Giá xăng dầu trong nước tăng cao nhất từ trước đến nay tác động đến đời sống của người dân - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Để góp phần ổn định giá xăng dầu trong nước, kiềm chế lạm phát, trước bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Thuế bảo vệ môi trường với xăng được đề xuất giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức 1.000 đồng/lít. Nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít. Dầu diesel được đề xuất giảm từ 1.000 đồng/lít xuống còn 500 đồng/lít. Dầu mazut, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/kg.
Bộ Tài chính cho rằng trường hợp nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành trong tháng 7 thì mức thuế đề xuất nêu trên được áp dụng kể từ ngày 1-8 cho đến hết năm nay.
Từ ngày 1-1 năm sau, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng là 4.000 đồng/lít, dầu diesel 2.000 đồng/ lít… như quy định tại nghị quyết 579 năm 2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đánh giá tác động của đề xuất nêu trên, Bộ Tài chính ước tính ngân sách sẽ giảm thu khoảng 1.400 tỉ đồng/tháng.
Bộ Tài chính nhận định xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất nên sự biến động giá xăng dầu sẽ tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Do đó việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ hỗ trợ nền kinh tế và người dân cùng doanh nghiệp.
Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ góp phần giảm giá các mặt hàng này, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn cũng như giảm các chi phí gián tiếp từ các sản phẩm tiêu dùng khác.
Đối với các ngành sản xuất, cũng như các doanh nghiệp có sử dụng đầu vào là xăng dầu sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi chính sách được ban hành như ngành vận tải, ngành hàng không...