Chia sẻ thông tin về mối liên hệ giữa di cư và suy dinh dưỡng

2 tuần trước 9
Chú thích ảnhPhó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia phát biểu tại Hội nghị.

Tiến sĩ Hồ Hồng Liên (Trường Đại học Cần Thơ, thành viên Ban Tổ chức) cho biết: Hội nghị nhằm phân tích những thách thức và bài học kinh nghiệm trong quá trình hợp tác triển khai chương trình khảo sát chất lượng dinh dưỡng cộng đồng vùng đồng bằng sông Cửu Long (thí điểm tại Bạc Liêu). Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức thu thập ý kiến đóng góp từ các chuyên gia nhằm hoàn thiện mô hình, hướng tới khả năng mở rộng áp dụng các giải pháp nâng cao chất lượng dinh dưỡng cộng đồng ra nhiều địa phương trong khu vực.

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Văn Nin, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bạc Liêu cho biết, với sự hỗ trợ của Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT), Viện Dinh dưỡng Quốc gia (NIN), từ tháng 9 - 11/2024, Trung tâm đã khảo sát tại 30 xã, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của hơn 1.500 trẻ em dưới 5 tuổi, độ phủ Vitamin A, nguồn gốc di biến động dân cư…

Kết quả ban đầu cho thấy, tình trạng suy dinh dưỡng của nhóm trẻ này khá cao, nguyên nhân phần lớn là do điều kiện kinh tế gia đình chưa tốt, nhận thức của người chăm nuôi trẻ chưa cao; hầu hết họ là người di dân, công việc bấp bênh.

Chú thích ảnhĐại diện Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT), ông Adam Saveli phát biểu tại Hội nghị.

Đại diện Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT), ông Adam Saveli thông tin: Di cư là điều bình thường, không phải là một “vấn đề” cần được giải quyết. Nhiều quốc gia trên thế giới, con người di chuyển liên tục vì cơ hội học tập, việc làm, hôn nhân hoặc nhiều lý do khác. Tuy nhiên, ở nhiều vùng của Việt Nam, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, những cách thức sống truyền thống đang bị đe dọa do biến đổi khí hậu và các mối nguy môi trường.

Nhận định về mối liên hệ giữa dinh dưỡng và di cư tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhấn mạnh: Đây là vùng kinh tế quan trọng, nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến tình trạng di dân, chất lượng dinh dưỡng ở nhóm này tương đối thấp. Số liệu thống kê năm 2020 cho thấy tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thấp còi ở đây là 12,4%, thừa cân béo phì là 23,8%.

Để cải thiện tình trạng này cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng. Hiện Viện Dinh dưỡng Quốc gia đang phối hợp cùng các tổ chức trong và ngoài nước triển khai nhiều chương trình khảo sát, nghiên cứu mối liên hệ giữa biến động dân cư và an ninh lương thực – thực phẩm và dinh dưỡng, nhằm mục tiêu phát triển các chính sách hiệu quả đảm bảo đủ thực phẩm cho tất cả mọi người. Đặc biệt, chính sách hướng tới nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, di biến động dân cư do quá trình đô thị hóa hoặc thiên tai, biến đổi khí hậu.

Nguồn bài viết