Ông Nguyễn Văn Anh chắt chiu từng tờ vé số nuôi con trai vào đại học - Ảnh: B.D.
"Hôm nay bán chưa được trăm tờ, mùa mưa người ta ít mua lắm mà mình đi cũng đói lả và nhanh mệt nữa" - ông nói rồi nhét vội xấp vé số vào chiếc túi nhựa phòng mưa ướt.
"Chỗ ướt cha nằm, chỗ ráo con lăn"
Những ngày cuối tháng 9, trời miền Trung đổ mưa tầm tã làm dãy trọ của những người bán vé số quê Quảng Nam lênh láng nước. Nước tràn trên lối đi, hàng hiên dẫn từ cổng khu trọ vào tới chỗ ở.
Sau ca bán buổi tối, ông Nguyễn Văn Anh, cha bạn Nguyễn Ngọc Sĩ - vừa nhập học một trường đại học tại Đà Nẵng - bước vào phòng, buông đôi dép nhàu cũ, thả mình xuống nền xi măng, dùng chính chiếc túi nhựa đựng vé số làm gối kê để tìm giấc ngủ chập chờn.
Dãy trọ bảy phòng toàn người bán vé số. Mỗi phòng chừng 8 - 10m2, không có bất cứ đồ đạc nào ngoài ba chiếc giường được trải chiếu manh trên nan gỗ. Nền nhà trám xi măng đã lâu bắt đầu lủng lỗ chỗ, tường bong tróc. Nhưng với họ, vậy đã là đủ đầy vì "có ở mấy đâu, chủ yếu tối về ngả lưng lấy sức một chút rồi tảng sáng lại lao ra đường".
Phòng được chủ đại lý vé số cho ở miễn phí. Mấy người góp tiền mua chung chiếc nồi mà mỗi sáng trước khi đi bán sẽ cắm sẵn nồi cơm để đó. Phòng bé, ông Anh cùng người bạn bán vé số cùng thôn ngủ chung trên chiếc giường đơn.
Cả dãy trọ ai cũng biết cậu con trai Nguyễn Ngọc Sĩ vừa đậu vào Trường ĐH Công nghệ thông tin, truyền thông Việt - Hàn (Đà Nẵng). Với những người bán vé số, điều này thật hiếm hoi.
Ngày biết tin con ông Anh đậu đại học, cả xóm trọ tụ nhau lại uống nước ngọt, ăn đĩa hoa quả chúc mừng.
Để tiết kiệm, họ tự mua đồ ăn rồi "chiết" ra nhiều bữa. Ông Anh kể mỗi bữa mua 10.000 đồng thức ăn, vài miếng thịt với con tôm bé bằng chiếc đũa, nước chan.
"Ăn vầy chứ nhiều sợ tốn tiền. Bán cả ngày nhiều lắm được trên trăm ngàn để dành cho thằng cu đi học" - ông Anh nói và kể thêm con trai ở trọ cách ông không xa, lẽ ra hai cha con ở cùng nhưng "mình ở chỗ ẩm ướt, khu ổ chuột tí không sao, chứ con phải trọ nơi cao ráo và ấm cúng để có sức mà học".
"Tấm vé độc đắc" cho con trai
Nhà ông ở thôn Tú Ngọc B, xã Bình Tú, huyện Thăng Bình (Quảng Nam). Không có đất đai ruộng vườn gì nên vợ chồng ông làm đủ nghề, lúc buôn đồng nát, khi làm thợ hồ. Mấy năm trước, lúc làm tại một công trình xây dựng, ông bị ngã giàn giáo, suy sụp cả tinh thần lẫn thể chất. Người đàn ông trụ cột trong nhà yếu hẳn nên đành lang thang bán vé số.
Vợ chồng ông có hai cậu con trai, ơn trời đứa nào học cũng khá dù cảnh nhà thiếu trước hụt sau. Cách đây mấy năm, cậu con đầu đậu Trường ĐH Đà Lạt nhưng thấy cảnh nhà cơ cực quá nên bỏ ngang, giờ đang làm đầu bếp phụ cha mẹ nuôi em. Thế nên toàn bộ hy vọng học hành dồn cho cậu con thứ Nguyễn Ngọc Sĩ.
Hôm chúng tôi tìm tới chỗ ở của ông, Sĩ vừa dọn qua chỗ trọ mới cách đó không xa. Sĩ nói thấy ba khổ quá, muốn ở cùng cho cha con gần nhau, lại đỡ tiền trọ, nhưng cha nhất quyết không chịu.
