Đi lại khó khăn vì bị vết thương hở ở đầu gối nhưng chị N.T.L. (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) đành phải ra về và tìm cơ sở y tế khác tiêm ngừa uốn ván vì Viện Pasteur TP.HCM đã hết vắc xin này - Ảnh: XUÂN MAI
Đầu tháng 7 vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các cơ sở y tế phải chủ động tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hóa, dịch vụ, xử lý tình huống theo thẩm quyền, tuân thủ đúng quy định và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế trong khám chữa bệnh, phòng chống dịch.
Chúng tôi trở lại một số nơi sau khi có chỉ đạo của Bộ Y tế (nếu để thiếu, bệnh viện chịu trách nhiệm). Đến nay, nhiều cơ sở y tế vẫn đang xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư phục vụ người bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến bệnh nhân.
Người bệnh chịu mọi nỗi đau, cắt cụt chi
Vì lý do chậm hay đang trong thời gian hoàn thiện quy trình mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế mà nhiều bệnh nhân đã chuyển nặng, hoặc phải tự tìm đến cơ sở y tế khác để được can thiệp kịp thời.
Người bệnh người thì bị cắt cụt chi, người sợ nhiễm trùng vì hết vắc xin uốn ván. Gần đây, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận một bệnh nhân chuyển đến từ một tỉnh khu vực phía Bắc trong tình trạng bị đái tháo đường biến chứng loét chi, tím đen và hoại tử ngón chân.
Theo thông tin từ gia đình, bệnh nhân đã điều trị tại bệnh viện tỉnh từ khoảng 2 tháng trước đó, tuy nhiên bệnh viện tỉnh đã hết vật tư y tế để can thiệp tình trạng của bệnh nhân và đã giải thích với gia đình là "hết do chậm đấu thầu". Gia đình vẫn đề nghị cho bệnh nhân ở lại điều trị.
"Tuy nhiên khi đến Bạch Mai thì tình trạng bệnh đã ở mức độ quá muộn, không thể làm gì hơn ngoài cắt cụt chi" - thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho hay.
Tình trạng hết các loại vắc xin dịch vụ và sinh phẩm xét nghiệm tại Viện Pasteur TP.HCM vẫn còn kéo dài nhiều tháng qua.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ vào buổi chiều đầu tuần (chiều 1-8) nhưng khu vực xét nghiệm Viện Pasteur TP.HCM không một bóng người, còn tại khu vực tiêm ngừa thì chưa quá 10 người.
Với vết thương lớn ở đầu gối đã được băng bó sau tai nạn giao thông vào tối 31-7, chị N.T.L. (45 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) phải cần người thân dìu đỡ khi đến Viện Pasteur TP.HCM để tiêm ngừa uốn ván gấp vào chiều 1-8 theo yêu cầu bác sĩ. Đau nhức, đi lại vô cùng khó khăn nhưng chị L. đành phải quay về vì viện thông báo hết vắc xin ngừa uốn ván.
"Một viện lớn như thế mà tại sao lại không dự trữ vắc xin. Bác sĩ điều trị hướng dẫn tôi qua đây để tiêm ngừa uốn ván mà giờ ở đây thông báo không có. Chân tôi đau lắm, lại phải nhờ người nhà chở qua cơ sở y tế khác để tiêm gấp, chứ trễ thì vết thương nhiễm trùng mất", chị L. bức xúc và lo sợ.
Ngoài chị L., nhiều người khác cũng ngỡ ngàng khi đi xét nghiệm gấp nhưng lại nhận thông báo hết sinh phẩm và chưa rõ ngày có lại. Cũng như thời gian trước, nhân viên tại quầy hướng dẫn tư vấn người dân truy cập vào đường link dẫn đến website của viện để cập nhật tình hình các loại vắc xin hoặc đến các cơ sở y tế tư nhân xét nghiệm, tiêm vắc xin để không bị gián đoạn.
Truy cập vào website Viện Pasteur TP.HCM vào chiều 1-8, tại bảng danh mục các loại/nhóm loại vắc xin thì chỉ có 2 loại vắc xin phòng viêm dạ dày ruột do virus rota và viêm màng não viêm phổi do phế cầu. Còn tất cả những loại/nhóm vắc xin khác đều treo thông báo hết.
Theo lời dặn của bác sĩ, chị N.T.L. đến Viện Pasteur TP.HCM tiêm ngừa uốn ván - Ảnh: XUÂN MAI
Ảnh hưởng quy trình khám bệnh, chỉ định của bác sĩ
Trả lời Tuổi Trẻ vào chiều cùng ngày, PGS Nguyễn Vũ Trung - viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM - cho biết tình trạng thiếu vắc xin dịch vụ cơ bản, sinh phẩm xét nghiệm tại viện đã diễn ra vài tháng qua.
