Phiên họp sáng 11-10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội - Ảnh: PHẠM THẮNG
Sáng 11-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Báo cáo của Chính phủ đánh giá Việt Nam là nền kinh tế có quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn (tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gấp khoảng 2 lần quy mô GDP của nền kinh tế), sức chống chịu từ các cú sốc bên ngoài còn hạn chế nên chịu áp lực rất lớn từ lạm phát, tăng giá cả hàng hóa, giá xăng dầu.
Dù vậy, thời gian qua các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục xu hướng phục hồi tốt.
Để kịp thời giải quyết các vấn đề cấp bách, nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai quyết liệt, linh hoạt như giảm giá xăng dầu; giảm bớt áp lực tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ; duy trì mặt bằng tỉ giá, lãi suất hợp lý…
Theo báo cáo của Chính phủ, CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2022 tăng 2,73%, lạm phát cơ bản tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,73%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.
Chính phủ khẳng định công tác điều hành giá từ đầu năm đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai quyết liệt để giảm giá xăng dầu.
Chủ động các phương án điều hành giá xăng dầu, kịp thời điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, trích lập quỹ bình ổn xăng dầu phù hợp giúp giảm đáng kể áp lực chi phí đầu vào, hỗ trợ tiêu dùng.
Đề cập đến những khó khăn trong giai đoạn tới, Chính phủ chỉ ra áp lực lạm phát lớn do chi phí nhập nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao theo giá thế giới.
Trong khi đó, giá cả hàng hóa thế giới, giá xăng dầu tuy có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao và rất khó dự báo do xung đột Nga - Ukraine còn diễn biến phức tạp, khó đoán định.
Các yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới rất lớn, khó khăn, thách thức phải đối mặt rất nhiều, mang tính chất nhanh, mạnh, khó lường, tác động lớn và khá toàn diện, nhất là biến động về giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, tạo áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao...
Còn theo thẩm tra Ủy ban Kinh tế, tình hình lạm phát được kiểm soát song trong thời gian từ đầu năm đến giữa năm, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng lên mức kỷ lục, gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Có ý kiến cho rằng việc tăng giá xăng dầu trong năm qua có nguyên nhân quan trọng từ thiếu hụt nguồn cung trong nước.
Tỉ lệ chiết khấu không phù hợp, giá mua cao hơn giá bán khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thua lỗ, dẫn tới tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu phải thường xuyên đóng cửa hoặc khống chế lượng xăng, dầu bán ra.
Do đó đề nghị phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời khi giá xăng dầu thế giới có những diễn biến bất lợi trong tương lai.
Ngoài ra cũng có ý kiến đề nghị làm rõ các tồn tại trong chỉ đạo điều hành và kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu.
Khi giá xăng dầu giảm, giá cả nhiều mặt hàng vẫn neo cao, không giảm giá, đặc biệt là các mặt hàng đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, lương thực thực phẩm… ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Trong thời gian tới, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục theo dõi sát tình hình giá xăng dầu thế giới và trong nước để đề xuất phương án kịp thời, phù hợp về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu.
Đồng thời nghiên cứu giải pháp miễn giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực giao thông vận tải, hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu cao.