"Mình ở khổ răng cũng được, ăn uống dè sẻn tạm bợ được, chứ sinh viên phải có chỗ cho đàng hoàng để còn tiếp bạn bè, tập trung mà học" - ông Anh trải lòng.
Người đàn ông mưu sinh bằng nghề vé số bảo rằng mấy chục năm nuôi con, ông tin con mình sẽ vào đại học, đi làm, thoát khỏi hình ảnh bần hàn như cha mẹ. Nghĩ vậy, nhưng khi nhận được tin con đậu đại học, ông vẫn bật khóc.
"Nó báo kết quả lúc tui đang đi bán, mừng quá tui bỏ ngang đi về phòng. Gọi lại, nó bảo ba chuẩn bị tinh thần, tui nói "ba biết rứa hỉ" rồi tự nhiên nước mắt trào ra" - ông Anh kể.
Ông biết sức khỏe mình yếu hẳn sau vụ ngã giàn giáo năm nào. Có hôm đi bán bị choáng rồi ngất xỉu. Mỗi ngày, ông thức từ 4h30 sáng, bọc theo gói xôi rồi ra đường đi bán vé tới chiều mới về phòng trọ tắm rửa, rồi lại đi bán đến 1h sáng khi đường phố đã vắng người.
Thu nhập ngày cao nhất được chừng 150.000 đồng. Mỗi ngày ông ăn uống qua loa, cũng chẳng dám mua sắm gì cho mình.
"Mỗi ngày 20.000 đồng tui ăn ba bữa, nhiều người bán hàng thấy thương, họ gắp thêm cho đồ ăn nên cũng đủ no. Mình già rồi, tình thương và tương lai cả nhà dành cho thằng út" - ông Anh cười.
Nguyễn Ngọc Sĩ bên góc trọ bắt đầu đời sinh viên - Ảnh: B.D.
Nguyễn Ngọc Sĩ nộp hồ sơ vào ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghệ thông tin, truyền thông Việt - Hàn với điểm số 25,5. Hôm con nhập học, hai cha con đèo nhau tới cổng trường.
Tiễn con vào làm thủ tục xong, ông Anh lặng lẽ ôm xấp vé số hòa vào dòng người xuôi ngược trên đường tiếp tục hành trình rong ruổi mưu sinh vì con. Với người bán vé số như ông, nuôi đứa con học đại học và ra trường có việc làm là tấm vé độc đắc của niềm hy vọng lớn nhất cuộc đời.
"Tiếp sức đến trường" 100 sinh viên Quảng Nam - Đà Nẵng
Hôm nay (22-10), tại Quảng Nam, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Quảng Nam và Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" cho 100 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Quảng Nam - Đà Nẵng.
Đây là điểm trao đầu tiên của chương trình "Tiếp sức đến trường" năm 2022, thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" lần thứ 550 của Tuổi Trẻ.
Năm nay, Câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Quảng Nam - Đà Nẵng tài trợ hơn 1,5 tỉ đồng trao học bổng cho tân sinh viên, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam hỗ trợ quà tặng. Quỹ khuyến học Vincam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tặng bốn laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập.
Câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Quảng Nam - Đà Nẵng cũng sẽ tặng 10 phần thưởng cho 10 bạn từng nhận học bổng này có thành tích học tập khá giỏi, nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào, vì cộng đồng tại trường và địa phương mà hoàn cảnh còn quá khó khăn. 10 phần thưởng này trị giá 150 triệu đồng, do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam, thành viên Câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường" Quảng Nam - Đà Nẵng, ủng hộ.
Tính đến nay, đã có 22.170 sinh viên nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" với tổng số tiền hơn 162,3 tỉ đồng. Năm 2022 là mùa thứ 20 thực hiện chương trình, Tuổi Trẻ phối hợp với 63 tỉnh thành đoàn tiếp tục xét trao học bổng cho hơn 1.000 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước với tổng kinh phí hơn 15 tỉ đồng (15 triệu đồng/suất).
Chương trình với sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ "Đồng hành nhà nông" (Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền), Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) cùng các câu lạc bộ: "Nghĩa tình Quảng Trị", Phú Yên; các câu lạc bộ "Tiếp sức đến trường": Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiền Giang - Bến Tre và Câu lạc bộ Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM cùng nhiều doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ...
Ngoài ra, Quỹ khuyến học Vinacam còn tặng 50 laptop (trị giá hơn 600 triệu đồng) cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập; Công ty TNHH Nestlé Việt Nam ủng hộ 1.500 ba lô làm quà cho tân sinh viên (trị giá 230 triệu đồng)...
CÔNG TRIỆU
Đồ họa: NGỌC THÀNH