Ba người chị của Hằng do hoàn cảnh, học xong thì cũng lại tiếp tục “guồng quay” cuộc sống như bố mẹ. Mọi hi vọng của gia đình đều đặt vào cô gái nhỏ Hằng. Không phụ niềm tin của gia đình, dù khó khăn, Hằng luôn cố gắng học tập chăm chỉ. Cả 12 năm em đều là học sinh giỏi của trường, đồng thời giành được nhiều giải thưởng trong học tập như Giải khuyến khích môn văn, Giải nhất bộ môn quốc phòng và Giải ba môn chạy bền của tỉnh. Điểm thi tốt nghiệp của em cũng đứng top đầu của trường.
Với ước mơ mang con chữ đến cho những học sinh nghèo vùng cao có hoàn cảnh khó khăn như mình, Hằng đã đăng ký học hệ cao đẳng của một trường sư phạm.
Năm 2013, biến cố ập đến với Hằng. Gần đến kỳ thi tín chỉ cuối cùng, em bị ốm một trận li bì và bị ngất xỉu ở môn thi cuối cùng. Trở về nhà, sức khỏe Hằng ngày một yếu đi, người phù to, tóc rụng gần hết, đau nhức không đi lại được, cũng không ăn uống được. Mọi người trong làng khuyên bố mẹ chuẩn bị sẵn quan tài cho em. Nhưng thương con, bố mẹ em “còn nước còn tát”, trong nhà có gì đều bán sạch, lấy tiền đưa em xuống Hà Nội chữa trị. Hai tháng trời Hằng nằm trong Bệnh viện Bạch Mai, từ khoa cấp cứu cho tới thận, huyết học… bác sĩ vẫn chưa tìm được bệnh. Cuối cùng, bác sĩ cho em đi chọc tuỷ. Tin dữ cũng tới, em bị bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Tìm ra bệnh, được điều trị ổn định, Hằng lại về trường tiếp tục học tập. Cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp loại khá, em háo hức khoe với cả nhà, em tin rằng giờ đây mình có thể đi làm kiếm tiền, bù đắp mọi khó khăn của bố mẹ trong suốt thời gian qua.
Vậy nhưng, lại một lần nữa bệnh của Hằng chuyển nặng. Bố mẹ nuốt nước mắt vào trong, bán đi một con bò để đưa em đi viện. Và từ đây, mọi ước mơ và hy vọng của Hằng đều tan biến theo căn bệnh lupus. Hàng tháng em đều lên Bệnh viện Bạch Mai khám định kỳ lĩnh thuốc về uống.
Cuối năm 2014, Hằng bị đau chân. Sau khi được bác sĩ cho đi chụp cộng hưởng từ thì phát hiện bị hoại tử chỏm xương đùi, phải mổ thay khớp háng, nếu không sẽ không thể đi lại được. Nhưng mổ thay khớp hết nhiều tiền, về tới nhà em không dám nói với ai, cứ âm thầm chịu đau, tự nhủ rồi bệnh sẽ hết thôi.
Tới năm 2017, do không được phẫu thuật, Hằng không thể tự đi lại được nữa. Bố đưa Hằng đi khám mới biết được sự thật. Về tới nhà, bố mẹ không ngần ngại mang sổ đỏ nhà mình, còn năn nỉ bác cho mượn sổ đỏ, đi cầm cố vay tiền để em sớm được thay khớp.
Năm 2018, Hằng lại bị viêm gân kèm bao hoạt dịch cổ chân phải. Bố mẹ lại tất tả đi vay mượn lấy tiền cho em đi mổ. Mổ xong bác sĩ phát hiện em bị lao xương phải chuyển sang Bệnh viện Phổi trung ương điều trị được 1 tuần thì bị xuất huyết giảm tiểu cầu còn có 3, Hằng lại chuyển sang khoa cấp cứu Viện huyết học và Truyền máu trung ương. Điều trị tiểu cầu lên 56, em lại về Bệnh viện Phổi trung ương điều trị lao. Bác sĩ nói em không uống được thuốc lao nội phải uống thuốc lao ngoại 8 triệu/ tháng. Số tiền này với em là quá lớn, em lại bỏ không theo.
Vì phẫu thuật thay khớp hết nhiều tiền, có lần Hằng đã giấu gia đình và âm thầm chịu đau.Năm 2019, cổ chân em lại sưng to đau không đi được em lại mổ cổ chân lần 2 tại Bệnh viện Bạch Mai. Bác sĩ khuyên em nên điều trị lao, em lại quay lại Bệnh viện Phổi trung ương điều trị lao được gần 1 tuần thì bị dị ứng lên cơn co giật phải cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai.
