Bếp ấm của Vĩnh Đào

3 năm trước 1127
Bếp ấm của Vĩnh Đào - Ảnh 1.

Vĩnh và các bạn của mình mở quầy thực phẩm 0 đồng lo cho người khó khăn vì dịch - Ảnh: L.P.

Vĩnh là chủ nhân của nhiều mô hình 0 đồng và giá rẻ hoạt động đều đặn và hiệu quả ở Đà Nẵng. Từ tiệm bánh mì 0 đồng, các quầy thực phẩm 0 đồng, cơm 0 đồng, cơm 2.000 đồng, suất ăn cho bệnh nhi…

Chàng trai mồ côi mong giúp người

Chúng tôi gặp Vĩnh từ cuối năm 2019, khi chàng trai quê Quảng Nam khai trương tiệm bánh mì 0 đồng của mình trên đường Ngô Gia Tự. Tiệm bánh của Vĩnh khi ấy phát đi mỗi ngày hơn trăm ổ bánh mì nhân thịt, chả cho người lao động khó khăn.

Suốt hai năm qua, theo sát hành trình của chàng trai này, chưa bao giờ chúng tôi thấy ngọn lửa thiện nguyện, đam mê cống hiến và giúp người nơi anh ngơi nghỉ. Ngoài thời gian dành cho công việc tư vấn bảo hiểm, vừa kinh doanh nhỏ, anh Vĩnh lại tất bật với bếp.

Vĩnh bắt đầu làm thiện nguyện từ khi còn học Trường cao đẳng Thương mại Đà Nẵng. Đến khi ra trường, anh một mình cần mẫn làm những hoạt động thiện nguyện giúp ích cho cộng đồng. Hai năm trở lại đây, được nhiều bạn bè giúp sức, anh Vĩnh tiếp tục mở rộng bếp ăn giúp đỡ người khó khăn ở chính thành phố mình sinh sống.

Vĩnh tâm sự, bốn chị em Vĩnh mất mẹ từ khi còn nhỏ, anh là con thứ hai. Năm Vĩnh tròn 18 tuổi, ba anh cũng qua đời. Anh nhớ như in hồi đó có "chú Tuấn Mập" là một nhà hảo tâm ở TP.HCM hỗ trợ cho mấy chị em số tiền 10 triệu đồng. Như trôi giữa dòng vớ được tấm phao, Vĩnh luôn khắc nhớ trong đầu. Từ đó đến nay, anh luôn mong được góp sức giúp đỡ lại cho những người khó khăn.

Bếp ấm của Vĩnh Đào - Ảnh 2.

Ngoài công việc, anh Vĩnh lại dành thời gian cho “bếp ấm” giúp người - Ảnh: L.P.

Vĩnh vốn là người có sở thích nấu nướng. Nhưng điều anh thích hơn cả là nhìn người khác dùng những phần ăn mà mình tự tay chế biến. Vĩnh bắt đầu nấu cháo, xúp. Những bát cháo đầu tiên anh nấu dành tặng bệnh nhân ở các bệnh viện của Đà Nẵng.

Anh nhớ nhất hình ảnh những người thân chăm bệnh khó khăn, khi nhận được suất cháo nóng đã mừng và cảm ơn rối rít như thế nào. Điều đó cho anh cảm giác còn nhiều người khó khăn cần những suất cháo mình nấu. Để mang hàng trăm suất cháo đến bệnh viện, ngoài giờ làm, anh Vĩnh tự mình đi chợ chọn nguyên liệu tươi ngon, tự tay nấu những nồi cháo "khổng lồ".

Thời gian đầu Vĩnh "không dám" kêu gọi vì chưa ai biết đến và tin tưởng nên những suất cháo đến bệnh nhân đều là tự anh bỏ tiền túi ra nấu. Sau này, Vĩnh nghĩ một mình làm sẽ khó duy trì hiệu quả, anh bắt đầu nhắn tin cho bạn bè của mình. Các bạn của anh mỗi người góp một ít để anh nấu cháo. Tiếp đến Vĩnh thu gom ve chai bán rồi bán trái cây để gây quỹ. Có quỹ rồi, Vĩnh lại tiếp tục duy trì những suất ăn cho bệnh nhân khó khăn.

