Người dân đổ xăng E5RON92 tại một cây xăng ở quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: NHẬT THỊNH
Trước phản ánh của báo Tuổi Trẻ về thực tế tiêu thụ xăng E5RON92 giảm mạnh, Bộ Công thương chính thức có phản hồi, trong đó xác nhận: "Lượng xăng E5 tiêu thụ trên thị trường chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng, xăng E10 chưa được lưu thông trên thị trường theo như lộ trình mà quyết định số 53/2012 của Thủ tướng về việc sản xuất, phối chế, kinh doanh xăng E5, E10 đề ra".
Có chính sách thúc đẩy tiêu thụ
Dẫn số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết trong năm 2020, lượng xăng E5RON92 tiêu thụ trong nước đạt khoảng 2,5 triệu m3 (tương đương 208.300 m3/tháng), chiếm tỉ lệ khoảng 32% tổng lượng xăng tiêu thụ. Riêng 9 tháng đầu năm 2021, lượng xăng E5RON92 tiêu thụ đạt khoảng 1,67 triệu m3 (tương đương 185.500 m3/tháng), chiếm khoảng 31,4% tổng lượng xăng tiêu thụ trong nước.
"Có thể thấy, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu đi lại, tiêu dùng của người dân giảm xuống nên lượng xăng E5RON92 cũng như tổng lượng xăng, gồm cả xăng RON95 tiêu thụ trong nước thời gian qua có giảm so với năm 2020" - vị này giải thích.
Trong khi đó, theo đại diện Vụ Khoa học công nghệ (Bộ Công thương), tỉ lệ sử dụng xăng E5, E10 chưa đạt được mong muốn là do việc chuyển đổi thói quen và tâm lý người tiêu dùng đòi hỏi nhiều thời gian và công sức.
Hơn nữa, chính sách về giá cả chưa linh hoạt, kịp thời ứng biến đối với sự thay đổi về giá cả dầu mỏ để tạo sự chênh lệch về giá cần thiết nhằm khuyến khích các đầu mối, đại lý, tổng đại lý và các cửa hàng xăng dầu đầu tư kinh doanh xăng E5. Trong khi đó, việc phổ biến, tuyên truyền chưa rộng khắp và thường xuyên để làm thay đổi thói quen, nhận thức, hiểu được lợi ích cũng như tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.
Dù vậy, Bộ Công thương vẫn khẳng định hiệu quả bảo vệ môi trường của xăng E5RON92, khi cho rằng động cơ sử dụng xăng sinh học E5 tạo ra rất ít khí thải CO và hydrocarbon (HC), ít hơn hẳn các loại xăng khoáng thông dụng như A92 và A95 trung bình tới 20%; cũng như giảm đáng kể các khí thải gây ô nhiễm môi trường như khí CO (giảm 27,76%), HC (giảm 16,23%)... so với các loại xăng khoáng thông thường.
Do đó, Bộ Công thương cho hay sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp để thúc đẩy tiêu thụ sản lượng E5RON92 trên thị trường như thông tin tuyên truyền để người tiêu dùng yên tâm, thấy rõ được lợi ích khi sử dụng xăng E5 nói riêng, nhiên liệu sinh học nói chung. Cải cách chính sách về giá đối với nhiên liệu sinh học để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5.
Đặc biệt, bộ này khẳng định sẽ đánh giá tổng thể, toàn diện toàn bộ lộ trình thực hiện theo quyết định 53 về nguồn nguyên liệu, công nghệ sản xuất ethanol, pha chế, phân phối... để đề xuất Chính phủ thay đổi lộ trình cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.
Chuyển đổi sang E10, bỏ E5?
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Hữu Tuyến, giám đốc Trung tâm nghiên cứu động cơ - nhiên liệu và khí thải (Trường đại học Bách khoa Hà Nội), cho rằng trong khi nghiên cứu đề xuất thay đổi lộ trình, việc "nâng chuẩn" với xăng sinh học E5 là hoàn toàn khả thi. Bởi hoàn toàn có thể sử dụng xăng nền là xăng khoáng RON92 mức 2, hoặc xăng RON95 mức tiêu chuẩn khí thải cao hơn (mức 3, 4, 5) để pha trộn tạo nên xăng sinh học.
"Việc pha trộn xăng E5 với xăng nền có tiêu chuẩn cao hơn sẽ mang lại lợi ích, hiệu quả bảo vệ môi trường tốt hơn, giúp giảm thành phần phát thải HC và CO ra môi trường" - ông Tuyến nói và cho rằng việc khuyến khích sử dụng xăng sinh học là cần thiết và phù hợp với xu hướng của thế giới, khi nhiều nước đã đưa vào sử dụng xăng E5 và hiện nay phổ biến là E10.
Tuy nhiên, theo ông Tuyến, đến nay Việt Nam mới triển khai được xăng sinh học E5, trong khi xăng E10 chưa được đưa ra thị trường, đặt ra bài toán cần phải có tác động chính sách để khuyến khích cả người sản xuất, người bán hàng và tiêu dùng thông qua cơ chế thuế, phí và có mức giá hấp dẫn để kích thích người dùng.
TS Hoàng Dương Tùng, chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cũng cho rằng nhiều nước đã sử dụng xăng E10, E20 với tỉ lệ ethanol nhiều hơn. Trong khi đó, Việt Nam mới sử dụng xăng sinh học E5 là loại xăng được pha trộn ở mức thấp nhất, nên bài toán đặt ra là làm sao tiếp tục dùng nhiên liệu sạch hơn với lộ trình phù hợp.
Theo ông Tùng, cần có lộ trình để chuyển từ E5 sang E10 hoặc ở mức cao hơn, với nguồn nguyên liệu, mức độ sẵn sàng của người dân, các cơ chế chính sách khuyến khích. Bởi Việt Nam đã có bài học khi chuyển từ xăng RON92 sang xăng E5, khi bỏ hẳn xăng RON92 không sử dụng nữa.
"Có thể tính toán khi chuyển sang xăng E10, chỉ bán E10 thôi và không bán xăng E5 nữa. Việc chuyển đổi cần có một lộ trình được tính toán kỹ lưỡng và chuẩn bị đầy đủ các yếu tố cho thị trường vận hành, với các cơ chế khuyến khích xăng sinh học, đặc biệt là cơ chế giá làm sao để phù hợp với khả năng chi trả cho người dân" - ông Tùng khuyến nghị.
Cần có mức thuế phù hợp với nhiên liệu sinh học
Theo đại diện Bộ Công thương, từ kinh nghiệm của xăng E5RON92, cần có cơ chế thuế, phí để khuyến khích, giảm giá xăng sinh học, tạo sự chênh lệch đáng kể với xăng khoáng RON95 thì mới hấp dẫn người dùng.
Dẫn chứng là thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E5RON92 đang ở mức 3.800 đồng/lít, tức là việc tính thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E5RON92 bằng 95% mức thuế bảo vệ môi trường của xăng khoáng RON92 như hiện nay, Bộ Công thương cho rằng chưa phù hợp khi hiệu quả bảo vệ môi trường của xăng sinh học cao hơn xăng khoáng.
Do đó, việc xem xét mức thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng sinh học, qua đó tạo mức chênh lệch giá nhằm khuyến khích người tiêu dùng tích cực sử dụng xăng sinh học.