Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Cửa khẩu không có hạ tầng, khi có sự cố rất rủi ro'

2 năm trước 191
 Cửa khẩu không có hạ tầng, khi có sự cố rất rủi ro - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng việc đầu tư hạ tầng ở cửa khẩu càng chậm thì việc xuất khẩu nông sản càng bất lợi - Ảnh: CHÍ TUỆ

Sáng 28-12, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ninh về dự án Trung tâm giao dịch nông lâm thủy sản châu Á - Thái Bình Dương (dự án) tại thành phố Móng Cái.

Đại diện Công ty cổ phần Thành Đạt (chủ đầu tư dự án) cho biết dự án có diện tích 95,3ha, với quy mô khối lượng hàng hóa dự kiến khoảng 3 triệu tấn/năm.

"Dự án này tiếp giáp với cửa khẩu Đông Hưng được phê duyệt là 1 trong 16 trung tâm logistics lớn nhất của Trung Quốc và nước bạn xác định là 1 trong 5 cửa khẩu nhập hoa quả chính yếu của Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á" - đại diện Công ty Thành Đạt nói về sự cần thiết đầu tư dự án.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết tình trạng ùn ứ ở các cửa khẩu sang Trung Quốc là mối quan tâm rất lớn của Chính phủ, doanh nghiệp và người nông dân. Do đó, cần phải có một tổ hợp đa chức năng để tập kết, bảo quản, sơ chế, bao gói phục vụ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Qua thực tế kiểm tra tại Quảng Ninh, ông Hoan cho rằng, nếu không có một trung tâm giao dịch nông lâm thủy sản đa chức năng thì dễ dẫn đến tình trạng càng sản xuất, càng rủi ro lớn do hàng hóa bị ùn ứ như đang diễn ra tại các cửa khẩu.

Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có báo cáo Thủ tướng về việc Quảng Ninh, doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư xây dựng và người đứng đầu Chính phủ rất hoan nghênh và giao cho Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hỗ trợ, định hướng giúp Quảng Ninh.

 Cửa khẩu không có hạ tầng, khi có sự cố rất rủi ro - Ảnh 2.

Một góc ở cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) - Ảnh: T. ĐẠT

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thành, cho biết Quảng Ninh cũng xác định Trung Quốc là thị trường rất quan trọng và lớn, nhưng hiện nay việc tiếp cận chúng ta còn bị động.

"Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19, nước bạn kiểm soát dịch chặt chẽ, nếu không có tính toán để hoàn thiện hệ thống logistics thì khó có thể chủ động việc xuất khẩu và bảo đảm giá cả nông sản cho người nông dân" - ông Thành chia sẻ.

Theo đại diện Công ty Thành Đạt, dự án này đã chậm 3 năm và đến nay vẫn chưa được phê duyệt xây dựng do dự án này thuộc đề án "Phát triển hệ thống trung tâm cung ứng nông sản hiện đại của Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2030" mà Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang lấy ý kiến, hiện Chính phủ chưa thông qua.

Do đó, đơn vị này đề xuất Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho đơn vị được điều chỉnh lập quy hoạch dự án - ủy quyền cho UBND tỉnh Quảng Ninh thẩm định phê duyệt và chủ động tự bỏ chi phí ra để xây dựng trước. Đồng thời chủ động xây dựng, đẩy nhanh tiến độ dự án mà không phụ thuộc vào thời gian phê duyệt của đề án.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng khi có trung tâm nông sản ở cửa khẩu sẽ giảm rủi ro cho doanh nghiệp, bà con nông dân. Khi triển khai được ở Quảng Ninh thì sẽ tiếp tục hướng tới Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai,… Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ phối hợp với tỉnh Quảng Ninh và các bộ ngành liên quan tiếp tục xin ý kiến Thủ tướng để triển khai dự án trong thời gian sớm nhất.

 Tiến tới thôi xuất tiểu ngạchNông sản qua Trung Quốc: Tiến tới thôi xuất tiểu ngạch

TTO - Không chỉ ùn ứ nông sản ở Lạng Sơn, ngày 22-12 phía Trung Quốc đóng thêm cửa khẩu ở Móng Cái (Quảng Ninh).

Nguồn bài viết