Đại sứ quán Nga tại Hague, Hà Lan - Ảnh: THE MOSCOW TIMES
Theo Hãng tin AFP, hành động phối hợp của ba quốc gia được thực hiện từ "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga ở Ukraine.
Ngày 29-3, Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ Sophie Wilmes cho biết Bỉ đang trục xuất 21 nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Nga ở Brussels và Lãnh sự quán ở Antwerp. Họ cho các nhà ngoại giao này hai tuần để rời đi.
Việc trục xuất nhà ngoại giao Nga của Bỉ được thực hiện cùng nước láng giềng Hà Lan.
Ngày 29-3, Bộ Ngoại giao Hà Lan cho biết họ trục xuất 17 nhà ngoại giao Nga vì có "hoạt động bí mật" với tư cách là nhân viên tình báo.
Tương tự, Bộ trưởng Ngoại giao Ireland Simon Coveney cho biết có 4 "quan chức cấp cao" của Đại sứ quán Nga ở Dublin được yêu cầu rời khỏi nước này vì tham gia vào các hoạt động "không phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về hành vi ngoại giao" - cách chỉ hành vi gián điệp.
Bỉ, Hà Lan, Ireland cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc Nga sẽ trả đũa bằng cách trục xuất các nhà ngoại giao của họ, điều hầu như chắc chắn Nga sẽ làm.
Trước đó, vào đầu tháng 3, Mỹ đã trục xuất 12 nhà ngoại giao Nga ở New York vì hoạt động gián điệp.
Nga trả đũa bằng cách chuyển cho Mỹ danh sách các nhà ngoại giao Mỹ được tuyên bố là "persona non grata", thuật ngữ ngoại giao chỉ nhân vật không được hoan nghênh để họ phải rời Nga.
Ba Lan, một quốc gia thuộc EU, láng giềng với Ukraine, tuần trước cũng đã trục xuất 45 nhà ngoại giao Nga vì cáo buộc hoạt động gián điệp dù Nga phản đối rằng cáo buộc này là vô căn cứ.
Đại sứ Nga tại Ba Lan Sergey Andreyev cho biết có quyền thực hiện các bước đi trả đũa.