Cao nguyên Kon Hà Nừng - Khu dự trữ sinh quyển quý giá của thế giới

3 năm trước 319
Chú thích ảnhHệ động, thực vật tại khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng phong phú, đa dạng với nhiều loại quý hiếm. Ảnh: TTXVN phát

Trong đó, Việt Nam có hai khu dự trữ sinh quyển được công nhận là: Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng (tỉnh Gia Lai) và Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận). Việc Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận thể hiện sự ghi nhận của quốc tế đối với những giá trị về đa dạng sinh học cũng như nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, phát triển bền vững của Việt Nam nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng.

Khu Dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng trải rộng trên diện tích gần 413.512 ha, bao gồm toàn bộ diện tích Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và một phần diện tích của 5 huyện (Đak Đoa, Mang Yang, Kbang, Chư Păh, Đak Pơ), thị xã An Khê. Toàn khu được khoanh vùng thành ba khu chức năng gồm hai vùng lõi là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng; vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Tầm quan trọng của Khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng thể hiện ở chỗ nó chứa đựng mức độ đa dạng sinh học, trong đó nhiều loại quý hiếm. Đây cũng là nơi có diện tích rừng nhiệt đới trên núi cao tương đối lớn ở Tây Nguyên.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kpă Thuyên cho biết, hai vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng có hệ sinh thái còn tương đối nguyên vẹn, có tính đa dạng sinh học cao, đặc trưng cho hệ sinh thái rừng, hệ thực vật, động vật rừng của khu vực Tây Nguyên. Khu dự trữ sinh quyển này có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và duy trì sự cân bằng sinh thái của không chỉ khu vực Tây Nguyên mà cả khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ của Việt Nam.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới (Biosphere Reserves) là một danh hiệu do UNESCO trao tặng cho các khu bảo tồn thiên nhiên có hệ động, thực vật độc đáo, phong phú đa dạng. Theo quy định, khu dự trữ sinh quyển phải đạt được 7 tiêu chí: có các hệ sinh thái đại diện vùng địa lý sinh học; có ý nghĩa bảo tồn đa dạng sinh học; có cơ hội cho phát triển bền vững vùng; có diện tích đủ lớn; thực hiện đầy đủ 3 chức năng (bảo tồn, phát triển và trợ giúp); có sự tham gia của cộng đồng; có cơ chế quản lý, chính sách, quản trị rõ ràng.

Vượt qua hàng loạt tiêu chí nghiêm ngặt đó, Cao nguyên Kon Hà Nừng đã khẳng định được giá trị cốt lõi. Trong đó, phải kể đến Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (huyện Mang Yang) có mức độ đa dạng sinh học rất cao và là nơi cư trú cuối cùng của một số loài có ý nghĩa quan trọng ở cấp độ toàn cầu. Ngoài ra, còn có các loại thực vật như trầm hương, sao hải nam hay loài động vật chà vá chân xám, vượn đen má hung Trung bộ, gà tiền mặt đỏ, hồng hoàng… Vùng lõi Kon Chư Răng (huyện Kbang) cũng khá ấn tượng với hệ sinh thái hết sức đa dạng, độc đáo.

Ông Nguyễn Hồng Quân - Phó Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng chia sẻ, kết quả điều tra, khảo sát thực địa đến năm 2018 và kế thừa số liệu công bố trước đây của Khu bảo tồn đã xác định có 881 loài và dưới loài thuộc 547 chi, 162 họ thực vật của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong số 228 loài chim được ghi nhận có 20 loài thuộc 11 họ và 10 bộ có giá trị bảo tồn ở mức quốc gia và toàn cầu, chiếm 8,8% tổng số các loài được ghi nhận. Lớp thú có 29 loài thuộc 12 họ và 5 bộ có giá trị bảo tồn ở mức quốc gia và toàn cầu, chiếm 36,3% tổng số các loài được ghi nhận. Nhiều loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam (2007).

Chú thích ảnhHệ động, thực vật tại khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng phong phú, đa dạng với nhiều loại quý hiếm. Ảnh: TTXVN phát

Không chỉ đa dạng các hệ động, thực vật, sinh thái, Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng còn chứa đựng kho tàng di sản văn hóa phong phú và đặc sắc với nhiều đặc trưng nổi bật về các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại đây.

Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai khẳng định, Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng là khu vực hội tụ tính đa dạng sinh học của khu vực dãy Trường Sơn, lưu trữ các giá trị văn hóa, tiến hóa lâu đời, có giá trị bảo tồn, hỗ trợ sinh kế và phát triển.

Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng có đóng góp rất quan trọng trong bảo tồn cảnh quan, hệ sinh thái, các loài và nguồn gen di truyền của Gia Lai thông qua nhiều chương trình bảo tồn nguyên vị đa dạng sinh học ở hai vùng lõi (Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng). Đồng thời, hành lang liên kết giữa hai vùng lõi sẽ mở rộng phạm vi bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên và các giá trị đa dạng sinh học chứa đựng bên trong.

Ở quy mô vùng, Khu dự trữ sinh quyển sẽ tạo nên hành lang đa dạng sinh học duy trì sự toàn vẹn và tổng thể các hệ sinh thái nhiệt đới còn lại của vùng Tây Nguyên nói riêng và của quốc gia nói chung. Khu dự trữ sinh quyển này cũng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và duy trì sự cân bằng sinh thái của không chỉ khu vực Tây Nguyên mà cả khu vực Trung Trung Bộ và Đông Nam Bộ của Việt Nam.

Với ý nghĩa đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên nhấn mạnh, sau khi được công nhận, tỉnh cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của UNESCO nhằm đảm bảo các tiêu chí và chức năng của một khu dự trữ sinh quyển, biến Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng thành mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương, kết nối hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống, giáo dục và nghiên cứu khoa học…
         
Hiện Việt Nam đã có 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận, xếp thứ 2 Đông Nam Á về các quốc gia có nhiều khu dự trữ sinh quyển; xếp thứ 16 trong số các nước có đa dạng sinh học cao nhất thế giới và là một trong 10 trung tâm giàu đa dạng sinh học nhất hành tinh.

Nguồn bài viết