Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh yêu cầu thanh kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ - Ảnh: N.K
Nhấn mạnh trên được Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đưa ra tại cuộc họp về đảm bảo cung ứng xăng dầu của thị trường trong nước chiều 9-2.
Trước nhiều ý kiến tại cuộc họp cho rằng việc "lỡ nhịp" điều hành xăng dầu ngày 1-2 (vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán) là một trong những nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp thua lỗ, không mặn mà kinh doanh xăng dầu, nên dẫn tới tình trạng đóng cửa, tạm ngừng hoạt động ở nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu, ông Diên cho hay sẽ có kiến nghị Chính phủ để có biện pháp điều chỉnh phù hợp trong điều kiện cung cầu thị trường, giá cả diễn biến bất thường.
"Chỉ còn 2 ngày nữa đến kỳ điều hành mới, kỳ này sẽ công bố điều chỉnh giá vào ngày 11-2. Tuy nhiên, ở các kỳ tiếp theo báo cáo linh hoạt hơn, không nhất thiết 10 ngày, mà có thể 3 ngày - 5 ngày điều chỉnh cho phù hợp" - ông Diên cho hay.
Theo đó, trong chỉ đạo, bộ trưởng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước và Cục Xuất nhập khẩu nắm chắc diễn biến thị trường thế giới, tham mưu các bộ ngành liên quan điều hành giá xăng dầu trong nước để tiệm cận với giá thế giới trong điều kiện bất thường, giá thế giới tăng cao và bất khả kháng với biên độ dày hơn khi được cho phép của Chính phủ.
Nhắc lại kỳ điều hành ngày 1-2 vừa qua, ông Diên cho rằng cần thống nhất là việc điều chỉnh giá xăng dầu trước hết phải theo đúng chu kỳ đã quy định. Cũng bởi thị trường không phân biệt ngày thường hay ngày Tết nên phải điều hành đúng kỳ.
Ông cũng lưu ý với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đã là kinh doanh thì khi lỗ khi lãi là chuyện bình thường. Những đơn vị được cấp phép hoạt động thì ngoài việc kinh doanh lấy lãi còn là nhiệm vụ chính trị. Đối với doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, bán lẻ nếu đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, viện cớ thì cần dứt khoát rút phép.
Theo đó, ông yêu cầu Vụ Thị trường trong nước cùng Thanh tra bộ tham mưu cho lãnh đạo bộ thành lập đoàn thanh tra để tổng kiểm tra rà soát các doanh nghiệp đầu mối có chức năng nhập khẩu xăng dầu, yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động đúng với nội dung trên giấy phép và phải góp phần tích cực đảm bảo nguồn cung xăng dầu (tính cả nguồn trong nước và nhập khẩu), đáp ứng nhu cầu nền kinh tế. Trong quá trình kiểm tra, vừa thanh tra theo kế hoạch và có những cuộc thanh tra đột xuất trên phạm vi cả nước.
"Đề nghị Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thành lập đoàn thanh tra cơ động, tiến hành thanh kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối, phân phối, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên phạm vi cả nước", bộ trưởng chỉ đạo. Với các doanh nghiệp kinh doanh, kiên quyết đình chỉ, tạm đình chỉ, rút giấy phép nếu từ 6 tháng trở lên mà không nhập khẩu xăng dầu để cung ứng cho thị trường.
"Đề nghị lãnh đạo địa phương làm luôn việc này, để có báo cáo trở lại đến ngày 20-2, bất luận doanh nghiệp đó là ai. Doanh nghiệp yếu thì thanh lọc luôn, không làm được thì đứng sang một bên, chứ không thể được cấp phép mà không làm, tạo nhu cầu ảo cho xã hội, mượn chức năng ấy để đi làm việc khác, thì phải dứt khoát rút phép" - ông Diên nói.