Bộ Công thương yêu cầu nghiên cứu cơ chế xuất nhập khẩu với các mặt hàng chiến lược như thép - Ảnh: N.AN
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa ban hành chỉ thị số 10 về tăng cường quản lý xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Việc kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu với các mặt hàng này là do trước tác động của tình hình dịch COVID-19, Bộ Công thương đánh giá một số mặt hàng chiến lược, có ý nghĩa quan trọng đối với sản xuất và tiêu dùng trong nước như xăng dầu, than đá, sắt thép, phân bón... đã xuất hiện một số dấu hiệu cần quan tâm, theo dõi, đánh giá.
Cụ thể, việc nhập khẩu một số mặt hàng tăng rất mạnh trong khi những mặt hàng này trong nước có khả năng sản xuất đáp ứng nhu cầu (như xăng dầu, than đá, gạo); một số mặt hàng trong nước có nhu cầu lớn như sắt thép, phân bón nhưng lại được xuất khẩu nhiều, làm ảnh hưởng tới cán cân cung cầu và mặt bằng giá cả trong nước.
Do đó, ông Diên yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc bộ, các tập đoàn, tổng công ty, các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng trên đánh giá, rà soát lại để cân đối cung cầu phù hợp.
Cụ thể, doanh nghiệp thép rà soát nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí hạ giá thành, tăng công suất, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm trong nước đang có nhu cầu cao. Doanh nghiệp khai thác, sản xuất và xuất khẩu than, phân bón ưu tiên nguồn hàng phục vụ thị trường nội địa; mặt hàng xăng dầu, đường cần ưu tiên sử dụng nguồn hàng trong nước...
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc bộ rà soát tình hình xuất khẩu, nhập khẩu để có biện pháp tăng cường công tác quản lý, cần hỗ trợ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Trong đó, rà soát cơ chế xuất khẩu, nhập khẩu chung và kiến nghị công tác quản lý nhập khẩu mặt hàng gạo, mặt hàng đường; rà soát cơ chế xuất khẩu, nhập khẩu và kiến nghị giải pháp quản lý xuất khẩu, nhập khẩu mặt hàng phân bón.
Với xăng dầu, căn cứ nhu cầu sản xuất, kinh doanh để rà soát, điều chỉnh kế hoạch bảo đảm nguồn hàng, ưu tiên sử dụng nguồn xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước, tăng giám sát chất lượng, đảm bảo nguồn cung tại các điểm bán lẻ.
Cập nhật tình hình sản xuất, tăng năng lực sản xuất trong nước để đảm bảo nhu cầu, rà soát cơ chế xuất khẩu và kiến nghị giải pháp quản lý xuất khẩu mặt hàng sắt thép và quặng sắt; tăng cường quản lý với mặt hàng than...
Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với quy định hỗ trợ cho hoạt động sản xuất trong nước, gắn với tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa nhập lậu...