Bộ Công thương: Cắt giảm điện tái tạo là 'bắt buộc', không phân biệt nhà đầu tư

3 năm trước 431
 Cắt giảm điện tái tạo là bắt buộc, không phân biệt nhà đầu tư - Ảnh 1.

Dự án điện mặt trời và điện gió của Tập đoàn Trung Nam tại Ninh Thuận - Ảnh: NGỌC HIỂN

Bộ Công thương vừa có văn bản số 1226 gửi Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Văn phòng Chính phủ về việc giải quyết kiến nghị của Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam.

Theo Bộ Công thương, sự phát triển nhanh với quy mô công suất lớn của các nguồn năng lượng tập trung tại một số khu vực miền Trung, miền Nam đã gây ra hiện tượng quá tải cục bộ, quá tải lưới điện truyền tải liên kết miền và hệ thống điện dư thừa công suất phát so với nhu cầu phụ tải (nhu cầu tiêu thụ điện) trong một số thời điểm.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhu cầu phụ tải điện tăng trưởng thấp, dẫn tới một số tình huống trong thời gian thấp điểm của hệ thống như các dịp lễ tết, ngày cuối tuần hoặc thấp điểm trưa hằng ngày hệ thống điện dư thừa công suất phát.

Theo Bộ Công thương, mặc dù Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đã thực hiện giảm phát các nguồn năng lượng truyền thống đến giới hạn kỹ thuật với cấu hình tối thiểu nhưng hệ thống điện vẫn dư thừa công suất, do đó A0 bắt buộc phải cắt giảm tiếp các nguồn năng lượng tái tạo.

Bộ Công thương đã yêu cầu EVN và A0 tính toán và công bố mức điều tiết giảm công suất huy động của các nhà máy điện, đồng thời dịch chuyển giờ phát cao điểm các nhà máy thủy điện nhỏ nhằm tối ưu huy động các nguồn năng lượng tái tạo.

Bộ Công thương cho rằng việc cắt giảm các nhà máy năng lượng tái tạo là tình huống bắt buộc trong bối cảnh hệ thống điện quốc gia thừa nguồn và lưới điện quá tải cục bộ nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống điện; việc tiết giảm được EVN, A0 tính toán, thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng cho tất cả các nhà máy mà không phân biệt chủ đầu tư.

Trước đó, do thường xuyên bị cắt giảm công suất các dự án điện mặt trờiđiện gió, Tập đoàn Trung Nam đã gửi kiến nghị tháo gỡ khó khăn đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Chính phủ.

Theo doanh nghiệp này, việc thường xuyên cắt giảm công suất làm giảm doanh thu phát điện, phá vỡ phương án tài chính, doanh nghiệp đối mặt với áp lực rất lớn trong việc thanh toán các khoản vay ngân hàng do không đảm bảo nguồn doanh thu từ phát điện.

Do đó, doanh nghiệp kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về việc ưu tiên điều độ để khai thác toàn bộ công suất của các dự án.

Đồng thời, khi tính toán, phân bổ công suất phát điện của các nhà máy, cần rà soát, phân nhóm các nhà máy được bổ sung quy hoạch có điều kiện "cần phải đồng bộ về phát triển lưới điện hiện hữu nhằm tránh gây quá tải lưới điện khu vực" vào nhóm các nhà máy cần phải giảm phát công suất trong các thời điểm lưới quá tải và thừa nguồn.

Cơn lốc điện mặt trờiCơn lốc điện mặt trời

TTO - Từ một quốc gia nhiều năm liền lẹt đẹt về điện mặt trời, chỉ trong vòng 3 năm, Việt Nam đã trở thành quốc gia tăng trưởng điện mặt trời đứng đầu thế giới. Điều gì đã cuốn Việt Nam vào cơn lốc điện mặt trời?

Nguồn bài viết