Giao dịch vàng tại một cửa hàng trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Có ý kiến cho rằng giá vàng miếng giảm là do các yếu tố trên thế giới. Nhưng nếu tác động từ thế giới, cũng khó lòng giá vàng trong nước giảm mạnh đến 6% so với cuối tuần trước. Vậy giá vàng giảm mạnh vì lý do gì?
Hãy điểm lại các diễn biến đáng chú ý trong thời gian gần đây về quản lý vàng để thấy được lý do khiến thị trường vàng trong nước lao dốc.
1. Tháng 6-2022, tại phiên chất vấn của Quốc hội, đã có nhiều ý kiến về chênh lệch giá vàng quá cao.
2. Ngay sau đó, Chính phủ đã ra nghị quyết 77 của phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5-2022 yêu cầu phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, bao gồm quản lý chặt thị trường vàng.
Cụ thể, tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý theo nghị định 24/2012, trong đó Ngân hàng Nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức kinh doanh vàng, nếu phát hiện vi phạm phải xử nghiêm.
3. Dù Ngân hàng Nhà nước chưa thông tin về các đợt thanh tra, kiểm tra và giám sát như nghị quyết chính phủ đã nêu nhưng diễn biến giá vàng giảm mạnh trong ngày 18-7 cho thấy các doanh nghiệp vàng đã có dấu hiệu chùn tay. Có doanh nghiệp vàng thừa nhận phải "chỉn chu" khi bị soi.
Theo như chỉ đạo của Chính phủ, có vẻ đợt "soi" này "hơi nghiêm trọng", bởi diễn biến thị trường đang có nhiều bất lợi cho việc duy trì sự ổn định của kinh tế vĩ mô - nền tảng phát triển kinh tế của đất nước, mà bất thường giá vàng sẽ khiến tỉ giá USD/VND tại thị trường tự do tăng cao.
Điều này đi ngược lại với ưu tiên của Chính phủ lúc này là ổn định kinh tế vĩ mô. Cần nhắc lại, các năm trước ít thấy bóng dáng của các yếu tố bất lợi cho ổn định kinh tế vĩ mô như giá cả tăng, áp lực lạm phát, sức ép tăng tỉ giá..., nay ngược lại.
Và một thông tin cũng không thể bỏ qua, đã lâu rồi Ngân hàng Nhà nước không "soi" việc chấp hành pháp luật về kinh doanh vàng, vì thế ở lần "soi" này khó tránh khỏi nhiều góc khuất sẽ được phơi bày.
Trên thực tế, thị trường vàng luôn có hoạt động ngầm, tiêu thụ vàng lậu, vàng trôi nổi sau đó được hợp thức hóa. Đấy chính là điểm yếu mà chỉ có doanh nghiệp kinh doanh vàng "bản lĩnh", không nhắm mắt vì lợi nhuận mới có thể vượt qua.
Vì thế, nếu Ngân hàng Nhà nước triển khai nghiêm việc thanh tra, kiểm tra và sau này là thường xuyên giám sát hoạt động kinh doanh vàng, có lẽ giá vàng sẽ không còn nhảy múa như thời gian qua và khoản chênh lệch bất thường với giá thế giới cũng dần thu hẹp lại.