Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần đẩy nhanh tiến độ sớm đưa các mỏ đã trúng thầu vào khai thác, giải quyết nhu cầu cấp bách của người dân, địa phương, nhằm kéo giảm tình trạng khai thác cát trái phép hiện nay.
UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu lực lượng chức năng, công an tỉnh Bến Tre tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp đấu tranh, xử lý có hiệu quả các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát (kể cả công khai và mật phục) tập trung vào các địa bàn giáp ranh; phân công lực lượng ứng trực, bám chốt 24/24 giờ tại các vị trí có nguy cơ hình thành "điểm nóng" đã xác định; qua đó chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên từng địa bàn.
Cùng với đó, các đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án vi phạm quy định về khai thác tài nguyên khoáng sản đang thụ lý, kiên quyết đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật, góp phần răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Ngoài ra, các bộ phận liên quan làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và vi phạm pháp luật trên lĩnh vực bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên khoáng sản; công khai kết quả kiểm tra, xử lý nhằm định hướng dư luận, tạo sự đồng tình ủng hộ của các cấp, các ngành và người dân.
Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã tăng cường công tác phổ biến chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của pháp luật về khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân, đảng viên, cán bộ và quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức, phù hợp về nội dung và đối tượng.
Trong đó, các đơn vị cần chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc sử dụng cát có nguồn gốc hợp pháp; ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khoáng sản, thông tin đến người dân biết về kết quả kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác cát của xã để người dân hiểu rõ, cùng tham gia giám sát.
Mặt khác, địa phương cần tiếp tục rà soát các hộ dân hành nghề làm thuê khai thác cát để tuyên truyền rõ nội dung nếu vi phạm từ 2 lần trở lên có thể bị xem xét xử lý hình sự, yêu cầu chủ các phương tiện khai thác cát phải đăng ký, đăng kiểm đúng quy định, chấp hành nghiêm Luật an toàn đường thủy nội địa khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, các địa phương có mỏ cát đã đấu giá, sớm đưa vào hoạt động khai thác để giải quyết nhu cầu cấp bách các công trình của địa phương và người dân, nhằm kéo giảm tình trạng khai thác cát trái phép hiện nay.
Tỉnh Bến Tre có sông ngòi chằng chịt với 4 tuyến sông lớn giáp ranh các địa phương lân cận, là điều kiện thuận lợi cho phương tiện thủy hoạt động. Lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép rất lớn nên các đối tượng bất chấp pháp luật, cố tình vi phạm, luôn tìm mọi cách để đối phó, chống đối hoạt động kiểm tra của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng cát san lấp mặt bằng để xây dựng cơ sở hạ tầng cao, nhưng nguồn cung (cát khai thác hợp pháp tại các mỏ) còn hạn chế. Đáng chú ý ,công tác kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép gặp rất nhiều khó khăn, do địa bàn hoạt động khai thác cát trái phép là trên sông nước, chủ yếu vào ban đêm, trong khi lực lượng kiểm tra còn mỏng, phương tiện phục vụ kiểm tra chủ yếu thuê mướn từ các hộ dân.
Năm 2021, Công an Bến Tre đã phát hiện 255 vụ/349 cá nhân và 5 tổ chức; xử phạt và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử phạt đối với 193 vụ với 264 cá nhân, 5 tổ chức vi phạm hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển khoáng sản (cát lòng sông), tổng số tiền phạt hơn 3,9 tỷ đồng; tịch thu 46 phương tiện, buộc nộp số tiền hơn 6,3 tỷ đồng, tịch thu hơn 2,5 nghìn m3 khối cát khai thác trái phép...
Lực lượng Bộ đội biên phòng phát hiện 7 vụ với 12 cá nhân vận chuyển cát trái phép. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tuần tra, phát hiện hành vi khai thác 621 m3 cát tại khu vực đất rừng phòng hộ, xử phạt hơn 230 triệu đồng. UBND các huyện, thành phố kiểm tra phát hiện 73 vụ với 121 cá nhân vi phạm, đã xử lý 70 vụ với tổng số tiền phạt hơn 5 tỷ đồng…