Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa khai thác nhưng đã đến kỳ trả nợ theo hiệp định vay vốn - Ảnh: TUẤN PHÙNG
Chính phủ cho biết như vậy trong báo cáo vừa gửi Quốc hội về tình hình triển khai các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM.
Với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Chính phủ cho biết, do dự án chậm hoàn thành bàn giao cho Hà Nội, UBND TP chưa tiếp nhận và thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc khoản vay lại theo cơ chế tài chính đã được phê duyệt.
Vừa qua, đến kỳ trả nợ gốc khoản vay lại của các hiệp định vay, Bộ Tài chính đã ứng từ quỹ tích lũy để trả nợ theo cam kết của Chính phủ tại các hiệp định vay đã ký.
Hiện nay, Thủ tướng đang chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thành thủ tục để bàn giao dự án cho UBND TP Hà Nội, làm cơ sở chuyển giao khoản nợ để TP Hà Nội thực hiện trả nợ theo cơ chế tài chính của dự án.
Đồng thời, theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Thủ tướng đề xuất báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung danh mục "Trả nợ gốc các hiệp định vay của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông" trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Giao thông vận tải để trả nợ gốc khoản vay lại của dự án.
Chính phủ cho biết dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành toàn bộ phần xây dựng, lắp đặt thiết bị và vận hành thử toàn hệ thống theo tiêu chuẩn dự án vào tháng 12-2020. Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành công tác nghiệm thu tổng thể công trình vào ngày 24-3-2021. Dự án đã được cấp chứng nhận an toàn hệ thống, đủ điều kiện để bàn giao đưa vào vận hành khai thác.
Sau khi có ý kiến chấp thuận của Hội đồng kiểm tra nhà nước, Bộ Giao thông vận tải sẽ bàn giao dự án cho UBND TP Hà Nội tiếp nhận, vận hành khai thác theo quy định.
Báo cáo Quốc hội, Chính phủ cũng nhìn nhận việc chậm tiến độ hoàn thành dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông để bàn giao cho UBND TP Hà Nội đưa vào khai thác sử dụng gây ra những dư luận không tốt về dự án.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại, thời gian qua Thủ tướng đã trao đổi, làm việc với lãnh đạo Chính phủ Trung Quốc, bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng đã làm việc với đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam, với tham tán thương mại Đại sứ quán Trung Quốc, đồng thời định kỳ hằng tuần làm việc với tổng thầu nhằm thúc đẩy tiến độ dự án.
Metro Bến Thành - Suối Tiên khó khai thác đầu năm 2022
Báo cáo của Chính phủ cũng điểm lại quá trình thực hiện 5 dự án đường sắt đô thị khác tại Hà Nội và TP.HCM do Bộ Giao thông vận tải và 2 thành phố làm chủ đầu tư.
Đặc điểm chung là dự án nào cũng chậm trễ, tăng tổng mức đầu tư. Không ít dự án đã thi công gặp tình huống làm phát sinh chi phí bổ sung, nhà thầu yêu cầu tăng chi phí do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan…
Thậm chí có dự án do chậm trễ trong giải phóng mặt bằng khiến nhà thầu yêu cầu bồi thường như tại gói thầu CP03 dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, nhà thầu HGU gửi 3 khiếu nại bồi thường với tổng chi phí 114,7 triệu USD. Nếu không thanh toán nhà thầu sẽ khiếu nại lên trọng tài quốc tế…
Với dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên ở TP.HCM, ngoài những khó khăn do dịch COVID-19, vẫn còn vướng mắc về vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương… Qua đánh giá những vướng mắc, khó khăn, Chính phủ nhận định việc hoàn thành thi công dự án trong năm 2021, đưa vào khai thác đầu năm 2022 khó có thể khả thi.