Bộ Công an công bố cuộc thi tìm kiếm giải pháp công nghệ 'Dữ liệu với cuộc sống'

1 năm trước 95
Chú thích ảnhẢnh minh họa: baochinhphu.vn

Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cho biết, với việc xây dựng thành công cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, căn cước công dân điện tử, định danh và xác thực điện tử, cũng như triển khai có hiệu quả Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, tiến trình Chuyển đổi số ở Việt Nam đang được đẩy nhanh và hướng tới các hoạt động thực chất, mang lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, xã hội. 

Nguồn tài nguyên về dữ liệu là tài nguyên vô hạn, càng khai thác càng tạo ra giá trị mới. Với mong muốn thu hút nguồn lực từ cộng đồng tài năng trẻ đồng hành cùng Bộ Công an, Chính phủ trong phát huy tính sáng tạo để nhanh chóng hình thành các ý tưởng và sản phẩm công nghệ thông tin thiết thực phục vụ tiến trình Chuyển đổi số, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam và Báo Điện tử VNExpress và các đơn vị tài trợ tổ chức cuộc thi tìm kiếm giải pháp công nghệ “Dữ liệu với cuộc sống” phục vụ xây dựng chính phủ số, xã hội số và kinh tế số.

Cuộc thi nhằm cổ vũ các ý tưởng sáng tạo khai thác dữ liệu một cách hiệu quả để hình thành các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ công nghệ thiết thực phục vụ ba trụ cột: Chính phủ số - các giải pháp thúc đẩy dịch vụ công hiệu quả; Xã hội số - các giải pháp thúc đẩy các dịch vụ an sinh xã hội; Kinh tế số - các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế. 

Cuộc thi nhằm tìm ra các ý tưởng, sản phẩm để ươm tạo thành các sản phẩm hoàn thiện, hình thành các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (startup/spinoff); Hình thành hệ sinh thái thúc đẩy chia sẻ dữ liệu, chia sẻ ý tưởng và giải pháp khai thác dữ liệu thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi số quốc gia.

Đối tượng dự thi gồm: Công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước hoặc nước ngoài; người nước ngoài sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Ban Tổ chức đưa ra một số gợi ý sản phẩm (các nhóm có thể đề xuất các bài toán khác phù hợp với chủ đề cuộc thi) như: Phát hiện hành vi lừa đảo, gian lận nhân thân; Đánh giá khả tín khách hàng vay phục vụ cho vay an sinh xã hội; Đánh giá thực trạng thị trường lao động và dự báo nhu cầu việc làm tại một khu vực; Đánh giá chất lượng nguồn nhân lực trong một lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế; Đánh giá tình an ninh, trật tự và an sinh xã hội của một khu vực; Xây dựng bản đồ tiêm chủng, phục vụ phòng chống dịch bệnh; Giải pháp thúc đẩy sự hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp; Giải pháp nâng cao hiệu quả xử lý dịch vụ công cho cơ quan nhà nước và cán bộ thực thi nhiệm vụ; Phát hiện, phân loại, theo vết và ước lượng mật độ các phương tiện giao thông; Phát hiện sự cố giao thông bất thường; Dự đoán hành trình và hành vi lái xe; Giải pháp phần cứng kỹ thuật: thiết bị, máy móc.

Hình thức: nộp bài dự thi trực tuyến từ ngày 7/8/2023 đến trước ngày 15/9/2023. Vòng Chung kết và Trao giải dự kiến trong hai ngày liên tục (16 -17/11/2023). Ban Tổ chức sẽ trao một Giải Nhất (hai trăm triệu đồng); một Giải Nhì (một trăm triệu đồng); một Giải Ba (năm mươi triệu đồng) và hai Giải khuyến khích (mỗi giải hai mươi triệu đồng).

Ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay

Nhân dịp này, Bộ Công an tổ chức Hội thảo Ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay. Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận, cho ý kiến, từ đó đề ra các giải pháp để công dân tiếp cận nhanh với nguồn vốn chính thống, lãi suất phù hợp, dần giảm thiểu tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”.

