Trẻ dưới 5 tuổi được mẹ đưa đi tiêm ngừa COVID-19 tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia - Ảnh: BANGKOK POST
Chiến dịch tiêm chủng cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi bắt đầu ở thủ đô Phnom Penh. Hàng trăm người xếp hàng bên ngoài các phòng khám để chờ tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ.
"Tôi đưa con mình đi tiêm với hy vọng ngăn sự lây lan của COVID-19. Tôi hy vọng tất cả các bậc phụ huynh cũng sẽ làm như vậy", Heng Davy, một bà mẹ 28 tuổi, chia sẻ khi đang xếp hàng chờ.
Theo báo Bangkok Post, dữ liệu chính thức cho thấy Campuchia đã tiêm chủng cho hơn 90% dân số 16 triệu người. Đây là một trong những tỉ lệ cao nhất của khu vực. Vào tháng 1-2022, quốc gia này đã bắt đầu tiến hành tiêm chủng liều 4 cho các nhóm có nguy cơ cao.
Theo các thông tin đã công bố, Campuchia đang sử dụng vắc xin COVID-19 của các hãng dược Sinovac, Sinopharm và AstraZeneca để tiêm cho người lớn, cũng như trẻ trên 12 tuổi. Bộ Y tế Campuchia cho biết trẻ em từ 6 đến 12 tuổi được tiêm vắc xin Sinovac của Trung Quốc.
Hiện nay, hầu hết các quốc gia vẫn chưa bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em dưới 5 tuổi. Trong tháng 2, Mỹ đã quyết định hoãn kế hoạch này ít nhất 2 tháng để cân nhắc thêm.
Trong khi đó, kể từ ngày 24-2, trẻ em Úc từ 6 đến 11 tuổi sẽ được tiêm vắc xin COVID-19 của hãng dược phẩm Moderna (Mỹ).
Ngày 23-2, Nhóm cố vấn kỹ thuật về tiêm chủng (ATAGI) của Úc thông báo họ đã phê chuẩn quyết định cho phép sử dụng vắc xin Moderna cho trẻ em trong độ tuổi nói trên.
Đây là loại vắc xin ngừa COVID-19 thứ hai được cấp phép sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi tại Úc, sau vắc xin của hãng Pfizer, và là loại đầu tiên đang được tiêm cho tất cả công dân Úc từ 5 tuổi trở lên.
Các nhà chức trách khuyến nghị khoảng cách tiêm phòng giữa hai liều vắc xin Moderna là 8 tuần đối với trẻ em khỏe mạnh, nhưng có thể giảm xuống 3 tuần nếu cần thiết.
Hiện Úc đã phân phối loại vắc xin này tới hơn 4.000 điểm tiêm phòng trên cả nước.