Chiều 2-4, có 3 ca mắc COVID-19 ở TP.HCM, Tây Ninh và Quảng Ninh

3 năm trước 339
Chiều 2-4, có 3 ca mắc COVID-19 ở TP.HCM, Tây Ninh và Quảng Ninh - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế tại Hà Nội - Ảnh: Bộ Y TẾ

Ba ca mắc mới (BN2618 - 2620) là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Quảng Ninh (1), TP.HCM (1) và Tây Ninh (1). 

CA BỆNH 2618 (BN2618) ghi nhận tại tỉnh Quảng Ninh: Bệnh nhân nam, 32 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày 31-3, bệnh nhân từ Angola nhập cảnh sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN88, và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Quảng Ninh. 

Kết quả xét nghiệm ngày 1-4 cho thấy bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện số 2 tỉnh Quảng Ninh.

CA BỆNH 2619 (BN2619) ghi nhận tại TP.HCM: Bệnh nhân nam, 38 tuổi, là thuyền viên tàu giao hàng, quốc tịch Philippines.

Ngày 1-4, bệnh nhân từ Hàn Quốc nhập cảnh sân bay Vân Đồn trên tàu SKY WIND và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP.HCM. Kết quả xét nghiệm ngày 1-4 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

CA BỆNH 2620 (BN2620) ghi nhận tại Tây Ninh: Bệnh nhân nữ, 24 tuổi, là công dân Việt Nam, có địa chỉ tại phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Ngày 31-3, bệnh nhân từ nước ngoài nhập cảnh cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Tây Ninh. Kết quả xét nghiệm ngày 2-4 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế Bến Cầu.

Ngoài ra, theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế trong ngày 2-4 cả nước có 24 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi bệnh là 2.383 ca.

Cuối năm 2021 có vắc xin cho 20% dân số 

Theo ông Kamal Malhotra - điều phối viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, lô vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên của chương trình COVAX gồm 811.200 liều về đến Việt Nam ngày 1-4 là lô vắc xin đầu tiên trong tổng số 4,1 triệu liều vắc xin dự kiến có mặt tại Việt Nam đến cuối tháng 5-2021. 

Cùng với những lô vắc xin tiếp theo sẽ được tiếp nhận sau tháng 5, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu cung cấp vắc xin cho 20% dân số đến cuối năm 2021.

“Một lần nữa xin khẳng định WHO và UNICEF sẽ sát cánh cùng các quốc gia để đảm bảo đưa vắc xin đến những đối tượng ưu tiên một cách hiệu quả nhất có thể, với ưu tiên hàng đầu là tính an toàn”- ông Kamal nói và thông tin thêm: UNICEF cũng sẽ mua khoảng 400 tủ đông bảo quản vắc xin và hơn 2000 tủ đông loại nhỏ, hộp lạnh, xe tải đông lạnh và ống tiêm cho Việt Nam. Chuyến bay đầu tiên chở ống tiêm sẽ tới Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Chiều 2-4, có 3 ca mắc COVID-19 ở TP.HCM, Tây Ninh và Quảng Ninh - Ảnh 2.

Nhân viên ngành giáo dục ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ngày 1-4 - Ảnh: REUTERS

Campuchia tiếp tục ghi nhận gần 70 ca nhiễm mới

Chiều 2-4, Bộ Y tế Campuchia thông báo đã ghi nhận thêm 69 ca nhiễm mới, trong đó có một ca nhập cảnh và 68 ca lây nhiễm cộng đồng ở Phnom Penh, Svay Rieng, Kandal và Sihanoukville. 

Tính đến ngày 2-4, Campuchia ghi nhận tổng cộng 2.546 ca mắc COVID-19, trong đó 1.256 người đã khỏi bệnh và 16 người tử vong.

Cùng ngày, báo Khmer Times đưa tin Chính phủ Nhật Bản gửi tặng gần 1 triệu USD để ủng hộ nỗ lực tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19 của Chính phủ Campuchia thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF). Khoản trao tặng của Nhật Bản chủ yếu giúp cải thiện quản lý dây chuyền làm lạnh để đảm bảo hiệu quả của vắc xin. 

Nguồn hỗ trợ này sẽ thúc đẩy năng lực của hệ thống y tế Campuchia, trong bối cảnh Campuchia đang thực hiện chương trình tiêm chủng nhanh nhất và trên phạm vi rộng nhất trong lịch sử nước này. Việc quản lý dây chuyền làm lạnh sẽ được cải thiện thông qua việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, công tác vận chuyển và đào tạo nhân viên y tế.

Dân Hàn Quốc tin vào vắc xin

Kể từ khi bắt đầu chương trình tiêm vắc xin (vaccine) ngừa COVID-19, đến nay Hàn Quốc đã có tổng cộng 914.069 người được tiêm phòng, trong đó có 834.226 người sử dụng vắc xin của Hãng AstraZeneca (Anh) và 79.843 người sử dụng vắc xin của Pfizer (Mỹ). Đã có 10.821 trường hợp ghi nhận phản ứng phụ sau tiêm chủng, nhưng hầu hết là các triệu chứng nhẹ.

Kết quả cuộc thăm dò được công bố ngày 2-4 cho thấy hơn 70% số người Hàn Quốc được hỏi bày tỏ sẵn sàng để được tiêm vắc xin ngừa COVID-19.

Theo cuộc thăm dò do Hãng khảo sát Gallup Korea tiến hành ngày 31-3 và 1-4 đối với 1.000 người trên 18 tuổi, 71% số người trả lời rằng họ muốn được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Trong đó 50% khẳng định "chắc chắn" tiêm vắc xin. Chỉ 23% không sẵn sàng tham gia chiến dịch tiêm chủng toàn quốc, trong đó 8% nói rằng sẽ "không bao giờ" đi tiêm vắc xin.

So với cuộc thăm dò tương tự cũng do Gallup Korea tiến hành từ ngày 23 đến 25-2 vừa qua, ngay trước khi Hàn Quốc bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vắc xin, tỉ lệ những người nói rằng sẽ "chắc chắn" hoặc "không bao giờ" đi tiêm vắc xin tăng lần lượt 2% và 3%.

Người dân ngủ nhiều hơn trong ‘năm COVID-19’Người dân ngủ nhiều hơn trong ‘năm COVID-19’

TTO - Một khảo sát về giấc ngủ cho thấy người dân ngủ nhiều hơn 10 phút mỗi ngày trong năm 2020, chất lượng giấc ngủ cũng cao hơn, do ở nhà nhiều hơn và bớt đi chơi khuya.

Nguồn bài viết