Bổ sung thêm nguồn lực xét nghiệm tại các chốt kiểm dịch có nguy cơ lây nhiễm cao

3 năm trước 614

Phó Tổng cục trưởng TCĐBVN Nguyễn Xuân Cường cho biết, theo văn bản số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch, trong đó có nội dung áp dụng biện pháp giãn cách xã hội toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị số 16/CT-TTg (Chỉ thị 16) đối với 19 tỉnh phía Nam, dẫn đến các tỉnh Bình Thuận, Đắk Nông, Lâm Đồng và một số địa phương khác có liên quan sẽ trở thành đường vành đai giáp ranh giữa khu vực an toàn (khu vực xanh) và khu vực phong tỏa hoặc khu vực ổ dịch, đang thực hiện Chỉ thị số 16 (khu vực đỏ).

Mặt khác, theo kết luận chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT tại Thông báo số 251/TB-BGTVT ngày 17/7/2021 tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ GTVT với các địa phương khu vực phía Nam về công tác vận tải hàng hóa gắn với phòng chống dịch, đảm bảo duy trì hoạt động thông suốt 24/24 giờ, tạo thuận lợi nhất cho vận chuyển hàng hoá bằng xe ô tô, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa đảm bảo duy trì sản xuất, hạn chế ùn tắc giao thông hàng hoá tại các tỉnh lân cận khi đi vào, đi qua các tỉnh phía Nam. Ngày 18/7, TCĐBVN đã họp trực tuyến với các đơn vị nêu trên triển khai nhanh các biện pháp bổ sung nguồn lực phòng dịch tại các chốt có nguy cơ lây lan virus nhanh và hỗ trợ công tác xét nghiệm nhanh theo quy định của Bộ Y tế cho lái xe, người phục vụ theo xe vận tải. 

Chú thích ảnhTrung tâm huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) bị phong tỏa. Ảnh: TTXVN.

Báo cáo nhanh của các Sở GTVT Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Thuận cho biết, hiện nay mật độ phương tiện lưu thông từ khu vực đỏ sang khu vực xanh tuy thấp, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây bệnh cao hơn so với mật độ phương tiện lưu thông lớn từ khu vực xanh sang khu vực đỏ. Cụ thể, tại Lâm Đồng, tỉnh có 20 điểm chốt, 14 vị trí xét nghiệm nhanh, riêng quốc lộ 20 có 1 chốt kiểm soát, 2 điểm xét nghiệm nhanh, lưu lượng phương tiện hoạt động khoảng 1.600 xe/ngày đêm; tại Đắk Nông trên quốc lộ 14 có 2 chốt kiểm soát đầu tỉnh, cuối tỉnh, sẽ bổ sung 2 điểm xét nghiệm nhanh, lưu lượng nhiều phương tiện hoạt động qua lại liên tục; tại Bình Thuận trên quốc lộ 1A có 3 chốt gồm 1 chốt kiểm soát từ Miền Bắc vào, 2 chốt kiểm soát từ Đồng Nai đi ra, sẽ bổ sung thêm 2 điểm xét nghiệm nhanh, lưu lượng phương tiện hoạt động qua lại khoảng 3.000 xe/ngày đêm.

Trước thực tế trên, TCĐBVN đề nghị Cục Y tế:

* Khẩn trương bố trí, bổ sung nhân lực, thiết bị vật tư y tế hỗ trợ vào các chốt kiểm soát, vị trí xét nghiệm nhanh như sau:

- Vị trí kiểm soát, xét nghiệm nhanh và nhân lực tại Đắk Nông:

+ Chốt kiểm soát tại xã Tâm Thắng – Huyện Cư Jút (Km 1794+00, cầu Sê rê pok), vị trí xét nghiệm nhanh đặt tại Trung tâm y tế huyện Cư Jút – Tỉnh Đắk Nông.

+ Chốt kiểm soát tại xã Đắk Du (Km1946+00 đường Hồ Chí Minh) – Huyện ĐắkRLấp, xét nghiệm nhanh đặt tại Trung tâm y tế huyện Đắk RLấp – Tỉnh Đắk Nông.

+ Về nhân lực tại mỗi điểm xét nghiệm nhanh, chốt kiểm soát sẽ có 3 người làm việc thay ca (số lượng cụ thể do Cục Y tế cân đối bố trí cho phù hợp với tình hình thực tế)

- Vị trí kiểm soát, xét nghiệm nhanh và nhân lực tại Bình Thuận:

+ Chốt kiểm soát tại khu vực Cà Ná (Km1594 – Quốc lộ 1), vị trí xét nghiệm nhanh đặt tại Bệnh viện Giao thông vận tải Tháp Chàm (Bình Thuận).

