Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Doanh nghiệp đừng chờ giá lúa xuống đáy rồi mới mua

3 năm trước 239
 Doanh nghiệp đừng chờ giá lúa xuống đáy rồi mới mua - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các doanh nghiệp không chờ lúa hạ giá thêm nữa rồi mới mua - Ảnh: V.GIANG

Kết luận cuộc họp trực tuyến về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra sáng 7-8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh phải xử lý "bài toán" giá lúa gạo cho người nông dân.

Tàu hàng nước ngoài đang chờ, nhưng ta thì "không vội"

Tại cuộc họp, ông Trần Anh Thư, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết giá lúa hè thu chính vụ thường sẽ giảm so với lúa thu đông khoảng 1.000 đồng/kg. Do lúa hè thu thường có chất lượng thấp hơn, chi phí vận chuyển logistics, chế biến tăng lên nên các doanh nghiệp có xu hướng mua lúa hè thu giá thấp hơn lúa các vụ khác.

"Các doanh nghiệp cũng cam kết với tỉnh, nông dân mua lúa nhưng họ chờ cho giá lúa xuống đáy rồi mới mua để có hiệu quả cao hơn. Do đó, cần phải khắc phục tâm lý chờ đợi của các doanh nghiệp" - ông Thư nói.

Ông Thư cũng đề nghị các tỉnh ĐBSCL phải thống nhất các phương tiện thu mua lúa gạo của nông dân ở các địa phương trong vùng ĐBSCL chỉ cần gắn mã nhận diện, người điều khiển phương tiện âm tính là cho đi qua.

Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết hiện nay, cảng Cát Lái đang ách tắc nên hàng hóa dồn vào cảng ở Cần Thơ và An Giang, hiện có 23 tàu "ăn hàng" của các nước nằm ở phao số 0, trong khi đó việc phối hợp của chúng ta rất chậm trễ.

"Chỉ tháo gỡ được phương tiện logistics này thì chúng ta mới tháo gỡ được ách tắc gạo trong kho, gỡ được dòng vốn thì doanh nghiệp mới mua lúa được" - ông Thư nói và kiến nghị cho các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng để tích trữ lúa vào kho.

Ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng nông dân - thương lái - doanh nghiệp là chuỗi mắt xích không thể tách rời trong chuỗi cung ứng lúa gạo.

"Cần đẩy mạnh thu mua tạm trữ lúa của vụ hè thu, bởi nếu không khắc phục kịp sẽ ảnh hưởng đến sản lượng lúa vụ thu đông" - ông Bình đề nghị.

Đại diện Tập đoàn Lộc Trời cam kết sẽ thu mua một số giống lúa cho dân với giá ổn định, không để rớt giá, cam kết không tăng giá vật tư nông nghiệp trong năm 2021 và cung cấp đầy đủ vật tư nông nghiệp cho các hợp tác xã sản xuất lúa thu đông, đảm bảo tiến độ giao hàng xuất khẩu và nội địa.

 Doanh nghiệp đừng chờ giá lúa xuống đáy rồi mới mua - Ảnh 2.

Thu hoạch lúa ở Hậu Giang - Ảnh: CHÍ CÔNG

Ưu tiên doanh nghiệp tạm trữ

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, nhu cầu gạo trên thế giới vẫn rất cao nhưng hiện nay đang bị đứt gãy ở các chuỗi.

Do đó ông Hải cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương phải lập tức vào cuộc tháo gỡ từng khâu từ người nông dân cho đến khi hàng lên tàu để tháo gỡ vấn đề giá lúa.

Về tạm trữ gạo quốc gia hay doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng trước mắt nên ưu tiên cho doanh nghiệp vì doanh nghiệp tháo gỡ được thì khó khăn của người nông dân cũng được giải quyết.

Ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, khẳng định chính sách ưu tiên vốn tín dụng cho ngành hàng lúa gạo đã có.

"Ngân hàng Nhà nước khẳng định nguồn vốn không thiếu. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại mở thêm các hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp, cơ cấu lại nợ, lãi đến hạn của các doanh nghiệp lúa gạo do tác động của dịch chưa trả được" - ông Tú nói.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngành hàng lúa gạo ĐBSCL không phân chia theo địa giới hành chính mà một chuỗi nên chỉ cần mắc ở một cung đường thì sẽ ùn ứ. Dù các tỉnh đều nói tạo điều kiện nhưng các chốt kiểm soát ở huyện, xã không thực hiện như vậy.

"Tinh thần của Thủ tướng ‘không ngăn sông cấm chợ’ nhưng rõ ràng hiện nay vẫn còn những vướng mắc. Do đó, đề nghị các địa phương ngồi lại để tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong liên kết ngành hàng lúa gạo để sản xuất, lưu thông tốt nhất" - ông Hoan nói.

Ông Hoan cũng cho biết Thủ tướng chuẩn bị ban hành chính sách hỗ trợ cho tất cả doanh nghiệp, do đó tất cả doanh nghiệp yên tâm với chính sách của Chính phủ.

Ông Hoan đề nghị Bộ Công thương có giải pháp để 'kìm hãm' giá vật tư nông nghiệp, hoặc có thông điệp cam kết không tính lãi suất, cho tạm ứng,... như Tập đoàn Lộc Trời thì người nông dân có cảm giác doanh nghiệp đồng hành trong sản xuất.

"Các doanh nghiệp cần phát huy tinh thần hỗ trợ tích cực mua lúa gạo cho nông dân, không chờ lúa hạ giá xuống đáy nữa rồi mới mua. Đây cũng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cũng như cơ hội để xây dựng hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp" - ông Hoan nói.

Lúa miền Tây đầy đồng nhưng vắng người mua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất lên Chính phủLúa miền Tây đầy đồng nhưng vắng người mua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất lên Chính phủ

TTO - Giá lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm sâu không phải do cung cầu mà do đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng từ ngoài đồng đến nhà máy, giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng.

Nguồn bài viết