Bộ Y tế: Đã thỏa thuận hợp đồng 200 triệu liều vắc xin, cuối năm tiêm mũi 3

3 năm trước 224
 Đã thỏa thuận hợp đồng 200 triệu liều vắc xin, cuối năm tiêm mũi 3 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin và giải trình các vấn đề đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận toàn thể về kinh tế xã hội, công tác phòng chống dịch - Ảnh: Quochoi.vn

Theo ông Long, đợt dịch thứ 4 với biến chủng Delta lây lan nhanh, mạnh, có khả năng tăng nặng bệnh, gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, song đến nay nhiều địa phương ở tâm dịch như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An... đã kiểm soát được số ca nhiễm, ca tử vong; dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc được kiểm soát.

Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, bộ trưởng chỉ ra công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn; sự lúng túng, bị động; tổ chức thực hiện tại các địa phương thiếu nhất quán, nhất là việc đi lại của người dân. Hệ thống y tế bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng khi đáp ứng với đại dịch.

Với tinh thần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ông Long chỉ ra những bài học như việc phát huy được thế mạnh của hệ thống chính trị cơ sở, huy động mọi tầng lớp nhân dân; áp dụng nhiều giải pháp chưa có tiền lệ; huy động lực lượng lớn tham gia... 

Thông tin cụ thể hơn về các vấn đề mà đại biểu quan tâm, ông Long cho biết chiến lược vắc xin đã triển khai rất hiệu quả, từ mua, nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất trong nước, tổ chức chiến dịch tiêm chủng...

Theo đó, đến nay, Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới 200 triệu liều; đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều. Đẩy nhanh tốc độ đưa vắc xin về trong cuối năm nay để phục vụ người dân miễn phí.

Tính đến ngày 7-11 đã tiêm được hơn 90 triệu liều với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 liều và hơn 40% số người từ 18 tuổi trở lên tiêm đủ 2 liều. Số lượng vắc xin hiện tại đã đảm bảo bao phủ đủ liều vào cuối năm nay, đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ 3 vào cuối năm nay và đầu năm sau.

"Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vắc xin tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia) và đứng thứ 7 trong châu Á và là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất thế giới tính theo số liều tiêm theo ngày và theo tuần" - ông Long nói.

Ông cũng thông tin thêm là đang tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vắc xin trong nước với 2 loại vắc xin đang thử nghiệm giai đoạn 3, 1 vắc xin đang thử nghiệm giai đoạn 2 cùng với các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia trên thế giới.

Với những bất cập của y tế cơ sở, y tế dự phòng được đại biểu chỉ ra, ông Long cho hay dù đã được đầu tư nhưng hệ thống này còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đáp ứng năng lực phòng, chống dịch.

Do đó, thời gian tới sẽ tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới; cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tăng cường đầu tư, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở.

Đối với việc thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, ông Long cho hay Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128. Đến nay việc triển khai đã được thực hiện cơ bản đồng bộ; các địa phương đã không còn tình trạng phong tỏa trên diện rộng gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống dịch hiệu quả. 

Bộ Y tế hiện cũng đang hoàn thiện chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.

Vấn đề Vấn đề 'nóng' cử tri quan tâm: tự chủ vắc xin

TTO - Hôm nay (ngày 8-11), đợt 2 của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV nhóm họp. Các đại biểu sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội và chất vấn 4 trưởng ngành y tế, giáo dục, lao động, kế hoạch và đầu tư.

Nguồn bài viết