+ Chốt kiểm soát, vị trị xét nghiệm nhanh giáp ranh giữa Đồng Nai và Bình Thuận liên hệ với Sở GTVT Bình Thuận rà soát và yêu cầu cung cấp thông tin cần thiết.

+ Về nhân lực tại mỗi điểm xét nghiệm nhanh, chốt kiểm soát sẽ có 3 người làm việc thay ca (số lượng cụ thể do Cục Y tế cân đối bố trí cho phù hợp với tình hình thực tế).

- Vị trí kiểm soát, xét nghiệm nhanh và nhân lực tại Lâm Đồng: Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đáp ứng đủ điều kiện xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế cho lái xe, người đi theo xe đi vào, đi qua địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nên đề xuất TCĐBVN bổ sung nhân lực, thiết bị y tế cho các địa phương khác có nhu cầu cấp thiết hơn.

* Bố trí nhân lực, vật tư thiết bị y tế tại các chốt kiểm soát, vị trí xét nghiệm nhanh ở tỉnh Đắc Nông, Bình Thuận (phía Bắc đi vào) và thời gian bắt đầu hoạt động vào 8 giờ ngày 19/7.

- Tại chốt kiểm soát, vị trí xét nghiệm nhanh ở giáp ranh giữa tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận (phía Đồng Nai đi ra) liên hệ với Sở GTVT Bình Thuận tìm vị trí đặt chốt, vị trí xét nghiệm nhanh và thời gian bắt đầu hoạt động vào 15 giờ ngày 19/7.

* Công bố công khai trên các trang thông tin điện tử của Bộ GTVT, Cục Y tế về địa chỉ các bệnh viện GTVT trên toàn quốc trực thuộc quản lý của Cục để đơn vị kinh doanh vận tải, người lái xe có nhu cầu xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế nắm bắt được và thực hiện đăng ký xét nghiệm khi có nhu cầu.

Các Cục quản lý đường bộ III, IV chủ động phối hợp với các Sở GTVT, Sở Y tế Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông, đại diện Cục Y tế và các tỉnh khu vực:

- Khẩn trương cử thêm nhân lực điều tiết phân luồng giao thông, hỗ trợ cho bộ phận nhân lực của Cục Y tế tại các chốt kiểm soát, các vị trí xét nghiệm nhanh nêu trên, nhằm đảm bảo cho các phương tiện vận tải hàng hóa, phương tiện vận chuyển chuyên gia, công nhân được lưu thông thông suốt, liên tục (24/24 giờ); không để tình trạng ùn tắc tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, các điểm xét nghiệm nhanh; bảo đảm an toàn dịch bệnh cho người lái xe, phương tiện và phòng chống lây lan dịch bệnh hiệu quả.

- Thống kê các vị trí chốt kiểm soát, vị trí xét nghiệm nhanh trên địa bàn 3 tỉnh để có thông báo và có biển chỉ dẫn tạo thuận lợi cho công tác điều tiết phương tiện, cho người lái xe biết được vị trí mình cần vào xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế, tránh được ùn tắc ùn ứ tại các chốt kiểm soát; báo cáo kết quả về TCĐBVN qua đường dây nóng Vụ Vận tải 0949549805. 

- Hỗ trợ giúp đỡ đưa đón cán bộ, nhân viên của Cục Y tế từ sân bay và các địa điểm theo yêu cầu của Cục Y đến các vị trí chốt, vị trí xét nghiệm.

Các Sở GTVT phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan tại địa phương báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch tại địa phương về chủ trương của Bộ GTVT về việc tăng cường thêm nhân lực, thiết bị y tế của Cục Y tế cho địa phương mình và đề xuất các giải pháp hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho công tác phối hợp, triển khai thuận lợi, đạt hiệu quả cao; đồng thời, trong quá trình phối hợp xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế tại các vị trí xét nghiệm nhanh, nếu nghi ngờ phát hiện có xuất hiện trường hợp F0, kiến nghị Ban chỉ đạo địa phương có văn bản gửi các tỉnh lân cận để được hỗ trợ.

Ngoài ra, các Sở GTVT, Sở Y tế nêu trên, Cục quản lý đường bộ III, IV và Cục Y tế cung cấp số điện thoại để kết nối với nhau, nhằm cung cấp thông tin và xử lý kịp thời các vướng mắc phát sinh.

Chú thích ảnh
Nguồn bài viết