Campuchia cấm nhập khẩu một số loại cá da trơn, người nuôi ở miền Tây lo lắng

3 năm trước 1124
Campuchia cấm nhập khẩu một số loại cá da trơn, người nuôi ở miền Tây lo lắng - Ảnh 1.

Khu vực cửa khẩu Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang nhiều ngày qua đã vắng xe chở cá của các tỉnh, thành ĐBSCL để xuất khẩu qua Campuchia sau khi có lệnh cấm - Ảnh: BỬU ĐẤU

Theo đó, Bộ Nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp Campuchia thông báo các loại cá nuôi như cá tra, cá trê, cá lóc và các loại cá khác mà người Campuchia nuôi được sẽ tạm thời bị cấm nhập khẩu từ các nước láng giềng, cho đến khi có thông báo mới. 

Các công ty kinh doanh thủy sản Campuchia cũng cam kết chỉ thu mua cá nuôi tại địa phương để bảo vệ người nuôi cá nước này.

Lệnh cấm nhập khẩu cá nuôi của Campuchia sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà nuôi trồng thủy sản của Việt Nam. 

Trước đó, ngày 25-12-2020, Ủy ban Khuyến ngư Campuchia kêu gọi các công ty kinh doanh thủy sản tạm ngừng nhập khẩu cá từ Việt Nam, tăng cường thu mua từ ngư dân Campuchia để đối phó với việc giá cá bị sụt giảm mạnh.

Campuchia cấm nhập khẩu một số loại cá da trơn, người nuôi ở miền Tây lo lắng - Ảnh 2.

Thông báo của Campuchia về lệnh cấm nhập khẩu tạm thời do Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia Vũ Quang Minh cung cấp

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông H. - chủ bến tập kết các loại cá ở khu vực cửa khẩu Khánh Bình, huyện An Phú, tỉnh An Giang - cho biết hiện tại Campuchia đã cấm các loại cá da trơn, nhất là cá trê, cá lóc xuất khẩu vào nước này. Nguyên nhân chính là do phía Campuchia đã nuôi được một số loại cá này với số lượng tương đối lớn, nhưng cá Việt Nam xuất sang quá nhiều, dẫn đến người nuôi cá Campuchia thua lỗ.

"Họ cấm mấy ngày nay rồi. Nguyên nhân chính là do cá họ 'đụng hàng' với cá Việt Nam. Nhưng cá Việt Nam bán giá rẻ hơn nên người nuôi cá Campuchia bán không được" - ông H. giải thích.

Theo ông H., khu vực cửa khẩu Khánh Bình được xem là nơi tập trung hàng hóa xuất khẩu sang Campuchia nhiều nhất. Vì đoạn đường từ cửa khẩu Khánh Bình lên thủ đô Phnom Penh của Campuchia chỉ khoảng 70km nên đa số người dân chọn xuất đường này. 

Khu vực cửa khẩu này xuất sang Campuchia dao động từ 400 đến 500 tấn/ngày các loại cá. Riêng cá trê và một số loại cá da trơn khác có trên 100 tấn/ngày.

"Campuchia cấm như vậy thì một số người nuôi cá da trơn chắc chắn bị thiệt hại không nhỏ vì không có nơi tiêu thụ. Khu vực này gần như tập trung xe cá của các tỉnh, thành ĐBSCL đổ về đây để xuất đi. 

Sở dĩ Campuchia cấm là do giá cá trê của Việt Nam chừng 18.000 đồng/kg khi bán vào Campuchia. Còn người Campuchia bán cá trê gần 30.000 đồng. Chính vì vậy người tiêu dùng Campuchia chọn mua cá Việt Nam nên họ bán không được" - ông H. khẳng định.

Campuchia cấm nhập khẩu một số loại cá da trơn, người nuôi ở miền Tây lo lắng - Ảnh 3.

Công nhân lựa cá lóc đưa lên cân để đi Campuchia tại khu vực cửa khẩu Khánh Bình - Ảnh: BỬU ĐẤU

Còn lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang khẳng định: "Việc này chỉ là đề xuất của Hiệp hội Thủy sản Campuchia, nhưng nếu Chính phủ Campuchia áp dụng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc tiêu thụ các sản phẩm thủy sản nuôi của tỉnh An Giang nói riêng và các tỉnh có xuất khẩu sang Campuchia. Còn mức độ thế nào tùy thuộc vào số lượng xuất khẩu mới biết".

Ngành thủy sản muốn trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu top đầu thế giới?Ngành thủy sản muốn trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu tốp đầu thế giới?

TTO - Mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu thủy sản đạt 14 - 16 tỉ USD và giải quyết việc làm cho 3,5 triệu lao động. Đến năm 2045 là ngành kinh tế thương mại hiện đại, trung tâm chế biến thủy sản sâu, thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu thế giới.

Nguồn bài viết