Bộ Giao thông vận tải kiến nghị chấp thuận kết quả nghiệm thu đường sắt Cát Linh - Hà Đông

3 năm trước 236
Bộ Giao thông vận tải kiến nghị chấp thuận kết quả nghiệm thu đường sắt Cát Linh - Hà Đông - Ảnh 1.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được vận hành 50% công suất thiết kế trong giai đoạn đầu - Ảnh: T.H

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, đến nay cơ quan thường trực Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng vẫn đang tập hợp, nghiên cứu tất cả hồ sơ có liên quan và triển khai các công việc để bảo đảm các điều kiện cho hội đồng làm việc theo quy định.

Điều này đồng nghĩa với việc các bên liên quan phải tiếp tục chờ kết luận cuối cùng từ Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng, trước khi đưa dự án vào khai thác, vận hành thương mại.

Trước đó, trong báo cáo vừa gửi tới Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng, Bộ Giao thông vận tải cho biết năng lực tối đa theo thiết kế của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông là 24 đoàn tàu cùng hoạt động với giãn cách tối thiểu 2, 3 phút/chuyến.

Thiết kế vận hành giai đoạn ban đầu như hiện nay là 10 đoàn tàu hoạt động trên tuyến với giãn cách 6 phút/chuyến. Điều này đồng nghĩa với việc khi đưa vào khai thác hiện nay cũng chỉ khai thác chưa đến 50% năng lực tối đa theo thiết kế.

Theo Bộ Giao thông vận tải, có thể đưa công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác mà không cần giảm chỉ tiêu nào, dù vẫn còn một số tồn tại được tư vấn ATC phát hiện, khuyến cáo cải tiến nâng cao trong quá trình khai thác.

Liên quan tới 16 cảnh báo nguy cơ mất an toàn đường sắt Cát Linh - Hà Đông được tư vấn ATC khuyến cáo, Bộ Giao thông vận tải cho biết theo tiêu chuẩn châu Âu EN 50126-1:1999 và các tiêu chuẩn tương đương, việc đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống dự án đường sắt đô thị xây dựng mới được thực hiện theo quy trình vòng đời của hệ thống gồm 14 giai đoạn.

Đó là lên ý tưởng, xác định hệ thống và các điều kiện khai thác, phân tích rủi ro, các yêu cầu hệ thống, phân chia các yêu cầu hệ thống, thiết kế và thi công, chế tạo và sản xuất, lắp đặt, chấp nhận an toàn và chạy thử, nghiệm thu hệ thống, vận hành và bảo dưỡng, giám sát hoạt động, hoán cải và cải tiến, ngừng hoạt động và hủy bỏ.

Đây được coi là quy định chứng minh độ tin cậy, tính sẵn sàng, khả năng bảo dưỡng và độ an toàn (RAMS) của một hệ thống đường sắt đô thị chuẩn châu Âu.

Theo quy trình này, từ khi lên ý tưởng dự án đường sắt đô thị, chủ đầu tư phải xác định yêu cầu an toàn làm căn cứ cho các nhà thầu, nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà tích hợp lập hồ sơ an toàn khi tham gia dự án.

Nhưng trước năm 2020, các dự án đường sắt đô thị tại Trung Quốc chỉ thực hiện đánh giá an toàn hệ thống tín hiệu, không đánh giá an toàn các hệ thống khác. Và dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đánh giá theo tiêu chuẩn này.

Tháng 1-2021, Công ty TNHH Ricardo Thượng Hải đã thực hiện đánh giá an toàn hệ thống tín hiệu đường sắt Cát Linh - Hà Đông và cấp xác nhận hệ thống tín hiệu đủ điều kiện an toàn đưa vào khai thác chở khách.

Từ năm 2020 Trung Quốc đã ban hành tiêu chuẩn mới GB/T 38707-2020 quy định về kỹ thuật cho vận hành khai thác đường sắt đô thị. Tiêu chuẩn này áp dụng từ tháng 10-2020 cho cả hệ thống đường sắt nhẹ và đường sắt chạy ngầm dưới lòng đất của Trung Quốc.

Tiêu chuẩn GB/T 38707-2020 của Trung Quốc vừa ban hành tương đồng với tiêu chuẩn châu Âu EN 50126-1:1999. Theo đó, một dự án đường sắt đô thị phải bảo đảm các yêu cầu an toàn 14 giai đoạn, chịu được tải trọng quy định, trong mọi tình huống vận hành không gây ra nguy hại, đe dọa đến sức khỏe, an toàn của người sử dụng.

Phải đào tạo thêm nhân viên vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Trong văn bản 2139 vừa gửi tới Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng, TP Hà Nội đồng ý với giải pháp khắc phục 9/16 khuyến cáo của tư vấn ACT về đánh giá an toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Nhưng TP Hà Nội cho rằng hồ sơ dự án không bố trí chức danh nhân viên hỗ trợ an toàn trên tàu, đồng thời theo khuyến cáo của tư vấn phải đào tạo gấp đôi số lượng nhân viên an toàn ke ga. Vì vậy, TP Hà Nội đề nghị chủ đầu tư đào tạo thêm nhân viên vận hành tuyến đường sắt theo khuyến cáo của tư vấn ACT.

'Đường sắt Cát Linh - Hà Đông hứa rồi để kéo dài mãi là không được'

TTO - Phó thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định như vậy tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông quý 1-2021 và phương hướng, nhiệm vụ quý 2-2021 sáng 9-4.

Nguồn bài viết