Bệnh nhân đang được thăm khám và điều trị di chứng hậu COVID-19 tại Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM - Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Đầu tháng 11-2021, chị T.T. (24 tuổi, quận Phú Nhuận, TP.HCM) thấy mình sốt nhẹ, test nhanh dương tính COVID-19. Đã tiêm 2 mũi vắc xin nên chị chỉ bị sốt nhẹ, rát họng, đau mỏi cơ… vài ngày, đến ngày thứ 8 thì có kết quả âm tính.
Tuy nhiên, đến nay chị T. luôn bị ám ảnh bởi những cơn ho kéo dài kèm triệu chứng mệt mỏi, hụt hơi, thậm chí có cảm giác như ngưng thở.
ThS.BS Trần Tuấn Thành - khoa vật lý trị liệu, đơn vị điều trị hậu COVID-19 Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cho biết có nhiều nguyên nhân gây ho sau khi khỏi COVID-19 như: cơ thể đào thải xác virus ra ngoài, người bệnh có bệnh lý sẵn trước đó như: hen suyễn, lao phổi, trào ngược dạ dày…
Để ứng phó với những cơn ho kéo dài sau khi khỏi COVID-19, người dân cần đi khám để đánh giá xem nguyên nhân ho xuất phát từ việc nhiễm COVID-19 hay mắc một số bệnh lý trước đó để kịp thời xử lý.
Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ - trưởng đơn vị điều trị ban ngày Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết người mắc COVID-19 sau khi khỏi bệnh cần thời gian và sự chăm sóc phù hợp để hồi phục bao gồm chế độ dinh dưỡng, vận động, đặc biệt là tập hít thở.
Người bệnh có thể tập thở bằng 2 động tác sau đây để giảm ho, chú ý hít bằng mũi thở ra bằng mũi, giữ hơi mở thanh quản.
Bài tập 1: Tư thế ngồi hoa sen
Bác sĩ Vũ hướng dẫn tư thế ngồi hoa sen tập thở giảm ho do COVID-19 - Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Dùng yoga, khí công để luyện thở bằng tư thế ngồi hoa sen: Người bệnh ngồi xếp bằng kép, hai bàn chân bắt chéo, lòng bàn chân ngửa lên trên. Nếu không ngồi được thì ngồi nửa hoa sen (xếp bằng đơn). Hai bàn tay để lên 2 đầu gối, lưng thẳng rồi bắt đầu thở.
Hít vào tối đa, ưỡn lưng được càng tốt, giữ hơi mở thanh quản (bằng cách hít thêm), đồng thời dao động thân qua lại 2 - 6 lần, thở ra quay đầu qua bên trái, đuổi hết khí trong phổi ra, rồi bắt đầu một hơi thở thứ hai thở ra và quay đầu qua phải, sau đó làm tiếp tục, thực hiện từ 2 - 4 lần.
Để có tác dụng, cần tập đều, hít bằng mũi thở ra bằng mũi. Tập đều đặn, 2 lần sáng và chiều, mỗi lần 15 - 30 phút.
Bài tập 2: Thở 4 thời có kê mông và giơ chân
Bác sĩ Vũ hướng dẫn thở 4 thời có kê mông và giơ chân có thể giảm ho do hậu COVID-19 - Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Chuẩn bị: Nằm ngửa thẳng, kê một gối ở mông, cao khoảng 5 - 8cm vừa sức, tay trái để trên bụng, tay phải để trên ngực; nhắm mắt, chú ý vào việc tập thở.
Động tác:
Thời 1: Hít vào tối đa, ngực nở bụng phình và căng.
Thời 2: Giữ hơi, mở thanh quản bằng cách cố gắng hít thêm, lồng ngực vẫn giữ nguyên ở tình trạng nở tối đa, bụng vẫn phình căng cứng, đồng thời giơ một chân dao động qua lại 4 (hoặc 6) cái, rồi hạ chân.
Thời 3: Thở ra thoải mái tự nhiên, để lồng ngực và bụng tự nhiên hạ xuống.
Thời 4: Thư giãn chân tay mềm giãn, chuẩn bị trở lại thời 1, hít vào. Mỗi lần tập mười hơi thở. Một ngày tập một đến hai lần.
Về dinh dưỡng, bác sĩ Thành khuyên người bệnh bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, tôm, cua, thịt, cá và rau xanh; tránh các thực phẩm cay, nóng làm cơn ho thêm trầm trọng. Ngoài ra nên uống nước ấm, ngậm kẹo, tránh để khô họng, uống đủ nước, uống thuốc ho…
Người bệnh cũng có thể dùng các thảo dược có tác dụng trong điều trị ho hậu COVID-19 của PGS.TS Nguyễn Thị Bay - Bệnh viện Đại học Y dược - cơ sở 3 TP.HCM:
Cẩn trọng nguy cơ đột quỵ
Đầu tháng 12-2020, chị T.M. (24 tuổi, Cần Giờ) hay nôn ói, đau đầu, chóng mặt, bị ảo giác, chân tay tê, đi khám được bác sĩ chẩn đoán bị ốm nghén thai kỳ và tụt canxi. Tuy nhiên về đến nhà, chị ngã gục, co giật, nửa người bên phải yếu liệt, người nhà đưa đến một bệnh viện tại TP.HCM để cấp cứu.
Bác sĩ phát hiện chị M. vừa khỏi COVID-19, vừa đột quỵ thể nhồi máu não ở tĩnh mạch nội sọ. Chị được chuyển đến Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM. Kết quả xét nghiệm cho thấy chị bị thiếu protein S - một chất kháng đông máu tự nhiên, cộng thêm biến chứng rối loạn đông máu do mắc COVID-19 dẫn đến cơn đột quỵ.
ThS.BS.CK2 Phan Thái Hảo, trưởng khoa tim mạch - lão học, Bệnh viện Phục hồi chức năng - điều trị bệnh nghề nghiệp TP.HCM, cho biết cơ thể mỗi người có hai hệ thống đông máu và chống đông máu đối kháng nhau để không xảy ra tình trạng đông máu hoặc loãng máu quá. Sau khi nhiễm COVID-19, người bệnh bị tăng đông trong máu, dẫn đến tắc mạch máu não gây đột quỵ, tắc phổi, tắc mạch chi…
Nhiều người có cơ địa dễ đông máu như có xơ vữa động mạch cộng thêm nhiễm COVID-19 làm tăng đông dẫn theo tăng nguy cơ bị đột quỵ.
Theo bác sĩ Hảo, để giảm nguy cơ bị đột quỵ, người bệnh sau khi nhiễm COVID-19 nên đến bệnh viện để được thăm khám làm các xét nghiệm, siêu âm mạch máu, kiểm tra các chất trong máu làm tăng khả năng đông máu để phòng ngừa.
Đối với tổn thương thận, không nên tự ý sử dụng các loại thực phẩm chức năng, thuốc bổ thận bắt thận phải tăng cường độ làm việc, có thể dẫn tới sỏi thận…
7 bài tập phục hồi chức năng phổi cho người nhiễm COVID-19
* Kỳ tới: Hậu COVID-19 ảnh hưởng sức khỏe sinh sản, tình dục ra sao?