Cha mẹ nói chuyện với con về nội dung ‘người lớn’, chuyên gia khuyên gì?

2 năm trước 238
Cha mẹ nói chuyện với con về nội dung ‘người lớn’, chuyên gia khuyên gì? - Ảnh 1.

Hình ảnh chụp lại thông tin được lan truyền trên mạng xã hội Facebook - Ảnh chụp màn hình

Từ 13-3, trên tài khoản Facebook mang tên N.H.N. đăng thông tin: "Các bác kiểm tra tài khoản Facebook của con các bác đi. Ối thứ bất ngờ. Em cho out (thoát các tài khoản mạng xã hội - PV) hết, 2 con điện thoại cũng cho nát. Rất nhiều thành phần xấu lôi kéo con vào nhóm xấu". 

Được biết, cậu bé trong câu chuyện chưa đọc, chưa xem những hình ảnh nhạy cảm trong nhóm kín, nhưng người mẹ này đã ngay lập tức ngăn chặn và chia sẻ cảnh báo đến các bậc phụ huynh khác lên Facebook. 

Nhận định về trường hợp này, ThS Nguyễn Phương Linh - viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) - cho rằng người lớn phải nhìn nhận thực tế nếu con xem hoặc tiếp cận các ấn phẩm khiêu dâm thì không nên cho là quá lạ. 

Theo nghiên cứu, độ tuổi trung bình trẻ có thể tò mò và tiếp cận các ấn phẩm "người lớn" là 11 tuổi. Đó là độ tuổi trẻ có thể bắt đầu dậy thì.

Bà Linh cho hay phụ huynh biết con mình tiếp xúc với ấn phẩm "người lớn" qua xem lịch sử duyệt web, bắt gặp trực tiếp đều có thể có một số phản ứng tiêu cực như cáu giận, mắng mỏ, tịch thu thiết bị công nghệ, phá thiết bị công nghệ…

"Đây không phải là cách giải quyết gốc rễ vấn đề. Con vẫn sẽ xem lén lút, xem từ máy của bản thân và bạn bè, xóa lịch sử trình duyệt... 

Trẻ cũng sẽ có các cách tiếp cận khác nữa, không cởi mở chia sẻ với cha mẹ và đặc biệt nghiêm trọng nếu con gặp các vấn đề, rủi ro mà vì sợ bị mắng mỏ, trừng phạt nên không tìm kiếm sự trợ giúp của cha mẹ", bà Linh nhấn mạnh.

Do đó, bà Linh đưa ra 6 lời khuyên cho cha mẹ gồm: giữ bình tĩnh; nghiêm túc lắng nghe con nói; đảm bảo với trẻ rằng trẻ sẽ không bị đánh mắng; nói về cảm xúc của con; giáo dục về tình dục và mối quan hệ, đồng thời giải thích tại sao khiêu dâm lại gây hại và thống nhất về việc không nên xem các nội dung "người lớn".

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) - chia sẻ câu chuyện bố mẹ tiết lộ chuyện của con lên mạng xã hội là đúng, là tốt để cảnh báo, đưa kinh nghiệm cho các phụ huynh khác chú ý, theo dõi, giám sát, đừng để con sa đà vào những nội dung không phù hợp với lứa tuổi. 

Tuy nhiên, Luật trẻ em đã quy định rõ quyền riêng tư của trẻ. Chẳng hạn, cha mẹ xem trộm nhật ký, hình ảnh, bí mật của con có thể gây phản hồi ngược. Ví dụ, trẻ có thể bị bạn bè dè bỉu, cô lập, gây ảnh hưởng...

"Luật trẻ em quy định rất rõ những điều cha mẹ cần biết. Tuy nhiên, muốn hiểu biết thì cần có cán bộ công tác xã hội tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn. Không phải cha mẹ cứ đưa ra việc tôi phát hiện thế này, tôi phát hiện thế kia để ông bố bà mẹ khác biết là việc tốt. Đó là con dao hai lưỡi", vị này lưu ý. 

Theo bác sĩ An, nếu các bậc phụ huynh rơi vào tình huống tương tự thì cần đóng vai "người bạn" chuyện trò, lắng nghe, chia sẻ với con rằng "mẹ đã thấy như thế này, con thấy đúng hay sai". Từ đó, giải tỏa phần nào áp lực, để con không sang chấn, không bị sốc. 

Bác sĩ Nguyễn Trọng An nói thêm, phụ huynh cần định hướng con đi đúng hướng, lắng nghe con, làm bạn với con và có sự giám sát kín đáo. 

Cha mẹ có thể nói một câu chuyện không liên quan đến câu chuyện trẻ đang bị dụ dỗ, lôi kéo như "con biết xã hội đang như thế nào, mọi người quan tâm gì trên mạng xã hội". Cha mẹ cần chủ động giáo dục con thay vì phó mặc cho nhà trường trách nhiệm giáo dục giới tính, giáo dục tình dục. 

Cha mẹ nói chuyện với con về nội dung ‘người lớn’, chuyên gia khuyên gì? - Ảnh 2.

Một tài khoản mạng xã hội nổi tiếng có tích xanh đăng kèm hình ảnh trẻ em vi phạm quy định pháp luật - Ảnh chụp màn hình: H.Q

Còn theo luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư TP Hà Nội), việc cộng đồng mạng chia sẻ, đăng tải hình ảnh trẻ em trên mạng cũng không đúng pháp luật. Bởi lẽ, các thông tin phát tán trên mạng có thể khiến các em bị kỳ thị khi lớn lên.

Theo luật sư Ứng, việc mọi người cần làm ngay là động viên người thân, bạn bè xung quanh dừng ngay việc chia sẻ, bình phẩm, bình luận, phát tán thông tin của em nhỏ trên.

Tiết lộ thông tin trẻ em không được phép bị phạt 20 - 30 triệu đồng

Điều 31, nghị định 130/2021 nêu rõ hành vi công bố, tiết lộ một trong các thông tin mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên sẽ bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng.

Nói với trẻ về an toàn trực tuyếnNói với trẻ về an toàn trực tuyến

TTO - Nhiều gia đình chủ trương không cho trẻ sớm tiếp cận với Internet và mạng xã hội cũng buộc phải thay đổi quan điểm và loay hoay với vấn đề bảo vệ con trên không gian mạng trong thời gian đại dịch COVID-19 diễn ra.

Nguồn bài viết