Năm 2020, chân tay Hằng nổi hạch và đau đến mức em không thể nằm một chỗ được, em lại phải xuống Bệnh viện Phổi trung ương điều trị. Các bác sĩ chụp chiếu và cho em dùng thuốc lao theo từng loại. Tháng 8, em nhập viện điều trị tới tháng 10 thì được ra viện. Về được 10 ngày, trên người Hằng lại nổi những vết xuất huyết, phải lên viện điều trị lại từ đầu. Nằm viện gần một tháng em lại về nhà 2 ngày rồi nhập viện điều trị thêm 20 ngày.
Từ ngày bị phát hiện bệnh đến nay, Hằng ở viện nhiều hơn ở nhà, vừa điều trị và phẫu thuật: mổ thay khớp háng hai bên, mổ cổ chân 2 lần. Răng của em vỡ ra thành từng mảnh chỉ còn mỗi chân răng, đau nhức không ăn uống được; em đã nhổ toàn bộ hàm dưới răng cửa cũng bị vỡ hiện em chỉ húp được cháo. 2021 với nhiều người là ước mơ khát vọng trải nghiệm còn với Hằng là lao xương, xuất huyết giảm tiểu cầu, sơ cứng bì, đau dạ dày, men gan cao và những khoản nợ không có hồi kết.
Cả nhà 5 người trong đó có tiền thuốc men của em, sinh hoạt của ông bà nội đã 90 tuổi đều do một tay bố mẹ lo hết. Mỗi tháng Hằng được 405.000 đồng tiền trợ cấp đối với người khuyết tật. Nhưng chi phí chữa bệnh của em ít nhất cũng 5.000.000 đồngtháng. Dù bố mẹ Hằng đã vật lộn ngày đêm kiếm sống, nhưng cũng không thể đủ tiền lo cho con, nhất là khi căn bệnh này sẽ kéo dài và các biến chứng của bệnh thì càng ngày càng nặng.
Chân tay Hằng nổi hạch và đau đến mức em không thể nằm một chỗ được.Mỗi tháng cô chiến binh nhỏ phải vượt 70km từ nhà xuống huyện, 12 km từ huyện ra thành phố và 100 km nữa để đến Hà Nội. Nhưng sự mệt mỏi với em không phải quãng đường xa bao nhiêu, cũng không phải là căn bệnh mình đang mắc phải mà là gánh nặng đang đè hơn trên đôi vai cho bố mẹ em.
Lupus là một căn bệnh quái ác, mỗi người bệnh là một chiến binh để vượt qua và chống chọi với nó. Cũng là một bệnh nhân lupus như Hằng, tôi thực sự khâm phục tinh thần kiên cường đấu tranh với bệnh tật của em và gia đình. Tôi xin kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng cho Hằng và gia đình để giúp em chữa bệnh, giúp bố mẹ em thoát khỏi sự bất lực do khánh kiệt vì con và đối diện nhìn con bị huỷ hoại cơ thể mỗi ngày mà không có cách nào vì số tiền chữa trị quá lớn và kéo dài.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
Nguyễn Thị Thuý Hằng, xóm Cơi, xã Nánh Nghê, huyện Đà Bắc, Hoà Bình
STK: Nguyễn Thị Thuý Hằng, 101005577315, Ngân hàng Vietinbank, chi nhánh Hoà Bình.
Điện thoại : 0978370550
Lupus ban đỏ hệ thống (gọi tắt là lupus) là một trong những rối loạn hệ miễn dịch thuộc nhóm bệnh tự miễn. Trong các bệnh lý tự miễn, hệ miễn dịch trở nên hoạt động thái quá và chống lại các mô lành mạnh của chính mình. Điều này dẫn đến tình trạng viêm và gây tổn hại cho nhiều mô trong cơ thể. Lupus là một tình trạng viêm mạn tính, có thể tác động lên nhiều mô và nhiều hệ thống khác nhau của cơ thể như các khớp, da, thận, tim, phổi, các tế bào máu và não.
Hiện tại, lupus là bệnh không chữa khỏi được hoàn toàn. Tuy nhiên lupus có thể điều trị hiệu quả với thuốc, và hầu hết người bệnh lupus có thể có cuộc sống chủ động, khỏe mạnh. Lupus điển hình tiến triển bùng phát từng đợt đan xen với những thời kỳ lui bệnh khỏe mạnh. Hiểu rõ cách phòng ngừa và điều trị thích hợp các đợt bùng phát sẽ giúp cho người bệnh lupus duy trì được sức khỏe tốt hơn.