Một người dân Tây Ban Nha được tiêm vắc xin COVID-19 của AstraZeneca - Ảnh: REUTERS
Trong báo cáo doanh thu công bố ngày 30-4, AstraZeneca cho biết tiền kiếm được từ việc bán vắc xin COVID-19 chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu quý 1-2021.
Với doanh thu 275 triệu USD cho 68 triệu liều, trung bình mỗi liều vắc xin AstraZeneca có giá khoảng 4 USD (khoảng 93.000 đồng). Châu Âu vẫn là thị trường lớn của AstraZeneca, với 224 triệu USD. Doanh thu vắc xin tại các thị trường mới nổi đạt 43 triệu USD và 8 triệu USD ở các nước còn lại.
Tổng doanh thu của hãng trong 3 tháng qua là 7,32 tỉ USD, chủ yếu nhờ các loại thuốc điều trị ung thư mới, theo Hãng tin Reuters.
Một phát ngôn viên của AstraZeneca khẳng định hãng đang tiến gần tới việc cung cấp 200 triệu liều vắc xin COVID-19 mỗi tháng kể từ tháng 4. Vị này cũng cam kết sẽ tiếp tục bán vắc xin "không vì mục đích lợi nhuận" trong suốt đại dịch.
Giám đốc điều hành AstraZeneca, ông Pascal Soriot, đã nhắc lại lời hứa này trong một cuộc họp với cổ đông ngày 30-4. Theo ông Soriot, AstraZeneca sẽ duy trì cam kết không vì lợi nhuận đến hết năm 2022.
Sau thời gian trên, hãng có thể sẽ điều chỉnh giá bán riêng cho các nước thu nhập thấp và trung bình, các khu vực khó khăn trên thế giới.
Để tạo ra vắc xin COVID-19, AstraZeneca đã làm việc với nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh). Đây là một trong những vắc xin COVID-19 đầu tiên của thế giới, với ưu thế giá rẻ và dễ vận chuyển.
Vắc xin COVID-19 của AstraZeneca từng được gọi là vắc xin của thế giới, chiếm số lượng lớn trong cơ chế chia sẻ vắc xin COVAX của Tổ chức Y tế thế giới.
Các nhà quan sát dự đoán doanh thu của những công ty dược, đặc biệt những hãng có vắc xin COVID-19 như AstraZeneca sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Giới phân tích dự đoán Pfizer sẽ thu về ít nhất 18 tỉ USD chỉ nhờ vắc xin COVID-19 trong năm nay. Moderna, một hãng khác có vắc xin COVID-19, cũng tự tin dự báo sẽ kiếm được ít nhất 18,5 tỉ USD trong năm 2021.