Nói rõ hơn về đánh giá khả tín khách hàng vay, Thạc sỹ Cao Văn Bình, Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đây được hiểu là quá trình phân tích bộ dữ liệu về một chủ thể thông tin thông qua một mô hình chấm điểm để đánh giá mức độ tín nhiệm và khả năng thanh toán nợ đúng hạn của chủ thể. Trong đó, điểm tín dụng là một chỉ số phản ánh mức độ tín nhiệm của khách hàng vay. Điểm số cho biết khả năng một khách hàng vay có thể trả nợ và thanh toán các khoản phí thường xuyên và đầy đủ. Điểm tín dụng càng cao tương ứng với rủi ro không thanh toán được các khoản nợ càng thấp và khả năng tiếp cận tín dụng càng cao.

Còn theo Đại tá Vũ Văn Tấn, Cục phó Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an), hiện nay việc vay vốn các ngân hàng, tổ chức tín dụng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. “Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do các ngân hàng không có cơ sở để đánh giá xác định đối tượng cho vay, chưa có chính sách hỗ trợ những người yếu thế trong xã hội, thiếu cơ chế quản lý Nhà nước về kiểm soát tín dụng đen và hỗ trợ người dân” - Đại tá Vũ Văn Tấn cho biết.

Theo Đại tá Tấn, từ thực trạng nêu trên, Cục C06 đã phối hợp với các đơn vị triển khai đánh giá khả tín khách hàng vay trên nền tảng dữ liệu dân cư, sử dụng công nghệ máy học, trí tuệ nhân tạo và đã cơ bản hoàn thiện mô hình thuật toán đánh giá khả tín khách hàng vay với độ chính xác cao.

Theo đại diện Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, năm 2023 là “năm của dữ liệu số tạo lập và khai thác tạo ra giá trị mới”. Việc khai thác dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử đã đem lại nhiều tiện ích, cắt bỏ các thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, giấy tờ cho người dân, doanh nghiệp. 

Nành Ngân hàng đã tích cực phối hợp với Bộ Công an trong việc triển khai Đề án 06 với nhiều tiện ích như: Xác thực và đồng bộ đảm bảo thống nhất quản lý mã số định danh cá nhân với thông tin tín dụng của 41 triệu khách hàng (tiết kiệm 20,5 tỷ đồng); Triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chip rút tiền tại ATM (tiết kiệm 50.000 đồng/thẻ) thay thế thẻ ngân hàng, nhận biết khách hàng tại quầy và trực tuyến; triển khai việc sử dụng tài khoản định danh điện tử để xác thực, đăng nhập thực hiện các giao dịch mở tài khoản, vay vốn trực tuyến đảm bảo an ninh, an toàn, nhanh chóng và thuận tiện; hỗ trợ đào tạo nhận biết giấy tờ thật giả cho các tổ chức tín dụng (hiện nay đã đào tạo cho VIB và chuẩn bị đào tạo cho 10 ngân hàng); Hỗ trợ các ngân hàng làm sạch kho dữ liệu trên nền tảng cơ sở dữ liệu dân cư. Đồng thời, các ngân hàng là tổ chức tiên phong, năng động triển khai các giải pháp công nghệ hiện đại để tối ưu các quy trình của ngân hàng như công nghệ đối sánh sinh trắc học, chống giả mạo khuôn mặt, ngân hàng điện tử, trợ lý ảo, điện toán đám mây…

Trước thực trạng tín dụng đen, Bộ Công an (C06) đã phối hợp với Trường Công nghệ thông tin - Đại học Bách khoa Hà Nội triển khai đánh giá khả tín khách hàng vay trên nền tảng dữ liệu dân cư, sử dụng công nghệ máy học, trí tuệ nhân tạo theo tiêu chuẩn tham khảo tín dụng FICO tại Mỹ được sử dụng trong rất nhiều nghiệp vụ và hoạt động hàng ngày như: ra quyết định cho vay, xác định lãi suất của các khoản vay, xin việc làm, mua và thuê nhà, mua và thuê ôtô, mua sản phẩm bảo hiểm, mua các sản phẩm viễn thông, sử dụng các dịch vụ công, và một số lĩnh vực khác. Đến nay, mô hình thuật toán đánh giá khả tín khách hàng vay đã cơ bản hoàn thiện với 18 trường thông tin dân cư, dữ liệu về căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử, dữ liệu di biến động cư trú và các trường thông tin khác được làm giàu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với độ chính xác cao.

Nguồn bài viết