thử thách online này, rất nhiều người trẻ hưởng ứng tham gia với nhiều ý tưởng, sản phẩm tái chế sáng tạo như khẩu trang 3D, kẹp tóc, băngđô, túi xách... từ quần jean cũ...

"Dù ngày nào mình cũng mặc quần áo nhưng không hề để ý đến chất liệu vải nào cho thân thiện với môi trường, sử dụng nước giặt ra sao để hạn chế tổn hại đến môi trường. Tham gia dự án như một sự thức tỉnh giúp chúng mình nhận thức rõ ràng hơn về vấn đề bảo vệ môi trường sống xung quanh", Huyền Trang tâm niệm.

Những người Những người 'bao đồng' tử tế

TTO - Một nhóm thợ mộc không ai khá giả gì đã cùng nhau làm chuyện "bao đồng" tử tế: mở trại cưa, cất nhà tặng người nghèo. Hàng trăm hộ dân nghèo vùng biên giới An Giang đã có mái ấm nhờ tấm lòng của những người này.

Nguồn bài viết