Anh Vĩnh bộc bạch: "Thấy mình làm đều đặn thì nhiều người tin tưởng góp sức. Và vì được tin tưởng nên mình phải làm rõ ràng mọi nguồn thu chi. Mình rạch ròi thì mọi người mới yên tâm gửi gắm". Đến nay, khi việc kinh doanh trái cây và bán các loại phụ kiện nhỏ của Vĩnh dần ổn định, trong các hoạt động anh đều đặn dùng một nửa số tiền cá nhân, nửa còn lại là vận động các nhà hảo tâm đóng góp.

Nối dài những suất ăn yêu thương

Thấy anh Vĩnh bền bỉ giúp người, nhiều bạn trẻ cũng tình nguyện tham gia nhóm. Các tình nguyện viên mỗi người một công việc, phần lớn là nhân viên văn phòng, sinh viên, kỹ sư… Với anh Vĩnh, họ là những người bạn hỗ trợ anh rất nhiều, chia sẻ công việc từ thiện với anh. Mỗi người một việc, khi được phân công rõ ràng thì các hoạt động của nhóm được hoàn thành nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Có hơn chục tình nguyện viên hỗ trợ, Vĩnh bây giờ không còn một mình cặm cụi nấu nướng. Từ những nồi cháo yêu thương, Team Vĩnh Đào của anh và các cộng sự bắt đầu mở quán cơm 2.000 đồng, bánh mì 0 đồng, suất ăn miễn phí cho bà con lao động nghèo.

Bếp ấm của Vĩnh Đào - Ảnh 3.

Nhiều người đã tình nguyện phụ giúp Vĩnh làm các suất ăn miễn phí cho người khó khăn - Ảnh: NV

Suốt hơn 2 năm qua, mỗi ngày nhóm của Vĩnh duy trì gần 150 suất cơm giá 2.000 đồng cho những người bán vé số, hàng rong... Khi dịch COVID-19 bùng phát, nhóm duy trì mỗi tuần 1-2 lần phát cơm miễn phí.

Anh Vĩnh thật thà kể, việc khó nhất vẫn là vấn đề tài chính. Kêu gọi nhà hảo tâm góp kinh phí đã khó, dịch hoành hành thời gian dài khiến việc kinh doanh buôn bán của anh và các nhà hảo tâm cũng ảnh hưởng nhiều, nên nguồn kinh phí càng bó hẹp.

"Nhưng mình không còn ba mẹ, có hai em gái cũng đã ổn định gia đình và công việc nên không cần phải chu cấp cho các em. Bản thân cũng chưa lập gia đình nên gánh nặng kinh tế không lớn. Cứ làm được bao nhiêu giúp người khó bấy nhiêu. Chỉ thấy nhiều khi mình ham việc, khiến các thành viên khác trong nhóm cực lây" - Vĩnh nói.

Suất ăn treo trước cửa nhà ngày phong tỏa

240550577_1254694528325704_3933883077833924947_n

Vĩnh cùng tổ dân phố phát các suất ăn trong những ngày thành phố phong tỏa - Ảnh: NV

Thời gian dài toàn thành phố Đà Nẵng phong tỏa "ai ở đâu ở yên đấy", với tính "làm quen - nghỉ không quen", cứ một hai ngày Vĩnh lại bỏ tiền túi nấu món này món kia tặng bà con trong tổ dân phố, các hộ khó khăn trong phường. Khi thì bún, mì, bánh chưng, khi là những suất ăn nóng hổi được anh nấu, chia phần và treo trước cửa từng nhà.

Dù tình hình dịch bệnh khó khăn nhưng Vĩnh và nhóm vẫn duy trì các suất ăn tặng bệnh nhi ung thư. Đại diện khoa dinh dưỡng Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cho biết, nhóm anh Vĩnh là địa chỉ đồng hành với các bệnh nhi đang điều trị tại đây trong một thời gian khá dài. Những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng được anh cùng các bạn của mình chuẩn bị tỉ mỉ, đẹp mắt và rất ngon đã giúp các bé có thêm sức khỏe và san sẻ áp lực khó khăn về thực phẩm đặc biệt trong mùa dịch.


 hành trình 4 năm tôn vinh người tử tếTôi yêu Đà Nẵng: hành trình 4 năm tôn vinh người tử tế

TTO - Tối 11-12, UBND TP Đà Nẵng phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức chương trình tôn vinh 21 cá nhân, tập thể là những gương mặt tiêu biểu trong chuyên mục “Tôi yêu Đà Nẵng” trên báo Tuổi Trẻ năm 2020.

Nguồn bài viết