Viện đang rà soát tổng thể, cố gắng hoàn thiện các quy trình mua sắm, đấu thầu hóa chất, sinh phẩm, vắc xin, vật tư tiêu hao... phù hợp với các hướng dẫn, quy định mới. Thời gian tới, viện sẽ tổ chức các hoạt động đấu thầu, mua sắm này.
Ông Trung cho biết thêm quy trình mua sắm, đấu thầu phải mất vài tháng, không thể "một sớm, một chiều". "Quá trình xây dựng, rà soát quy trình, tổ chức hoạt động mua sắm, đấu thầu mất nhiều thời gian. Chúng tôi đang hết sức cố gắng bởi vì đây là hoạt động và cũng là nguồn thu của viện", PGS Trung nói.
Nói về phương án giải quyết trong thời gian không có vắc xin, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ cho người dân, người đứng đầu Viện Pasteur TP.HCM cho biết đã chỉ đạo các nhân viên y tế hướng dẫn người dân đến các cơ sở y tế lân cận để không phải gián đoạn thời gian xét nghiệm, tiêm vắc xin.
"Bản thân tôi cũng rất sốt ruột khi bà con đến tiêm ngừa, xét nghiệm nhưng viện lại thiếu cái này cái kia, dù đây là hoạt động chính của viện", PGS Trung chia sẻ và cho biết tình trạng thiếu vắc xin, sinh phẩm, hóa chất, vật tư tiêu hao tại viện đã xảy ra vào thời gian trước.
Không những thiếu vắc xin dịch vụ cơ bản, thiếu sinh phẩm xét nghiệm, tại nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM cũng thiếu thuốc điều trị. "Nóng bỏng" nhất trong thời gian này là thiếu thuốc điều trị sốc sốt xuất huyết Dextran 40, trong khi dịch COVID-19 ở khu vực phía Nam vẫn đang còn bùng phát mạnh và ghi nhận nhiều ca tử vong, biến chứng nặng.
Tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư đã ảnh hưởng cả đến tiến trình khám chữa bệnh, chỉ định của bác sĩ.
Hiện một trung tâm phẫu thuật tim mạch lớn tại Hà Nội đã hết sạch Protamin Sulfat (thuốc tác dụng lên quá trình đông máu sử dụng cho người bệnh phải dùng thiết bị tuần hoàn ngoài cơ thể) và phải đi "vay tứ tung", trong đó có vay Viện Tim mạch lân cận 200 lọ, hiện không thể vay thêm vì Viện Tim mạch phải dành để sử dụng cho bệnh nhân của mình.
Stent can thiệp mạch cũng đã thiếu từ lâu và các bác sĩ phải chỉ định "cầm chừng" trong sử dụng, nhiều trường hợp lẽ ra phải chỉ định dùng hoặc dùng sẽ tốt cho bệnh nhân hơn, nhưng vì đang thiếu nên phải hoãn chỉ định.
"Chúng tôi mới đấu thầu stent xong và đã có thể gọi hàng, nhưng thời gian qua thiếu nghiêm trọng" - đại diện một đơn vị can thiệp tim mạch tại Hà Nội chia sẻ.
Khu vực xét nghiệm Viện Pasteur TP.HCM vào chiều 1-8 không một bóng người vì vẫn hết sinh phẩm - Ảnh: XUÂN MAI
Chậm đến bao giờ?
Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế thời gian qua, trong đó có việc chậm đấu thầu tập trung thuốc quốc gia.
Kết quả đấu thầu này sử dụng cho 2 năm 2022 - 2023, hiện đã là tháng 8-2022 nhưng mới đến khâu thương thảo với nhà thầu, sau khâu này mới trình Bộ Y tế thẩm định.
Do đấu thầu chậm, tháng 4 vừa qua Bệnh viện Chợ Rẫy đã thiếu thuốc dùng cho bệnh nhân ghép tạng. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng thiếu một số thuốc trong danh mục đấu thầu tập trung quốc gia và cũng đã gửi văn bản thông tin cho trung tâm. Danh mục đấu thầu tập trung quốc gia chiếm khoảng 7% tổng chi sử dụng thuốc/năm tại Việt Nam.
Một lý do nữa cũng được nói đến nhiều là do lạm phát thời gian qua, giá kế hoạch của một số thuốc, vật tư đã thấp hơn giá thị trường, dẫn đến không có nhà thầu nào trúng thầu. Đại diện một bệnh viện trung ương tại Hà Nội cho biết có đến 30 - 50% danh mục thuốc, vật tư của bệnh viện bị trượt thầu. Đây là các mặt hàng đang thiếu hiện nay.
"Trượt thầu thì chúng tôi tổ chức đấu thầu lại hoặc đàm phán với nhà thầu mua với giá năm 2021. Cũng có mặt hàng nhà thầu không bán thêm, cho nên cũng có trường hợp bệnh nhân phải mua ngoài, nhưng khi mua thuốc và vật tư bên ngoài mang vào bệnh viện thì lại lo khâu kiểm soát chất lượng" - vị đại diện này nói.