Vắng khách, anh Ninh thu dọn đào cành về nhà
Tại hàng chục điểm bán hoa Tết trước sân vận động quốc gia Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm), khách đến ngắm nghía đông nhưng có rất ít người mua dù chủ đã "đại hạ giá"...
Ông Lê Tuấn Huy (51 tuổi, kinh doanh hoa đào) cho biết: "Năm nay do ảnh hưởng COVID-19, gia đình tôi không bán đào thế như mọi năm mà chuyển qua kinh doanh đào cành để hợp với túi tiền.
Vài giờ nữa giao thừa sang năm Nhâm Dần 2022 rồi mà đến nay vẫn còn hơn 20 cành đào chưa bán được. Đào cành ít vốn nhưng nếu bị ế thì coi như lỗ vì không trồng lại được như đào thế…".
Cách điểm bán đào của ông Huy không xa là gia đình anh Tiến chuyên kinh doanh địa lan xuất xứ Đà Lạt. "Mọi năm bán địa lan đắt như tôm tươi, nhưng năm nay thì khác, khách chỉ đến xem mà không mua. Từ sáng tới giờ tôi bán đồng giá 500.000 đồng/chậu địa lan mà đến đầu giờ chiều chỉ 4 - 5 khách mua", anh Tiến nói.
Theo anh Tiến, từ ngày 25 đến 28 tháng chạp, những chậu địa lan này anh bán ra từ 1 triệu đến 1,2 triệu đồng.
Tương tự, tại khu vực đường Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình), chợ Bưởi, đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ) có hàng trăm cửa hàng, điểm bán hoa cũng vắng khách dù đường sá đông người đi sắm Tết.
Chị Lan Hương (tiểu thương chợ Bưởi) cho biết: "Năm nay sức mua giảm lắm, người bán thì nhiều người mua thì ít".
Đối nghịch với những điểm bán đào, quất, lan vắng người thì những điểm bán hoa bó lại đắt khách. "Hoa bó đắt khách vì mỗi bó chỉ 50.000 đồng đến 80.000 đồng, hợp với túi tiền của người mua. Năm nay người thu nhập ở mức trung bình, dưới trung bình đều hướng đến hoa bó vì muốn tiết kiệm", chị Thương (bán hoa trên đường Lạc Long Quân) nói.
Hình ảnh phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận trong ngày 29 tháng chạp:
Một điểm bán đào Tết trước sân vận động quốc gia Mỹ Đình vắng khách
Lan các loại cũng "ế" khách
Mai vàng bán trước cổng chợ Bưởi ít người hỏi mua
Quất Hưng Yên bán ở đường Hoàng Hoa Thám
Trước cổng chợ Bưởi đông nghẹt người đi sắm Tết nhưng mua đào, quất, lan lại ít
Nhiều điểm kinh doanh hoa bó các loại lại đắt khách