Bộ trưởng Lê Minh Hoan - Ảnh: C.TUỆ
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan nhấn mạnh như vậy khi trả lời Tuổi Trẻ Online trong dịp Tết Nhâm Dần 2022.
Xây dựng đề án xuất khẩu nông sản
* Ngành nông nghiệp có một năm "vượt khó", xuất khẩu nông sản đạt kỷ lục 48,6 tỉ USD, bộ trưởng có đánh giá gì với những giải pháp mà toàn ngành nỗ lực thực hiện trong năm qua?
- Thời điểm tháng 9, tháng 10-2021, khi đó các tỉnh thành phía Nam giãn cách xã hội do dịch COVID-19 làm đứt gãy cả một chuỗi ngành hàng nông sản. Từ sản xuất, chế biến và hệ thống phân phối bị ngưng trệ, tới thị trường xuất khẩu nhưng chúng ta cũng không hình dung rằng chúng ta đã vượt qua và hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Điều đó nói lên sự năng động, thích ứng, nhanh nhạy không chỉ là trong bộ máy quản lý chuyên ngành nông nghiệp từ trung ương đến địa phương mà cả sự năng động, chống chịu của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc kết nối doanh nghiệp để giữ vững thị trường để phục hồi nhanh trong những tháng cuối năm.
Chúng ta cũng tự hào với hơn 10 triệu dân bị giãn cách nhưng thực phẩm cũng đến được từng ngôi nhà mặc dù một vài thời điểm thiếu cục bộ vài nơi. Thế nhưng nhìn chung chúng ta không bị thiếu ăn. Từ đó khẳng định lại lần nữa vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp trong lúc kinh tế đất nước gặp khó khăn.
* Qua đại dịch COVID-19, bộ trưởng thấy ngành nông nghiệp cần khắc phục những hạn chế, bất cập gì?
- Tôi hay nói trong đại dịch COVID-19 chúng ta rút ra được bài học gì mới quan trọng. Những điều chúng ta xem như là xử lý tình huống thì trong giai đoạn tới nó sẽ bổ sung cho chúng ta một quy trình, quy chế, những kịch bản để có thể ứng phó linh hoạt ở bất kỳ tình huống nào.
Như chuỗi cung ứng, chúng tôi không đẩy mạnh sản xuất tập trung vào xác định thị trường, quy mô trong từng thời điểm để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp. Đồng thời đầu tư nhiều hơn cho chuỗi cung ứng, hệ thống kho bãi, cơ sở phân loại, bảo quản, chế biến để khi đứt gãy chúng ta có chỗ giữ lại, nơi giữ lại tạo giá trị gia tăng cao hơn.
Trong chương trình phục hồi kinh tế của Chính phủ vừa qua chúng tôi đã đề xuất và được chấp nhận đầu tư cho chuỗi logistics ngành hàng nông nghiệp ở trong nước để làm nền tảng để giữ vững thị trường trong nước vừa có thể tham gia xuất khẩu chủ động hơn, ít bị lệ thuộc hơn.
Bên cạnh đó là thông tin dữ liệu, tôi hay nói nông nghiệp chúng ta là một nền nông nghiệp mù mờ, mà mù mờ trong lúc bình thường đã khó rồi, khi có nhiều yếu tố tác động tới làm mù mờ hơn thì sẽ dễ bị đứt gãy, thừa chỗ này, thiếu chỗ kia, sự điều phối sẽ không đúng lúc, đúng nơi, đúng chỗ.
Do đó, chuyển đổi số trong nông nghiệp để xây dựng cơ sở dữ liệu từ đầu cung cho tới đầu cầu và thông qua cơ sở dữ liệu đó thì ngành nông nghiệp sẽ phát huy vai trò điều phối.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm vườn vải thiều ở Thanh Hà, tỉnh Hải Dương - Ảnh: C.TUỆ
*Bộ trưởng có giải pháp gì để xuất khẩu nông sản bền vững hơn, tăng giá trị cao hơn trong năm 2022 và những năm tới?
- Khi tôi đi qua châu Âu và khi tiếp xúc với các vị đại sứ thì mới phát hiện ra một điều rằng xuất khẩu của chúng ta có tăng nhưng mà thiếu bền vững. Chủ yếu là sự năng động của doanh nghiệp mình với một kết nối được các doanh nghiệp của nước ngoài rồi đưa hàng sang chứ chưa có một chiến lược hay một đề án mang tính chất xuất khẩu một cách bền vững cho từng loại thị trường, kể cả một cách để xâm nhập vào thị trường.
