'Cha đẻ' máy lọc nước 'made in Việt Nam'

1 năm trước 143
Cha đẻ máy lọc nước made in Việt Nam - Ảnh 1.

TS Đỗ Hữu Quyết bên chiếc máy lọc siêu tinh khiết bằng công nghệ CDI do anh chế tạo - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Dù thế giới ghi nhận trên 560 sáng chế với công nghệ khử ion điện dung (Capacitive Deionization - CDI) trước đó song giám đốc Công ty cổ phần Maxdream Đỗ Hữu Quyết - cha đẻ máy lọc nước "made in Việt Nam" - tin rằng "đứa con tinh thần" của mình hiệu quả, bền và giá rẻ hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại của thế giới.

Với những gì tôi đang làm, một chiếc máy lọc công nghệ CDI của Việt Nam giá chỉ bằng 1/10 so với thế giới là hoàn toàn có thể.

ĐỖ HỮU QUYẾT

Biến nguy thành... công nghệ vượt trội

Hứng dòng nước từ vòi của hệ thống máy lọc nước siêu tinh khiết Maxdream lắp đặt cho một nhà hàng ở TP Thủ Đức (TP.HCM) đưa lên uống, anh Quyết bảo rất tự hào nhưng để được cấp bằng bảo hộ sáng chế, thương mại hóa sản phẩm ra thị trường là hành trình không ít chông gai. 

Chính "giấc mơ Việt" đã đưa anh trở lại quê hương, gác lại công việc nghiên cứu với mức thu nhập tốt ở xứ cờ hoa.

Cuối năm 2014, anh đầu quân về Trung tâm nghiên cứu Khu Công nghệ cao TP.HCM, làm chủ nhiệm nhiều đề tài cấp quốc gia, có nhiều sáng chế được ghi nhận. 

Trong một chuyến về Đồng bằng sông Cửu Long, người dân hỏi anh có thể xử lý được nước lợ không làm anh ám ảnh mãi. Anh càng muốn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi đó khi hình ảnh người dân thiếu nước ngọt sinh hoạt do hạn mặn, ô nhiễm nguồn nước không thôi làm anh trăn trở.

Suốt một năm trời, hơn 200 thí nghiệm không mang lại hiệu quả, hoặc có hiệu quả nhưng giá thành lại cực cao. Tiêu tốn cũng cả triệu USD cho các thiết bị, nguyên vật liệu nhập khẩu "hàng xịn" mà vẫn chưa ra câu trả lời. 

Thế nhưng ở lần thử nghiệm với công nghệ siêu tụ điện theo cách riêng, anh hét toáng lên vì kết quả không những giúp hấp thụ muối tốt mà còn xử lý được các chất độc, vi khuẩn ô nhiễm trong nước.

Để chắc ăn, anh Hữu Quyết trực tiếp đưa mẫu nước từ lần thử nghiệm đó đến kiểm nghiệm tại Viện Pasteur. Cầm bảng kết quả trên tay, anh thở phào khi dòng nước qua xử lý đã có thể uống được ngay, đảm bảo các tiêu chuẩn nước uống của Việt Nam và WHO. 

"Làm khoa học có khi không cần quá cao siêu, sử dụng một số nguyên vật liệu trong nước thừa sức sản xuất với giá thành rẻ mà tôi lại thành công", anh Quyết cười.

3 khỏe - 4 xanh

Thành công ấy thành cú hích mạnh mẽ giúp anh tiếp tục hoàn thiện phần lõi trở thành công nghệ CDI để máy lọc phù hợp cho nhiều mục đích. Phần lõi sử dụng công nghệ CDI được tác giả thiết kế dựa trên nguyên lý dùng điện cực đặt song song với dòng nước để hút các ion hòa tan.

Điểm nổi bật từ công nghệ của tiến sĩ 8X này là có thể lọc được trên 90% các ion trong nước, khử trên 99% vi khuẩn và thu hồi gần như toàn bộ lượng nước ban đầu. 

Ngoài ra, với hình thức nhỏ gọn, tích hợp tính năng lọc được cả cho nước mưa, nước nhiễm phèn, nước ô nhiễm nhưng vẫn có thể điều chỉnh lưu giữ các vi dưỡng chất.

Công nghệ này sử dụng đến 70% nguyên liệu dễ dàng tìm mua trong nước, 30% còn lại là các phụ kiện, nguyên vật liệu bổ sung nhập từ nước ngoài. Dòng nước được tạo ra có thể ứng dụng cho nhiều ngành khác nhau, cả trong phòng thí nghiệm. 

"Công nghệ này không dùng bất kỳ loại hóa chất nào vẫn có thể lọc được rất nhiều chất mà kể cả công nghệ lọc tinh khiết nhiều đơn vị đang dùng hoàn toàn không thể, thậm chí có thể lọc được các chất nhỏ bằng phân tử nước như thuốc trừ cỏ, khí nhà kính, khí hydro sulfua...", anh Quyết thông tin.

Một số nhà nghiên cứu tại Đức, Phần Lan khi biết thông tin về công nghệ này đã liên lạc với tác giả. Điều khiến chuyên gia, kỹ sư quốc tế ấn tượng là "3 khỏe - 4 xanh" mà công nghệ này mang lại. 

"3 khỏe" chính là nguồn nước được tạo ra đáp ứng đủ 99 chỉ tiêu của Bộ Y tế, giữ lại đủ 21 loại vi dưỡng chất trong nước và có thể điều chỉnh vị ngon của nước theo nhu cầu mà không cần chất tạo vị hay chất bảo quản. 

Công nghệ lọc này so với các công nghệ lọc truyền thống giúp tiết kiệm khoảng 7-10 lần lượng nước thải, tiết kiệm 3 lần lõi lọc, 3 lần lượng điện tiêu thụ, cũng không dùng hóa chất để tẩy rửa. Và đó chính là "4 xanh".

Tính đến nay, hơn 1.000 máy lọc nước đã được bán và hàng nghìn module có mặt trên toàn quốc. "Nói là tôi mới khởi nghiệp cũng đúng nên càng nhiều người trải nghiệm càng tốt", anh Quyết bày tỏ.

PGS Huỳnh Đăng Chính - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - nói công nghệ này cho ra dòng nước có nồng độ các chất lơ lửng, độ dẫn điện tương đương với hệ lọc nước cất hai lần mà Viện Vật lý kỹ thuật (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) đang sử dụng cho các thí nghiệm.

"Thời gian lọc nhanh hơn do không phải chờ nước làm nóng và làm mát như hệ lọc nước cất hai lần. Chất lượng nước tốt và ổn định, lưu lượng cao nhưng chi phí đầu tư và vận hành thấp, giảm hơn một nửa so với một thiết bị ngoại nhập giá 300 - 400 triệu đồng", ông Chính nói.

Chiếc mũ bảo hiểm, bồn rửa tay... Chiếc mũ bảo hiểm, bồn rửa tay... 'kỳ lạ' ở Đà Nẵng

TTO - Mũ bảo hiểm lắp đặt các cảm biến khoảng cách, ánh sáng, động cơ rung và có cả nút ấn để báo cho người thân qua điện thoại khi gặp sự cố. Còi trên mũ sẽ phát ra âm thanh nếu có vật cản phía trước. Động cơ rung trái - phải khi gặp vật cản.


Nguồn bài viết