Đa phần nông sản của Việt Nam trong thời gian ở những cửa hàng gốc Á hoặc cửa hàng của người Việt ở đó chứ chưa thâm nhập vào các hệ thống phân phối lớn của các quốc gia. Bởi vậy, mặc dù giá trị xuất khẩu tăng nhanh, nhưng chưa có tính bền vững.
Hiện Bộ NN&PTNT đang tham vấn các đại sứ quán, thương vụ nước ngoài, trước mắt là khối EU và Trung Quốc để xây dựng đề án xuất khẩu nông sản bền vững, không để tới mùa vụ chúng ta mới thu gom để xuất khẩu, mà phải khởi tạo được vùng nguyên liệu chuẩn hóa.
Chúng ta phải bắt đầu từ vùng nguyên liệu tại địa phương, người nông dân chuẩn hóa theo quy trình canh tác và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với yêu cầu của thị trường. Nếu nông sản không sạch thì chế biến cũng không sạch theo. Kể cả các doanh nghiệp, đơn vị logistics cũng phải tham gia vào, để tạo ra giá trị cạnh tranh nhiều hơn.
Khi đề án xuất khẩu nông sản bền vững được triển khai, tôi nghĩ chúng ta không chỉ xuất khẩu được 48,6 tỉ USD, mà sẽ vượt cao hơn và bền vững.
Linh hoạt sử dụng đất trồng lúa
* Cuối năm 2021, Quốc hội quyết giữ hơn 3,5 triệu hecta đất trồng lúa, trước khi thông qua thì có những tranh luận sẽ không hợp lý nếu như để ĐBSCL gánh gạo mãi. Là người con ở miền Tây, bộ trưởng có bình luận gì về vấn đề này?
- Quốc hội thông qua nghị quyết quy hoạch sử dụng đất quốc gia tới năm 2030, trong đó có 3,5 triệu hecta đất trồng lúa thì người ta nghĩ ngay tới vùng trồng lúa lớn nhất là ĐBSCL. Tuy nhiên, trong quy hoạch 3,5 triệu hecta đất trồng lúa thì có từ linh hoạt chứ không phải chỉ trồng lúa.
Bộ NN&PTNT khuyến khích sản xuất lúa để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia nhưng cũng khuyến khích những sự chuyển đổi linh hoạt để tạo ra giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích.
Tôi đi thăm một mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá linh ở Đồng Tháp thì chính bà con nông dân nói nếu làm 3 vụ lúa thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm, nhưng khi chuyển đổi giữa trồng lúa và nuôi cá linh thì thu nhập 250 triệu đồng/năm.
Mô hình này tương tự như những mô hình lúa tôm ở Cà Mau, Bạc Liêu. Đó là những mô hình tích hợp đa giá trị trên một đơn vị diện tích, nó tạo ra cái quan trọng là sản lượng hay là cái thu nhập của người nông dân.
Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, từ ngữ, mô hình thực tế của các địa phương để đánh giá một cách toàn diện hơn để chuyển đổi từ sản xuất lúa ở các tỉnh miền Tây trở thành những mô hình xen canh tạo ra giá trị cao hơn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã đến khảo sát tình hình sản xuất, tiêu thụ khoai lang tại huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long - Ảnh: CHÍ HẠNH
* Để duy trì đà tăng trưởng trong năm 2022, ngành nông nghiệp sẽ làm gì để đạt được các mục tiêu đã đề ra, thưa bộ trưởng?
- Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục làm đậm nét hơn, rõ hơn và sâu sắc hơn về chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Khi chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp thì một ngành hàng nào đó có thể bị giảm thứ hạng nhưng mang lại giá trị gia tăng và thu nhập thực tế cho nông dân cao hơn.
Chúng tôi cũng phải giải quyết được bài toán nghịch lý là tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp không đồng nhất với thu nhập của người nông dân. Lẽ ra hai đường này phải đi song song nhau nhưng một đường đi nhanh, một đường đi chậm. Đây là điều mà tôi rất ưu tư.
Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đang được xây dựng sẽ phải giải quyết bài toán tăng trưởng và tăng thu nhập cho người nông dân phải đi song hành với nhau thì mới mang lại thành tựu "kép".